08/07/2015 12:00
Là 01 trong 5 tỉnh Tây Nguyên với diện tích tự nhiên: 13.125 km2, dân số hơn 1,8 triệu người, có 44 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (gồm các dân tộc tại chỗ là người Êđê, M’nông và một số dân tộc ít người di cư từ miền núi phía bắc vào sinh sống như Tày, Nùng, Dao và H.mông với tổng số người dân tộc thiểu số hơn 30%. Với phong tục tập quán đa dạng, cách sinh hoạt phụ thuộc vào thiên nhiên với nguồn nước tự nhiên mất vệ sinh, không có nhà tiêu hợp vệ sinh tại hộ gia đình vẫn tồn tại ở nhiều nơi. Việc phóng uế bừa bãi, không sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, tạo ra môi trường sinh sôi cho các loại vi khuẩn là những tác nhân trực tiếp gây ra những loại bệnh tật thường gặp như tiêu chảy, bị bệnh về đường tiêu hoá, hô hấp,... gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nguồn nước ô nhiễm làm các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển, gây thành các bệnh dịch lây lan theo nguồn nước, có cả các bệnh của động vật, bệnh từ nơi khác đến làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong vùng và các vùng lân cận.
Từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã huy động các nguồn vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng
để xây dựng các công trình cấp nước nông thôn.
Những năm qua Đảng và Nhà nước cùng các cấp chính quyền địa phương đã rất quan tâm tới đời sống sinh hoạt, văn hoá xã hội của nhân dân, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, tích cực truyền thồng vệ sinh môi trường và xây dựng hố tiêu hợp vệ sinh. Có thể nói, tại Đắk Lắk, công tác quản lý nhà nước về chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, giao chỉ tiêu về đánh giá chất lượng cấp nước tập trung và cấp nước hộ gia đình hàng năm.
Trung tâm YTDP tỉnh Đắk Lắk là đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát, đánh giá chất lượng nước trên địa bàn đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua các đợt kiểm tra, giám sát cho thấy: Các hộ gia đình có nguồn nước không hợp vệ sinh chủ yếu do sử dụng giếng đào không có thành, nền giếng và giếng gần các nguồn ô nhiễm như nhà tiêu không hợp vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi gia súc. Trong những năm qua, bên cạnh việc truyền thông nâng cao nhận thức về sử dụng, bảo quản nguồn nước sạch, bảo vệ môi trường sống, Nhà nước đã đầu tư nhiều kinh phí cho việc xây dựng các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đặc biệt là hỗ trợ làm nhà vệ sinh (NVS) tại các hộ gia đình.
Đến cuối năm 2014, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) hộ gia đình trên địa bàn tỉnh là 72,2%, tuy nhiên tỷ lệ nhà tiêu HVS hộ gia đình vùng nông thôn chỉ đạt 62% và số hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhà tiêu HVS đạt thấp 37%. Cá biệt, có một số xã tỷ lệ hộ gia đình người dân tộc thiểu số nhà tiêu HVS rất thấp: Huyện Krông Pắk, xã Ea Yiêng, 1,19%; Huyên Krông Bông, xã Cư Pui 2,04%, xã Hòa Phong 4,95%; : Huyện Ea Súp, xã Cư M’Lan 3,39%; xã Ia Lốp 4,50%; Huyên Ea H’Leo, Xã Ea Sol 5,15%... (tổng số xã có tỉ lệ hộ đồng bào dân tộc có nhà tiêu HVS <10% là 18 xã (11,84%).
Các hộ gia đình có nguồn nước không hợp vệ sinh chủ yếu do sử dụng giếng đào
Tỷ lệ người dân sử dụng nước HVS là 87,6%. Trong đó, tỷ lệ người nghèo sử dụng nước HVS: 64,3%. Tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước đạt Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN: 02/2009 là 32,1% (tính trên 184 mẫu lấy tại 15 huyện, thị xã, thành phố). Đặc biệt, tỷ lệ nguồn nước bị nhiễm vi sinh còn cao chiếm 54,9% (nguồn nước giếng hộ gia đình có nhiễm Coliform hoặc Ecoli hoặc cả 2). Có 25% mẫu nước giếng hộ gia đình không đạt chỉ tiêu về hóa lý, chủ yếu là không đạt về độ pH và độ đục.
Với nhiều nguồn vốn khác nhau, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã huy động lồng ghép các Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình 134, 135, sự tài trợ của các tổ chức quốc tế … để ưu tiên đầu tư cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn về nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Chỉ riêng giai đoạn từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã huy động các nguồn vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng để xây dựng các công trình cấp nước nông thôn.
Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền, quản lý còn yếu kém, nên nhiều công trình cấp nước tập trung nhanh xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả. Tỷ lệ công trình hoạt động bền vững còn thấp, chỉ chiếm 25,8%.
Về chất lượng nước, có 18,8% trạm đạt tiêu chuẩn xét nghiệm nước (đánh giá 69 trạm cấp nước trên toàn tỉnh). Hầu hết các trạm không đạt yêu cầu về hàm lượng clo dư trong nước (tiêu chuẩn 0,3 – 0,5mg/l). Có 76,8% trạm không xử lý clo hoặc nồng độ clo dư < 0,3mg/l; 47,8% trạm cấp nước có nhiễm vi sinh vật.
Để làm tốt công tác này trong thời gian tới các cấp chính quyền, đoàn thể cần chung tay thực hiện công tác truyền thông để người dân nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, nhất là với cộng đồng người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Ngoài ra cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất. tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt
- Chỉ đạo và phân công trách nhiệm giám sát chất lượng nước cho hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến huyện, tăng cường thanh kiểm tra nhằm đôn đốc, nhắc nhở các trạm cấp nước thực hiện tốt các quy định về đảm bảo chất lượng nước, phổ biến các văn bản pháp luật về vệ sinh nước sạch.
- Đào tạo, tập huấn về thanh kiểm tra chất lượng nước và kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá chất lượng nước cho cán bộ ngành y tế.
- Tăng cường trang thiết bị kỹ thuật, mở rộng dịch vụ đánh giá chất lượng nước.
Thứ hai.. tăng cường vệ sinh hộ gia đình
- Tăng cường năng lực, nhân lực cán bộ thực hiện công tác vệ sinh môi trường tuyến tỉnh - huyện - xã.
- Tập trung tăng cường các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh nhằm nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ bệnh tật liên quan đến môi trường; vận động người dân người dân tự bỏ kinh phí sẵn có hoặc vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội hoặc các nguồn tín dụng khác để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hoặc cải tạo nhà tiêu không hợp vệ sinh thành hợp vệ sinh.
- Hỗ trợ hộ gia đình xây dựng nhà hợp vệ sinh (chọn hộ nghèo, hộ chính sách và hộ cận nghèo để hỗ trợ) mang tính trình diễn tuyên truyền vận động người dân. Áp dụng các nhà tiêu khác nhau phù hợp với vùng và điều kiện kinh tế xã hội, ưu tiên phát triển các mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh giá rẻ.
- Phân vùng dựa theo tỷ lệ nhà tiêu để có các biện pháp can thiệp phù hợp. Tập trung nguồn lực cho vùng có tỷ lệ nhà tiêu thấp.
- Đa dạng hóa nguồn lực từ nhà nước, ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức trong và ngoài nước, doanh nghiệp và người dân.
Thứ 3. triển khai các phong trào vệ sinh phòng bệnh
- Tăng cường công tác chỉ đạo; Huy động sự tham gia của cộng đồng thông qua các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân nhằm thay đổi hành vi và tăng nhu cầu sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Tổ chức tuyên truyền lưu động, rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng những ngày: 02/07 ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân; 05/06 ngày nước sạch thế giới; tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường…
- Phát động Phong trào Thi đua trong toàn tỉnh về vệ sinh môi trường, xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Bài: Hoàng Hải - Ảnh: Bảo Châu
Trung tâm YTDP
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác