15/04/2015 12:00
Sử dụng thực phẩm nói chung, rau an toàn nói riêng là nhu cầu của tất cả mọi người. Nhưng có một nghịch lí là trong khi người tiêu dùng đang mong muốn có được sản phẩm rau chất lượng thì người trồng rau an toàn lại loay hoay tìm đầu ra cho mình. Con đường mà rau an toàn đến được với mọi người không hề dễ dàng.
Xã viên HTX Nông nghiệp Toàn Thịnh đang chăm sóc rau.
Dạo quanh những con phố chính trong thành phố Buôn Ma Thuột không dễ dàng để tìm được cửa hàng bán rau an toàn. Muốn mua rau người dân đều ra chợ. Nhưng đây lại là nơi tập trung của rất nhiều thực phẩm, cả “bẩn” lẫn “sạch”. Vậy nên dù có là người tiêu dùng thông thái thì nhiều lúc cũng phải chấp nhận sự may rủi.
Rau an toàn là sản phẩm rau, quả tươi được sản xuất, sơ chế phù hợp với các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn tại Việt Nam (gọi tắt là VietGAP). Theo đó, rau được gọi là an toàn phải đạt được các điều kiện về nhân lực, đất trồng, nước tưới… và có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sử dụng rau an toàn là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, vì nhiều lí do, rau an toàn chưa đến được với nhiều người dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết hiện toàn tỉnh có khoảng 9000 ha trồng rau, tập trung ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Năng, Cư Mgar, thành phố Buôn Ma Thuột… Theo định hướng của UBND tỉnh, đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ có khoảng 480 ha trồng rau an toàn. Nhưng đến nay mới chỉ phát triển được 21 ha, chiếm tỷ lệ 4,3%. Tỷ lệ này chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Thôn Tân Tiến, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư Mgar có 100/126 hộ trồng rau. Trong đó có 45 hộ gia nhập HTX Nông nghiệp Toàn Thịnh sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 10 ha. Tham gia sản xuất rau an toàn, người nông dân phải chấp hành những quy định nghiêm ngặt về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bên cạnh đó, nguồn vốn bỏ ra cũng nhiều hơn rau bình thường. Anh Đỗ Văn Cảnh, xã xiên HTX Toàn Thịnh cho biết: “Để sản xuất rau an toàn cần số tiền đầu tư khá nhiều, từ hệ thống nhà lưới, phân bón, thuốc trừ sâu sinh học, đến đất trồng... Nhưng giá thành chỉ cao hơn rau bình thường từ 1000 đến 2000 đồng/1kg. Nên người trồng rau phải tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, chấp nhận lấy công làm lời”.
Trung bình mỗi ngày các xã viên HTX Toàn Thịnh thu hoạch khoảng 2 tấn rau, nhưng chỉ có 3 tạ được ký hợp đồng đóng gói để nhập cho các siêu thị. Số còn lại, người dân phải tự tìm nguồn tiêu thụ. Hoặc phải đem ra chợ bán với giá cào bằng, hoặc chấp nhận bị thương lái ép giá ngay tại vườn. Điều này khiến cho nhiều hộ trong thôn không mặn mà với việc sản xuất rau an toàn.
Hầu hết người tiêu dùng chấp nhận mua rau giá cao với điều kiện đó phải là rau an toàn thực sự. Song trên thực tế, không ít người hoài nghi về cụm từ “rau an toàn” liệu có an toàn thật hay không bởi thị trường thực phẩm thời gian qua đã làm mất niềm tin quá nhiều ở họ. Bên cạnh đó, điểm phân phối rau cũng rất ít ỏi, chỉ tập trung ở siêu thị Co.op Mart, Metro và một số ít siêu thị nhỏ, khiến người tiêu dùng khó tiếp cận. Còn tại những cơ sở kinh doanh ăn uống, vì chạy theo lợi nhuận nên họ không sử dụng rau an toàn.
Vì những lí do trên mà nhiều năm nay, những người sản xuất rau an toàn vẫn phải tự loay hoay tìm đường đi và chưa nhận được lợi ích chính đáng từ sản phẩm của mình.
Tại hội nghị triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2015 do Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Đắk Lắk tổ chức với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến về nâng cao hiệu quả của mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật cho người nông dân, cần tập trung nguồn lực tìm đầu ra ổn định cho rau an toàn, như hợp đồng đặt hàng, xây dựng các cửa hàng bán rau an toàn có chứng nhận và nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cam kết sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng, kích thích trên rau ngoài thị trường, đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người trồng trọt nói chung về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước tiến tới trồng rau an toàn đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Để người tiêu dùng được sử dụng rau an toàn, người trồng rau yên tâm sản xuất thì các cơ quan chức năng cần thực hiện mạnh mẽ các giải pháp trên, tích cực cải thiện chất lượng nguồn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe, phát triển kinh tế bền vững./.
Thu Huế - Quang Nhật
Trung tâm truyền thông GDSK
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác