25/04/2015 12:00
Sau khi ký kết Hiệp định Pari, quân Mỹ và chư hầu phải rút hết khỏi miền Nam Việt Nam và chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc. quân nguỵ Sài Gòn biết đã trở thành yếu thế trên toàn chiến trường miền Nam, chúng giãy chết ra sức đánh lấn, cắm cờ nguỵ trên các vùng cài răng lược giữa ta và địch hòng dành dân, chiếm đất mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Tại địa bàn Đắk Lắk quân nguỵ Sư 23 chính quy và lính địa phương quân cũng ra sức càn quét mở rông các vùng chiếm đóng xung quanh thị xã Buôn Ma Thuột và các thị trấn trong tỉnh. Quyết không để địch vi phạm Hiệp định Pari, quân và dân ta tại các khu căn cứ trong tỉnh đã đánh trả đích đáng và tiêu diệt nhiều quân địch tại tiểu khu Giang Sơn giáp ranh H9, vùng ven thị trấn Khánh Dương và vùng Hồ Lắk… bước sang năm bảy mươi lăm, chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính Trị Trung ương Đảng về chuẩn bị thế và lực quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm bảy lăm, bảy sáu. Quân và dân ta đã chuẩn bị tốt lực lượng động viên và khí tài quân trang cho trận chiến đấu cuối cùng. Đặc biệt đội quân dân y trong các căn cứ cũng đã chuẩn bị tốt cơ số thuốc men, thiết bị y tế cho chiến dịch lịch sử, nhất là khu vực trọng điểm Tây Nguyên là các căn cứ cách mạng của tỉnh Đắk Lắk vây quanh thị xã Buôn Ma Thuột.
Hội nghị chỉnh huấn Ban Dân y tỉnh Đắk Lắk được tổ chức tại H9 vào hai ngày 8-9 tháng 1 năm 1975, nhằm chấn chỉnh tổ chức cán bộ, nhân viên của các bệnh xá, các trạm phẫu tiền phương và đội điều trị lưu động, tổ chức phối hợp tốt với quân y của quân chủ lực và bộ đội địa phương. Làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ nhân viên khi triển khai nhiệm vụ phục vụ chiến đấu theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh Uỷ và Bộ chỉ huy mặt trận Tây Nguyên. Trong thế giằng co giữa ta và địch sau Hiệp định Pari trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lúc này các căn cứ của ta được củng cố và xây dựng khá hoàn chỉnh: từ H1 tới H8 đều có các bệnh xá hay trạm xá đủ điều kiện mổ cấp cứu, điều trị tại chỗ cho thương binh, các trạm phẫu thuật tiền phương cũng được trang bị dụng cụ y tế và bổ sung cán bộ chuyên môn có trình độ bác sỹ, y sỹ và y tá có kinh nghiệm trong phục vụ chiến dịch và bám sát chiến trường khá dày dạn. Nguồn thuốc men và dụng cụ, hoá chất phục vụ cho điều trị được ban Kinh tài của tỉnh và kho Dược khơi nguồn từ Phú Yên lên cùng nguồn tiếp tế từ ngoài miền Bắc vào theo đường Trường Sơn cũng không còn khan hiếm như hồi sau chiến dịch Mậu Thân.
Tại hội nghị, sau khi các bệnh xá, trạm xá, đội điều trị và phẫu thuật tiền phương báo cáo tình hình hoạt động phục vụ chiến đấu, nhân lực và những thuận lợi, khó khăn của đơn vị về cơ sở vật chất, dụng cụ, thuốc men; tình hình di chuyển mỗi khi có địch tập kích hoặc đánh lấn chiếm vùng giải phóng… Hội nghị tổng hợp số cán bộ, nhân viên hy sinh và bị địch bắt đồng thời lập kế hoạch điều động cán bộ cho các đơn vị để phù hợp với tình hình chiến đấu sắp tới. Các đại biểu đã thảo luận khá sôi nổi về chủ trương tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị tại các huyện, xây dựng mới một số đội điều trị, phẫu thuật cấp cứu tiền phương, biện pháp khắc phục khó khăn về lương thực cho thương binh và đảm bảo đời sống cán bộ, nhân viên. Đồng chí Nay Điăh Trưởng ban Dân y phổ biến tình hình nhiệm vụ cụ thể là: “ làm tốt công tác tư tưởng chính trị, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối kháng chiến của Đảng, Chính phủ và Mặt trận giải phóng, loại bỏ bi quan chán nản trước những khó khăn trước mắt, tích cực hoạt động phục vụ chiến đấu và tăng gia sản xuất phục vụ đời sống. Tìm mọi cách khơi nguồn thuốc men, trang thiết bị tại chỗ từ trong lòng địch, tranh thủ tối đa nguồn tiếp tế từ miền Bắc và tỉnh bạn Phú Yên, Khánh Hoà và khu vực Tây Nguyên. Phối hợp tốt với quân y của bộ đội để phục vụ chiến đấu…”. Tất cả mọi người đều biết sắp tới sẽ “làm ăn lớn”.
Ngày 10/3/1975 Quân giải phóng nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột, mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên, là đòn chiến lược quyết định trong ý chí và quyết tâm của Đảng ta, quân dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay từ những giờ đầu nổ súng, được sự chuẩn bị chu đáo và kịp thời đưa lực lượng, trang thiết bị y tế sát với sự chỉ huy của Bộ tư lệnh tiền phương mặt trận Buôn Ma Thuột, các đội phẫu tiền phương của ban Dân y Đắk Lắk được đưa sát vào thị xã ngay gần sở chỉ huy của các trung đoàn, tiểu đoàn mũi nhọn, thọc sâu tiến công của quân ta tiến vào thị xã, các nhân viên của đội phẫu liên tục tiếp nhận thương binh từ các hướng chiến đấu do tải thương đưa dến, bàn mổ là những mảnh cây ghép lại hay bàn của người dân vùng ven ủng hộ, được trải ny lông vội vã để kịp thời phẫu thuật cấp cứu cho các thương binh. Trên trời máy bay địch quần đảo ném bom, bắn rốc két nhằm ngăn cản bước tiến quân của quân ta, pháo địch từ các căn cứ bên ngoài cũng liên tục nã tới cùng sự phản công giãy chết của bọn địch trong nội ô thị xã... cũng không thể nào ngăn được bước tiến của quân giải phóng.
Chiến trận càng ác liệt thì thương vong càng lớn, cả đội phẫu tiền phương không lúc nào ngơi tay, những người thầy thuốc từ bác sỹ, y sỹ, y tá, mọi người đứng bên bàn mổ dã chiến xử lý những thương binh nặng liên tục từ sáng sớm tới chiều tối ngày hôm sau không hề ngơi nghỉ. Có những người thầy thuốc cũng đã ngã xuống khi bom đạn quân thù bắn trúng đội hình của đội phẫu. Với sự sáng tạo đưa các đội phẫu tiền phương từ vùng ven áp sát trận địa, những đội tải thương theo sát những mũi tiến công vào nội ô, thương binh của mặt trận tiến công Buôn Ma Thuột cơ bản được cấp cứu kịp thời, đồng thời tránh thương vong cho cả đội phẫu và giảm sự vận chuyển thương binh đi xa.
Từ chiến thắng khởi đầu Buôn Ma Thuột, rồi chiến thắng nối tiếp chiến thắng và ngày 30/4/1975 xe tăng quân ta đã húc đổ cổng dinh Độc Lập, cờ giải phóng tung bay phấp phới trên nóc nhà cơ quan đầu não của nguỵ quyền miền Nam Việt Nam và khắp thành phố Sài Gòn và cả miền Nam thân yêu: chấm dứt cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ và anh dũng của dân tộc Việt Nam, dành lại độc lập, non sông liền một giải thống nhất. Chúng tôi, những người thầy thuốc đi ra từ khói lửa của cuộc chiến đấu anh dũng của toàn quân toàn dân ta ngày ấy, hôm nay không bao giờ có thể quên được những kỷ niệm hào hùng, gian khổ và hy sinh ngày ấy... bao nhiêu cán bộ y tế đã hy sinh anh dũng để hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, họ cũng đã trở thành liệt sỹ, trở thành những người bất tử, là những tấm gương sáng để lại cho các thế hệ thầy thuốc hôm nay học tập và noi theo sự dũng cảm hy sinh và đạo đức của nghề nghiệp cao quí mà xã hội tôn vinh là Người Thầy. Sự hy sinh của các anh chị ngày ấy đã dành lại cho quê hương đất nước một cuộc sống hoà bình, hạnh phúc và phát triển hưng thịnh như hôm nay.
Tâm nguyện của chúng tôi, thế hệ thầy thuốc đàn anh đi trước, chỉ mong các thầy thuốc hôm nay luôn luôn trau dồi bản lãnh cách mạng của cán bộ ngành y tế, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiên cứu khoa học và chuyên cần rèn luyện đạo đức người thầy thuốc, dành hết tâm huyết cho người bệnh, giữ vững bản chất người thầy thuốc xã hội chủ nghĩa trong trong dòng xoáy phát triển của nền kinh tế thị trường hôm nay. Mãi mãi xứng đáng là những người thầy thuốc của nhân dân như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy “lương y như từ mẫu” và sự hy sinh, gian khổ của thế hệ thấy thuốc ngày ấy…
Bài: HOÀNG ĐỨC
Ảnh: BẢO CHÂU
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác