25/04/2015 12:00
Mẹ ít khi kể về những chuyện đã qua, chẳng là chuyện liên quan đến cái cổ tay bên phải của Mẹ có đầu xương bị lệch sang một bên làm bàn tay vẹo đi, mỗi khi cầm bút hay gảy bàn tính thì cả bàn tay lại trẹo xuống như cổ con cò bị thương vậy. Anh Cả thì kể thập thõm rằng ngày ấy, ở khu sơ tán máy bay Mỹ của tập thể ngân hàng huyện, Em út mới sinh được hơn ba tháng là Mẹ đã phải đi làm, công việc của kế toán trưởng thật nhiều với những bảng kê dài dằng dặc nên Mẹ phải làm cả ban đêm mới xong. Hôm ấy làm việc khuya, từ bên phòng làm việc Mẹ nghe tiếng khóc của Em út nên vội đứng dậy chạy về khu tập thể, chẳng ngờ đi vội quên không bước tránh dãy giao thông hào đang đào dở bên khóm tre nên Mẹ trượt chân ngã, bàn tay chống mạnh xuống đất đau tê tái, vẫn vội vã tập tễnh ôm tay đau chạy về với con nhỏ đang khát sữa…
Hôm sau cổ tay phải sưng vù lên đau nhức không chịu nổi, Mẹ phải xin nghỉ việc cơ quan để đi sang bệnh viện huyện mãi tận xã bên khám. Y sỹ Thu là bà con bên bà Nội vốn được tiếng ở bệnh viện là mát tay với mấy bệnh chật khớp bong gân, sau khi ngắm nghía cổ tay sưng vù của Mẹ và xoa nắn một hồi làm Mẹ toát mồ hôi hột vì đau rồi nói: “ có lẽ chật khớp đầu dưới xương quay rồi Chị ạ, ở đây không có máy chụp X.quang em chẩn đoán sơ bộ vậy thôi, nếu có điều kiện thì đi bệnh viện tỉnh chụp phim kiểm tra sẽ chắc chắn hơn và bác sỹ chuyên khoa ngoại sẽ nắn lại cho Chị. Đang sưng nề thế này em cũng không nắn được, có ít mật gấu chồng em mới mang ở Bảo Lạc về em biếu Chị pha rượu xoa bóp ít ngày cho đỡ sưng đau…”. Cảm ơn người thầy thuốc tốt bụng đã giúp đỡ mình hết sưc có thể, vẫn biết thời buổi chiến tranh bệnh viện tuyến huyện miền núi thật sự thiếu thốn, làm được như vậy đã cảm nhận sự nhiệt tình của Cô ấy lắm rồi.
Sau mấy ngày xoa rượu mật gấu của Y sỹ Thu cho, cổ tay sưng phù của Mẹ đã xẹp hẳn và bớt đau rất nhiều, chỉ còn cái đầu xương là cứ kệnh ra nơi cổ tay, làm bàn tay Mẹ thật khó khăn khi cầm bút, gảy bàn tính khi làm việc cơ quan và làm những việc nhà như chẻ củi, nấu nướng, giặt giũ. Thế nên anh Cả và chị Hai phải nhận nhiệm vụ giặt tã lót và quần áo cho em út, hai anh em xỏ cái đòn gánh qua dây quai thúng được Bác hàng xóm thắt giúp, thất thểu khiêng thúng quần áo, tã lót của em Út ra con kênh ven làng. Anh thì nhúng cả thúng đồ xuống dòng nước vốn giá lạnh do chảy từ mạch nguồn trong khe núi ra, rồi lấy hai bàn chân giẫm đạp lên đó, còn chị Hai thì nhặt từng cái quần áo bé xíu và mảnh tã lót vầy vò bằng hai bàn tay bé nhỏ trên dòng nước lững lờ trôi. Thúng đồ của em được hai anh chị khiêng về, và cả hai anh em tức tốc chạy tới chỗ Mẹ làm việc để khoe công việc Mẹ giao đã hoàn thành, Mẹ về phơi thúng quần áo, tã lót của em Út lên sợi dây thép giăng ngang hai cây cọc rào, chọn ra được gần nửa số tã lót của em giặt chưa sạch mang ra vại nước trước nhà tập thể, bàn tay đau nhói mỗi lần vò lại từng mảnh tã, nước mắt Mẹ rơi xuống hoà cùng những giọt mồ hôi lấm tấm trên má.
Thời gian trôi đi, chẳng lúc nào Mẹ có thể dứt công việc cơ quan và chăm sóc ba đứa con thơ dại để đi bệnh viện tỉnh khám và nắn lại cái cổ tay có đầu xương kệnh ra ấy, vậy nên cổ tay Mẹ đã thành tật như thế và bàn tay cũng dần quen với dị tật do tai nạn ngày ấy gây ra. Chỉ khổ nỗi những hôm trái gió trở giời, hay thay đổi thời tiết là khớp cổ tay lại đau nhức lên, nhất là vào mùa đông lạnh giá, phần mật gấu cô Thu y sỹ cho đã hết từ bao giờ, Bố đi công tác miền rẻo cao thường xuyên, Mẹ dặn nhưng cũng chẳng bao giờ thấy Bố kiếm được miếng mật gấu nào cho Mẹ. Cái khó ló cái khôn, mỗi lần đau nhức Mẹ lại hái nắm lá ngải cứu ngoài làng rửa sạch rồi sao với nước vo gạo cho thêm chút muối và cuộn lại đắp lên chỗ đau, nhờ môn thuốc dân dã ấy mà bao mùa đông với những công việc cơ quan và con mọn đã trôi qua. Mẹ tần tảo, chắt chiu làm vườn, nuôi heo, và nuôi con không lớn, những đứa con lớn lên học giỏi và cả hai anh chị đã vào đại học, em Út thì vào học những năm cuối của trường phổ thông trung học. Mẹ đã cất được căn nhà gỗ khang trang và mát mẻ ở gần ngay sân vận động của phố huyện, mái tóc điểm sương rung rung theo điệu cười của Mẹ mỗi khi nhắc tới bàn tay dị tật mà vất vả của đời với những việc tưởng chừng còn khó làm với ngay cả những người có đôi tay lành lặn.
Những tưởng đời Mẹ đã hết khổ, vậy mà chẳng lúc nào hết biến cố, dông tố cuộc đời cứ làm nước mắt Mẹ rơi, trận hoả hoạn trong chiến tranh biên giới đã quét sạch những nỗ lực và công sức đời Mẹ chắt chiu mấy mươi năm. Nhặt từng cái bát ăn cơm còn lành lặn trong đống tro tàn lòng quặn thắt nhưng miệng vẫn an ủi con trai út: “ chúng ta còn sống qua cuộc chiến tranh này, vậy là may mắn rồi, còn người ta lại làm từ đầu con ạ…”. Khởi đầu là việc nhờ bà con, họ hàng chặt tre nứa dựng lên túp lều nhỏ làm chỗ trú nắng che mưa để con đi học lại những năm cuối cùng của trường phổ thông. Cũng năm ấy Nhà nước có chính sách nghỉ chế độ sớm theo Nghị định 176, Mẹ đã làm đơn xin nghỉ cơ quan Ngân hàng với đồng lương ít ỏi mà vật giá leo thang thủa bao cấp. Trở về với cuộc sống đời thường của người nông dân thuần tuý, hàng ngày dầm mưa dãi nắng trên mảnh ruộng khoán và khai phá nương cằn, đồi chọc để chỉa bắp, trồng đậu… Thuốc lá là lợi thế của miền đất quê này nên Mẹ đã tận dụng hết từ vạt đất ven đường tới những liếp ruộng cao thiếu nước để cho những vạt thuốc lá Cao Bằng vươn lên xanh mướt. Ngoài giờ học con trai út góp sức chặt củi làm chất đốt sấy thuốc lá và vận chuyển sản phẩm ra đại lý thu mua thuốc lá của huyện. Những đồng tiền từ mồ hôi nước mắt của Mẹ để dành gửi cho hai con lớn học đại học và chắt chiu mua được con trâu cái, sau ba năm hai chú nghé đực ra đời đã góp công cho sức kéo vào mỗi mùa cày cấy.
Với đôi bàn tay có dị tật ở cổ tay phải, Mẹ vẫn cầm được tay cày chạy theo chú trâu đực mới lớn kéo băng băng trên triền nương đất đảo hồng lên trong nắng sớm, thi thoảng mỗi lần cổ tay bị vặn chéo vì lưỡi cày động cục đá ngầm thì lại đau chói lên, Mẹ nghiến răng theo đuôi trâu cho hết xá cày rồi mới ngưng nghỉ, tự xoa bóp cổ tay cho đỡ nhức rồi lại giục trâu tiếp đường cày mới. đất không phụ công sức cần mẫn tăng gia của Mẹ, mỗi năm trên mảnh ruộng và nương đồi của người Mẹ chăm chỉ ấy là những vụ lúa và thuốc lá bội thu. Nhờ chính sách ưu đãi những gia đình bị hoả hoạn trong chiến tranh với những đồng tiền ki cóp mấy năm trời từ bàn tay từng cầm bút, gảy bàn tính khi xưa, nay trở thành người nông dân thực thụ, Mẹ mua được năm hàng cột bê tông và mấy nghìn viên ngói đáp cầu. Lại nhờ sự đùm bọc của anh em xóm làng và sức lực của các chú bộ đội đóng quân tại quê, một căn nhà mới được dựng lên khang trang với tường chát vôi sỉ quét vôi trắng. Công sức đời Mẹ một lần nữa được đền đáp cùng căn nhà mới là con trai út thi đậu trường đại học Y khoa, nước mắt mẹ lại rơi trong sung sướng với mái tóc đã điểm sương nhiều hơn và làn da nhăn lại cùng tấm lưng còng xuống.
Anh cả, chi Hai ra trường đại học và có nơi công tác ổn định ngay trốn quê nhà, rồi dựng vợ gả chồng và xây dựng tổ ấm gia đình riêng cũng một tay mẹ lo toan sắp xếp, bàn tay dị tật đi hết gần cả cuộc đời vẫn chưa được ngơi nghỉ, tháng năm trôi qua trên cái cổ tay phải ấy giờ đầu xương kệnh ra ngày ấy càng rõ hơn bởi lớp da tay nhăn lại cẳng tay teo tóp cùng thời gian và tuổi già ập đến. Những ngày lạnh giá hay lúc trái gió trở giời cả cánh tay đau nhức nhiều khi không chịu nổi, môn thuốc dân dã ngải cứu sào ngày trước giờ không còn mấy tác dụng, mỗi khi đau nhiều Mẹ phải ngâm cả cánh tay đau vào nồi nước nóng sực đun cùng mấy loại lá thuốc trên rừng do người lương y trong xóm hái giúp. Một lần tai nạn nữa lại ập đến khi Mẹ bị ngã trong lần phơi thóc trên sàng lảng khi cái thang bị trượt nấc làm cả thân thể gầy yếu bị quăng xuống nền sân xi măng, may không gãy xương nào trong cơ thể, nhưng cả tấm thân già còm cõi ấy như muốn tan nát vì đau đớn…
Người con út làm bác sỹ sinh cơ lập nghiệp tận mãi Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã phải về đón cả Bố Mẹ từ quê hương Cao Bằng vào Tây Nguyên để tiện bề chăm sóc. Đời Mẹ lại một lần sang trang khi đã tuổi xế chiều mà lại phải tha hương, sống nơi quê mới cùng gia đình anh con trai út, Mẹ lại tập phục hồi chức năng với chế độ thuốc men hợp lý, qua năm sau Mẹ được đón cháu nội đích tôn ra đời ở mảnh đất Cao nguyên nắng và gió với những rừng cây cà phê bạt ngàn, Mẹ nói với con cái: “ các con đặt tên cháu nội khi đi học là gì không biết, Mẹ sẽ đặt tên cháu nội của Mẹ là thằng Nghé để gọi ở nhà, cho đỡ nhớ đàn trâu của Mẹ khi trước ở nhà quê…”. Cu Nghé, cháu nội của Mẹ hay ăn mau lớn mập mạp như cây Knia ở đầu thị trấn Buôn Đôn là khu du lịch nổi tiếng của Đắk Lắk, cũng nhờ một phần công sức chăm bẵm của bà Nội vốn rất thương con, thương cháu, giờ xa quê hương ở nơi đất khách này, Mẹ dồn tình thương, nỗi nhớ quê hương, làng xóm cho cháu nội của Mẹ.
Năm Nghé được hai tuổi, Bố vốn một đời chăm chỉ làm công tác cách mạng, một đời phục vụ nhân dân, ở Buôn Ma Thuột được hơn hai năm rồi, thấy tuổi già ngày một yếu đi cùng nỗi nhớ quê hương nên nằng nặc đòi về quê. Vậy là Mẹ lại một lần nữa trở về quê hương bản quán, Mẹ lại còm cõi chăm sóc người bạn đời gần năm mươi năm của mình những ngày cuối dù tuổi già sức yếu mà vẫn gắng hết sức mình. Năm sau Bố ra đi, một lần nữa nước mắt Mẹ rơi cho sự ly biệt. Giỗ Bố xong Mẹ được anh trai út đưa trở lại buôn Ma Thuột, thời gian và nỗi đau cũng nguôi ngoai, và Mẹ tham gia hoạt động cùng nhóm các cụ cao tuổi, mỗi sáng cùng các cụ tập thể dục, nói chuyện thời sự và thăm nom các cụ ốm đau, nụ cười trên những gương mặt bạn già làm niềm vui tràn trên khoé mắt Mẹ.
Năm sau anh con trai út lại có thêm niềm vui khi đón một cậu con trai nữa ra đời, nhìn thằng cháu nhỏ bụ bẫm đỏ hồng trong chăn ấm, Mẹ nói: “ đặt tên cháu nội Bà là Hoà An để lớn lên cháu nhớ về quê cha đất tổ ở quê hương là huyện Hoà An các con nhé…”. Cậu bé Hoà An lớn lên trong tình thương yêu của cả đại gia đình, ngoài thời gian bú mớm, lại được bà Nội bồng bế vui chơi trong nhà, tiếng cười tiếng khóc trẻ thơ làm rộn ràng căn nhà bé nhỏ. Hoà An được tròn tuổi, ngoài lễ thôi nôi để bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp chúc mừng, Mẹ nói với con trai út: “nên tổ chức lễ mừng tuổi Hoà An theo phong tục quê hương Cao Bằng con ạ”. Nhờ một số người quen trong nhóm đồng hương Cao Bằng di cư vào đây, anh trai út mời được bà Bụt làm lễ cúng cho bé Hoà An bằng lễ cúng theo phong tục văn hoá dân gian Tày Nùng Cao Bằng, ngoài nghi lễ mừng trẻ đầy năm hay ăn mau lớn, khoẻ mạnh và thông minh, còn thêm tiết mục then tính Cao Bằng. Lặng nghe tiếng đàn tính thánh thót ngân lên với những làn điệu dân ca quê hương, bàn tay gầy một bên cổ tay dị tật có đầu xương kệnh ra nắm thành nôi cháu sẽ đu đưa, say sưa ngắm nhìn ánh mắt tươi vui trong sáng của cháu nội, đôi mắt Mẹ lặng lẽ rơi lệ, nụ cười nở thật rạng rỡ trên đôi môi tuổi già, với nét mặt tràn đầy hạnh phúc.
Bài: HOÀNG ĐỨC
Ảnh: BẢO CHÂU
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác