25/04/2015 12:00
Ngày sốt rét thế giới (World Malaria Day) được thiết lập vào tháng 5/ 2007 do Đại Hội đồng Y tế thế giới (World Health Assembly) lần thứ 60 đề nghị, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ngày này được đề ra nhằm cung cấp “giáo dục và sự hiểu biết về sốt rét” và làm thế nào đưa thông tin rộng khắp với tiêu điểm phòng chống sốt rét có sự tham gia của mọi người và trong thời gian dài, bao gồm các hoạt động dựa vào cộng đồng để ngăn ngừa sốt rét và điều trị tại các vùng bệnh lưu hành.
Phối hợp với quân dân y và bộ đội biên phòng trong công tác phòng chống sốt rét
Năm 2015, chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống sốt rét cũng tương tự như năm 2014 là “ Đầu tư cho tương lai, đánh bại sốt rét”. Theo WHO, sốt rét là một bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng Plasmodium truyền qua các vết đốt của muỗi Anopheles. Một nửa dân số thế giới (khoảng 3,4 tỷ người) có nguy cơ mắc sốt rét, nhất là người dân các nước nghèo. Sốt rét gây thiệt hại đáng kể về kinh tế ở các nước có lưu hành sốt rét nặng. Ở các nước này, sốt rét làm cho gia đình và cộng đồng ngày càng nghèo đói, người nghèo không có khả năng điều trị hoặc hạn chế tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, sốt rét còn đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai, phụ nữ mang thai có khả năng tử vong cao do các biến chứng của sốt rét nặng. Sốt rét cũng là một nguyên nhân gây sẩy thai, sinh non, sót nhau thai và thiếu máu nghiêm trọng ở mẹ, gây thiếu cân cho trẻ sơ sinh. WHO cũng khuyến cáo điều trị dự phòng liên tục cho phụ nữ mang thai sống trong vùng lan truyền sốt rét cao.
Sốt rét là một trong những bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên bệnh sốt rét có thể phòng ngừa được. Cùng với các nước trên thế giới, từ năm 2008 Việt Nam đã bắt đầu tổ chức phát động Ngày thế giới phòng chống sốt rét. Ở nước ta, hầu hết các địa pương trên cả nước đều tổ chức sự kiện này và định kỳ hàng năm Ngày thế giới phòng chống sốt rét 25 tháng 4 cũng được triển khai thực hiện với các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe và phát động biện pháp phòng chống cần thiết. Với những nỗ lực trong công tác phòng chống sốt rét, đến nay nước ta đã đạt được những thành quả đáng kể, tỷ lệ bệnh nhân mắc sốt rét hàng năm đều giảm. Tuy nhiên, bệnh sốt rét có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, bất kỳ ở đâu nếu chúng ta không cảnh giác, lơ là, không đầu tư xây dựng các điều kiện bền vững để duy trì thành quả lâu dài.
Hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, bệnh sốt rét với nhiều nguy cơ tiềm ẩn là mối đe dọa và có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Sự biến động về dịch tễ sốt rét (sinh thái môi trường thay đổi, sự giao lưu ở các vùng sốt rét lưu hành, vùng biên giới), đặc biệt là khu vực miền Trung – Tây Nguyên nằm trong khu vực trọng điểm sốt rét của cả nước; dân di cư tự do nhiều, khó kiểm soát, dân đi rừng, ngủ rẫy, buôn bán nơi biên giới…; kinh tế xã hội vùng sốt rét nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Do đó, các ngành hữu quan cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống sốt rét, đặc biệt là ngành y tế cần chỉ đạo hệ thống tổ chức phòng chống sốt rét tại địa phương đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa công tác phòng chống sốt rét, chú trọng phối hợp với quân dân y và bộ đội biên phòng trong công tác phòng chống sốt rét, tăng cường công tác giám sát dịch tễ sốt rét, đặc biệt tại các vùng có nguy cơ xảy ra dịch, vùng sâu, vùng xa; thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị ca bệnh: đảm bảo uống thuốc đủ liều, đủ ngày điều trị; củng cố và xây dựng mạng lưới y tế thôn buôn, làm tốt công tác truyền thông GDSK về phòng chống sốt rét./.
Minh Thu ( t/hợp)
Ảnh: Bảo Châu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác