22/07/2015 12:00
Với nghề báo, Hồ Chủ tịch đã phải trải qua quá trình học hỏi, rèn luyện vô cùng gian khổ mà những ngày tập làm báo ở Pháp của Người là minh chứng rõ nét nhất. Trong cả cuộc đời Người, luôn hiển hiện tinh thần tự học, ý chí kiên định và những tố chất của một nhà báo kiệt xuất.
Hầu hết tranh biếm họa của Nguyễn Ái Quốc đều trực diện đề cập
đến vấn đề nóng hổi thời bấy giờ
Khổ luyện
Sau sự kiện bản Yêu sách của nhân dân An Nam làm rung chuyển thế giới, Nguyễn Ái Quốc đến tòa báo Dân Chúng do ông Giăng Lông-ghê, cháu ngoại C.Mác, làm chủ nhiệm. Bởi đây là tờ báo không những “dũng cảm” đăng bản “yêu sách tám điểm” mà chủ nhiệm tờ báo còn khuyến khích Nguyễn Ái Quốc viết bài để làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ những bất công xảy ra ở Việt Nam. Chuyện kể rằng, khi gặp Giăng Lông-ghê, Nguyễn Ái Quốc đã bộc bạch tâm nguyện của mình: “Viết báo có khó không? Tôi muốn viết nhưng không biết phải viết như thế nào?”. “Anh cứ viết ra những điều anh suy nghĩ về một vấn đề gì đó ở Đông Dương, ở Việt Nam. Anh viết xong tôi sẽ đọc và sửa chữa giùm...”, Giăng Lông-ghê trả lời.
Những ngày đầu, Nguyễn được chủ nhiệm Giăng Lông-ghê, rồi Ga-xtông Mông-mút-xơ, chủ bút báo Đời Sống Công Nhân nhiệt tình chỉ dẫn nghiệp vụ báo chí đơn giản. Trần Dân Tiên khi đó là thư ký tòa báo kể lại: “Ông Nguyễn bắt đầu làm báo rất khó khăn” vì yếu tiếng Pháp, thiếu văn Pháp. Người đã vượt qua khó khăn đó bằng cách tự học và học tập những nhà báo người Pháp dày dặn kinh nghiệm. Vừa học nghiệp vụ, nhà báo tương lai Nguyễn Ái Quốc vừa không quên củng cố thứ ngôn ngữ mình hạn chế bằng cách đọc nhiều tác phẩm văn học nguyên bản tiếng Pháp.
Người kiên nhẫn bắt đầu từ những thao tác nhỏ như viết hai bản, gửi cho tòa báo một bản, giữ lại một bản, sau khi bài được đăng thì so sánh với bản gốc và sửa những chỗ viết sai. Những bài báo đầu tiên Người viết ngắn. Khi thấy viết đã bớt sai, được sự đồng ý của chủ bút, Người viết dài hơn. Cứ như vậy, tùy theo chủ đề, Người có thể viết dài, rút ngắn tùy thích. Đối với Người, viết ngắn khó và cần rất nhiều công phu, bởi Nguyễn quan niệm, ngắn về số dòng nhưng phải cô đúc về nội dung và bảo đảm chất lượng thông tin.
Những bài viết của Bác bằng tiếng Pháp dần dài hơn, chuẩn hơn và được đăng thường xuyên hơn. Từ những mẩu tin, bài viết tản mạn có chủ đề nhỏ, Bác viết thành các bài có chủ đề lớn, tập trung. Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo cánh tả là các báo ngân quỹ ít ỏi nên hầu như không có nhuận bút, nhưng mang lại ý nghĩa tinh thần rất lớn cho chủ nhân của nó. Vì vậy, ban ngày Bác đi làm kiếm sống, tối tham gia mít tinh, biểu tình, vận động cách mạng, đêm lại cặm cụi viết báo cho tới gần sáng. Nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh của chúng ta đã dấn thân vào làng báo như vậy đó!
Có nhiều người hiện nay, nếu không tìm hiểu sâu về chặng đường khổ luyện của Bác, đọc lại những bài báo đó đều kinh ngạc, bởi một người trẻ tuổi mới đến Pháp chưa được bao lâu, vốn tiếng Pháp không đáng kể, nghiệp vụ làm báo chưa có, vậy mà chỉ thời gian ngắn có thể viết những bài báo mang nội dung chính trị rất phức tạp đến độ điêu luyện, nhuần nhuyễn không kém một nhà báo lão luyện nào. Từ kinh ngạc “không thể tưởng tượng nổi”, người ta đã “nghi ngờ” chính sự thật vĩ đại đó. Nhưng sự thật vốn là liều thuốc thử hữu hiệu nhất để khẳng định chân lý. Thiên tài Hồ Chí Minh đã khiến thế giới bao phen kinh ngạc lẫn thán phục thì sự “ngộ nhận”, “lầm tưởng”, “nghi ngờ” của ai đó âu cũng là điều dễ hiểu.
Tả xung hữu đột với Người Cùng Khổ
Sau khi chính thức bước chân vào làng báo, cây bút trẻ Nguyễn Ái Quốc xông xáo viết cho rất nhiều tờ báo, tạp chí uy tín. Ngoài tờ Đời Sống Công Nhân, nhà báo Nguyễn còn viết cho các báo Dân Chúng, Nhân Đạo, Diễn Đàn An Nam, Người Bình Dân… Đọc bài Người viết từ lúc học nghề đến khi vào làng báo, chúng ta thêm trân trọng, khâm phục và thấu hiểu con đường gian khổ tự hoàn thiện của Người để trở thành nhà báo lớn về tầm tư tưởng, sắc sảo về lý luận…
Một sự kiện quan trọng trong hành trình cầm bút của Người là ngày 19.01.1922, tại Pa-ri, Nguyễn Ái Quốc và Hội Liên hiệp thuộc địa quyết định thành lập Hội hợp tác Người cùng khổ, ra báo Người Cùng Khổ (Le Paria). Ngày 01.04.1922, số báo đầu tiên chính thức ra mắt bạn đọc, in bằng ba thứ tiếng Pháp, Ả Rập và Trung Quốc.
Ngay số đầu tiên, báo tuyên bố: “Báo Người Cùng Khổ là vũ khí để chiến đấu, sứ mạng của nó đã rõ ràng: giải phóng con người”. Tờ báo do cây bút trẻ Nguyễn Ái Quốc làm phóng viên kiêm chủ báo phụ trách. Nguyễn Ái Quốc chính là “linh hồn” của tờ báo non trẻ này. Nguyễn đảm nhiệm phần lớn nội dung. Đồng thời, hầu hết các công đoạn như: lấy tin, viết bài, biên tập, trình bày mỹ thuật, minh họa, vẽ tranh châm biếm, trình bày bìa, đưa bài sang nhà in, sửa bản in... tất thảy đều kinh qua tay Người. Đây chính là giai đoạn mà Nguyễn Ái Quốc có điều kiện để nâng cao nghiệp vụ, phương pháp làm báo một cách chuyên nghiệp. Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn này bộc lộ kiến thức uyên thâm, vốn sống phong phú, khả năng nắm bắt, xử lý thông tin nhanh nhạy và lối viết sắc sảo, thông minh, điêu luyện qua giọng điệu hài hước, hóm hỉnh.
Chủ bút trẻ Nguyễn Ái Quốc cũng chứng tỏ khả năng tổ chức và điều hành hoạt động tòa soạn báo một cách hoàn hảo. Là người phụ trách cao nhất nhưng Nguyễn Ái Quốc đề ra một lề lối làm việc tập thể, dân chủ. Ban biên tập thường tổ chức các cuộc họp, đề ra nội dung từng số báo, đề tài các chuyên mục, phân công người viết và duyệt tập thể các trang báo.
Năng khiếu làm báo tuyệt vời của Người đã giúp tờ báo ngày một phát triển, chỗ đứng ngày càng cao trong lòng độc giả, đặc biệt là bộ phận người đọc thuộc tầng lớp dưới của xã hội (công nhân, thợ thủ công, buôn bán nhỏ, thủy thủ, người lao động nghèo)… đều yêu thích. Nét riêng của Người Cùng Khổ là không đặt nặng vấn đề tài chính. Với giá thành rất rẻ, khả năng cạnh tranh cao, tờ báo của Nguyễn Ái Quốc có thể len lỏi, thâm nhập khắp các ngõ ngách của thủ đô Pa-ri đến tận tay bạn đọc với cái giá rất phải chăng. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi tờ báo của Người có tính phổ quát rất rộng. Nhiều người dân ở các thôn cùng ngõ vắng nơi thủ đô Pa-ri hoa lệ đều từng nghe tới cái tên Le Paria của ông chủ báo xứ An Nam.
Một phần lợi nhuận kiếm được từ công tác xuất bản, Nguyễn Ái Quốc dành để in những tờ báo miễn phí bí mật chuyển về Việt Nam.
Người vẽ biếm họa xuất sắc
Bên cạnh trang viết sắc gọn, châm biếm sâu cay, Nguyễn Ái Quốc còn sử dụng thành thạo một thứ vũ khí cực kỳ sắc bén nữa là cây bút vẽ. Người là tác giả của nhiều tranh biếm họa với nét vẽ phóng khoáng, đơn sơ nhưng vô cùng thâm thúy. Chỉ cần chiêm ngưỡng vài bức tranh: Văn minh bề trên (Civilisation supérieure), Hội nghị An-giê (La Confé rence D’Angier)… cũng đủ thấy vị cha già kính yêu của chúng ta ngay từ thời trẻ đã là một nhà báo đa năng, tài hoa tới mức nào.
Hầu hết tranh biếm họa của Nguyễn Ái Quốc đều trực diện đề cập đến vấn đề nóng hổi thời bấy giờ như: tội ác của chủ nghĩa thực dân, áp bức, nô dịch văn hóa, nạn phân biệt chủng tộc... Trong một bức tranh, Nguyễn Ái Quốc vẽ một người dân An Nam gầy gò đội chiếc nón lá, quần áo rách rưới đang phải gò lưng kéo một ông chủ Tây béo tròn nằm ngửa, mồm phì phèo xì gà, quát tháo người phu xe… Bức họa đó hàm chứa giá trị tố cáo mãnh liệt, lấp lánh thông điệp nhân văn cao quý qua mỗi nét vẽ đơn sơ, mỗi dòng chú thích ngắn ngủi. Phải làm kiếp trâu ngựa kéo xe cho thực dân không chỉ là nỗi nhục tột cùng của người dân xứ An Nam, mà nó còn chất chứa nỗi đau chung của tất cả các nước thuộc địa trên thế giới. Tính khái quát, hàm súc của những bức họa đó còn gì độc đáo, sâu sắc bằng!
Ở một bức khác, Người “phóng bút” vẽ một tên chủ thực dân đứng thẳng người hai chân dạng ra, dẫm lên đầu người da vàng châu Á, đạp lên cổ người da đen châu Phi, tay hắn cầm một túi vàng với vẻ mặt đắc thắng. Phía sau là vài cây cọ, cái cuốc chim còn cắm sâu vào mảnh đất sỏi đá khô cằn của miền thuộc địa… Từng ấy chi tiết thôi cũng đủ nói lên biết bao điều. Thế mới biết, tầm vóc tư tưởng của Người lớn nhường nào.
Từ “đôi bàn tay trắng”, trở thành nhà báo vĩ đại; cuộc đời cầm bút của Người là tấm chân dung đẹp nhất của báo chí cánh mạng Việt Nam trong thế kỉ XX.
Hoàng Đức ( sưu tầm)
Ảnh: TL Bảo Châu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác