22/07/2015 12:00
Vào những năm 1997-1998, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tạo bước đột phá mới trong việc chỉnh đốn cơ cấu tổ chức theo cơ chế mới, có nhiều đổi mới tuyển chọn cán bộ chuyên môn thuộc văn phòng Sở Y Tế, sắp xếp lại quy trình, nghiệp vụ quản lý và chỉ đạo công tác chuyên môn, khoa học y học trong thời kỳ đổi mới. Tập trung cho nội dung chỉ đạo là chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế nhằm giảm những phiền hà và các tiêu cực vốn đã được báo chí đăng loạt bài phản ánh trên báo địa phương “ Những căn bệnh trầm kha”. BS Đặng Công Long Giám Đốc Sở Y tế quyết tâm lập lại tổ chức hệ thống khám chữa bệnh và y tế dự phòng, chấn chỉnh y đức của cán bộ trong ngành và được Đảng bộ Sở Y tế ủng hộ chủ trương đúng đắn này.
Tôi đã không do dự trả lời: Mình vẫn làm bác sỹ đấy chứ, và giờ có thêm nghề làm báo nữa đấy mà, sao lại tiếc!
Một trong những những bước tạo đà đầu tiên là chấn chỉnh hoạt động Truyền thông giáo dục sức khoẻ, lấy điểm nhấn này làm mũi nhọn để đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và rèn luyện y đức của cả hệ thống y tế trong toàn tỉnh, tiếp tục thực hiện Quyết định số 911/1999/QĐ-BYT của Bộ Y Tế về việc thành lập Trung tâm Truyền Thông giáo dục sức khoẻ trực thuộc Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Về mặt xây dựng lực lượng, Ngành đang triển khai sâu rộng việc tinh giảm biên chế các phòng ban trực thuộc, nhưng lại yêu cầu tăng lực lượng cán bộ làm công tác truyền thông, nhằm tăng cường công tác chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo tại sở Y Tế vững mạnh về nghiệp vụ tuyên truyền, báo chí, hoàn thiện việc cộng tác với báo Đắk Lắk và đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh để thông tin kịp thời các sự kiện thời sự, chính trị và chuyên môn của ngành y tế tới đông đảo quần chúng nhân dân, qua đó giúp nâng cao y đức của người thầy thuốc tại các bệnh viện và cơ sở y tế trong toàn tỉnh, chấn chỉnh kịp thời những sai sót chuyên môn và các biểu hiện tiêu cực mới manh nha trong nội bộ ngành.
Ngày đó ngành y tế Đắk Lắk có tờ Tạp chí Thông tin y tế, có thời gian đã khá phát triển với mỗi quý xuất bản một kỳ năm trăm tờ 12 trang in hai màu, có thời gian anh chị em thuộc phòng Truyền thông đã tăng lên được 2 tháng ra một kỳ. Ngoài ra theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở y tế về chỉ đạo y tế cơ sở còn phát hành thêm phụ san Y tế thôn buôn phát hành được mấy kỳ trong hai năm 1996 – 1987 khi lực lượng cán bộ làm công tác truyền thông, báo chí còn đông đảo và mọi người đam mê công việc mới mẻ của người làm báo ngành y tế Đắk Lắk khi phòng Truyền thông mới được thành lập. Song thời gian sau số lượng cán bộ chuyên ngành cứ rơi rụng dần vì quan niệm của người thầy thuốc làm nghề báo không thật sự thấm sâu vào tư duy của số cán bộ là y bác sỹ trẻ mới ra trường đang mong muốn được trực tiếp khám chữa bệnh. Một số cán bộ khác thì xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khi tuổi tác đã cao không thể cầm bút viết báo, cùng với một số cán bộ có sự khô cứng trong cách thể hiện văn phong báo chí do năng khiếu viết hạn chế, không đáp ứng yêu cầu với khả năng cập nhật thông tin để kịp phát hành tạp chí.
Theo đề xuất của Bs Trần Hữu Phước Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, để tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động truyền thông, số cán bộ còn lại của phòng Truyền thông sát nhập lại với phòng Kế hoạch nghiệp vụ, nhằm hoạt động sát với công tác chuyên môn chỉ đạo, quản lý y dược của ngành y tế tỉnh nhà, tập trung phản ánh các hoạt động của toàn ngành tới đông đảo các tầng lớp trong xã hội, chú trọng nhất là các tổ chức, cá nhân trong ngành y tế, để nắm bắt các thông tin về thủ tục hành chính đổi mới, tạo điều kiện thông thoáng cho cán bộ y tế trong ngành tổ chức các cơ sở y tế khám chữa bệnh ngoài giờ để nâng cao đời sống cán bộ ngành y. Nhằm giúp các cán bộ có trình độ chuyên môn thực hiện đúng quy định các hoạt động khám chữa bệnh, tư vấn, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, giúp cho mọi người có điều kiện nắm bắt kịp thời về luật lệ, thủ tục hành nghề y dược và y học cổ truyền, xem mạch bốc thuốc, thẩm mỹ tư nhân thủa ban đầu....
Trong bối cảnh ấy, lãnh đạo Sở y tế chọn giải pháp thích hợp để tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, công chức toàn ngành y tế và phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đó là đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ. Trực tiếp đồng chí Giám đốc Sở Y Tế chỉ đạo phòng Kế hoạch nghiệp vụ chuẩn bị tuyển chọn nhân lực, một số trang bị cơ bản như máy chụp ảnh, Camera… sẵn có để nâng cấp in ấn, phát hành tạp chí Thông tin y tế Đắk Lắk, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ về nghiệp vụ báo chí và chủ động cộng tác với báo Đắk Lắk và đài Phát thanh – Truyền hình. Từ đầu năm 1998 công việc chuẩn bị được tích cực triển khai, “vốn liếng” ban đầu thật ít ỏi, trực tiếp phụ trách Tạp chí lúc đó là BS Trần Hữu Phước Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Sở Y Tế, người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh, truyền thông cho người dân hiểu biết và tự chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Cán sự Chử Ngọc Anh là nhân viên chuyên trách lấy tin, viết bài, chụp ảnh và kiêm luôn biên tập maket, còn thì tin bài, hình ảnh phần đông là do cán bộ, nhân viên tại các đơn vị y tế trực thuộc, các cơ sở y tế tự chụp ảnh, viết bài gửi cộng tác cho Tạp chí.
Tôi vào nghề báo chí truyền thông theo sự phân công của tổ chức, trong khi chưa hề được đào tạo về nghề này. Năm 1999, tôi được điều động theo nguyện vọng từ ngành y tế tỉnh Cà Mau về phòng Kế hoạch nghiệp vụ - Sở Y Tế tỉnh Đắk Lắk. Chuẩn bị cho việc xuất bản hằng tháng tạp chí Thông tin y tế Đắk Lắk và manh nha, thai nghén cho việc thành lập Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ trực thuộc Sở Y Tế. Với lợi thế ban đầu là thông thạo tiếng dân tộc thiểu số của một bộ phận người dân di cư từ miền núi phía bắc vào Đắk Lắk, có vốn học khá về môn văn ở bậc trung học, thêm một chút đam mê sở thích tìm hiểu những chân trời khoa học y học mới qua báo chí. Thời gian đầu làm việc, Tôi không khỏi những bỡ ngỡ, những bài báo được phân công phải chật vật với con chữ lời văn, vật lộn nhiều thời gian mới đạt yêu cầu. Nhưng được các bậc đàn anh ở phòng Kế hoạch nghiệp vụ chỉ dẫn: ban đầu là kỹ năng vi tính có BS Trịnh Quang Trí cầm tay chỉ việc, DS Lê Bá Nguyên luyện cách chụp ảnh thông thường theo kinh nghiệm, BS Nguyễn Hữu Huyên hướng dẫn cách thể hiện một báo cáo, kế hoạch và đặc biệt là BS Trần Hữu Phước ( đã mất) tận tình uốn nắn văn phong báo chí truyền thông y tế, cán sự Chử Ngọc Anh chỉ bảo kinh nghiệm viết tin và thể hiện Maket báo… Dần dần Tôi đã có ý niệm về một bài báo hay, ham tìm hiểu về sự phát triển của ngành y tế với những thông tin thời sự cùng với việc tự nghiên cứu các bài báo về gương người tốt việc tốt, nhất là những điển hình trong ngành y tế, Tôi đã nắm được một số kiến thức cơ bản về nghệ thuật thể hiện một tác phẩm báo chí của một phóng viên chập chững vào nghề…
Kỷ niệm sâu sắc về tác phẩm đầu tiên của tôi đó là dịp kiểm tra chéo cuối năm 1999 giữa các đơn vị trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố trực thuộc Sở Y tế Đắk Lắk. Khi được phân công là đại diện Sở Y Tế giám sát đơn vị trung tâm y tế huyện Krông Buk kiểm tra chéo trung tâm y tế huyện Đắk Nông ( đơn vị hành chính thuộc thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông ngày nay), thật sự trăn trở khi là cán bộ mới về Phòng lại được Trưởng phòng tin tưởng phân công một nhiệm vụ khá mới mẻ với trọng trách nặng nề. Ngày ấy từ thị trấn Buôn Hồ huyện Krông Buk qua thành phố Buôn Ma Thuột để tới thị trấn Gia Nghĩa, huyện Đắk Nông là cả một hành trình gian nan bởi đường quốc lộ 14 vừa thông xe và chưa được rải nhựa nên chiếc xe Comanca y tế chuyên dụng cứ chồm lên lại tụt xuống liên tục trên chuyến hành trình hơn một trăm năm mươi cây số đường gian nan vất vả ấy.
Được bố trí ngủ tại phòng khách của Trung tâm y tế huyện ngay trong khuôn viên đơn vị, sự tiếp đãi trọng thị có phần ưu ái cho “cán bộ Sở” của cả hai đơn vị đi kiểm tra và được kiểm tra cũng không làm giấc ngủ sớm hơn đến với Tôi. Trằn trọc không ngủ được nên mãi gần sáng Tôi mới thiếp đi, nhưng tiếng chổi tre quét ràn rẹt trên sân Trung tâm y tế lúc hừng sáng đã đánh thức Tôi, sự tò mò của người đang tập tành làm báo với mong muốn khám phá ngay lập tức, Tôi vùng dậy bước vội ra sân: Trên khoảng sân rộng, hai chị hộ lý đang cần mẫn đưa những nhát chổi dài thu gom và hốt gọn những cọng rác, vài chiếc lá khô rụng và ít giấy vụn rơi vãi cẩn thận bỏ vào hai thùng rác để ở góc sân. Khi được hỏi các chị dọn vệ sinh để chuẩn bị cho ngày mai kiểm tra à? Cả hai chị hộ lý phá ra cười và vui vẻ trả lời trong hơi thở: bọn em làm công việc giờ này là bình thường anh ạ, ở đây người dân đi khám bệnh và tiêm phòng sớm nên cần có môi trường vệ sinh tốt để tiếp đón bệnh nhân sạch sẽ là việc làm hằng ngày của tụi em ấy mà…
Quả thật trong ngày làm việc cùng đoàn kiểm tra chéo của trung tâm y tế huyện Krông Buk tại trung tâm y tế huyện Đắk Nông, ngoài những điểm đoàn kiểm tra ghi nhận về kết quả khám chữa bệnh, công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng và tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân của cán bộ, nhân viên, phương pháp chỉ đạo và phối hợp các chiến dịch y tế tại cơ sở, thì điều đáng ghi nhận ở đây là công tác vệ sinh tại phòng bệnh và môi trường của toàn bệnh viện và khu văn phòng Trung tâm y tế thật sự ấn tượng với đoàn: Tại mỗi buồng bệnh đều có thùng đựng rác và bảng hướng dẫn xử lý rác cho bệnh nhân và người nhà, các phòng chuyên môn như X Quang, phẫu thuật. hậu phẫu và các phòng chuyên khoa lẻ máy móc không hề vương chút bụi và được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp và hợp lý để dễ thao tác khi sử dụng và dọn dẹp vệ sinh nhanh chóng thuận tiện sau mỗi buổi làm việc, chứng tỏ sự chăm chỉ, năng động khéo léo của đội ngũ cán bộ nhân viên và lực lượng hộ lý, y công ở đây.
Buổi chiều khi họp tổng kết sau một ngày kiểm tra chéo nghiêm túc và trách nhiệm cùng với sự hài hoà, ghi nhận của đoàn kiểm tra và đơn vị được kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra trung tâm y tế huyện Krông Buk đã ghi nhận những kết quả đạt được của đơn vị và góp ý một số điểm cần điều chỉnh cho hợp lý hơn trong quy trình tiêm chủng, công bố với số điểm đạt gần tối đa đơn vị trung tâm y tế huyện Đắk Nông đạt loại xuất sắc. Khi được mời phát biểu với tư cách đại diện Sở Y Tế giám sát đợt kiểm tra, Tôi đã nhấn mạnh hơn công tác vệ sinh bệnh viện, phòng bệnh, phòng chuyên môn và khuôn viên Trung tâm y tế, môi trường cảnh quan. Cuối buổi làm việc Tôi xin phép đọc bài viết “ Một ngày ở Trung tâm y tế huyện Đắk Nông” mà tranh thủ giờ nghỉ trưa Tôi đã hoàn thành với chủ đề chính là công tác vệ sinh và tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân của đơn vị, từ cảm hứng của tiếng chổi tre quét dọn vệ sinh lúc rạng đông của các chị hộ lý tại trung tâm y tế huyện Đắk Nông, cán bộ nhân viên cả hai đơn vị kiểm tra và được kiểm tra cùng lắng nghe chăm chú và hoan hô nhiệt liệt. Trở về Buôn Ma Thuột, Tôi đã gửi bài cộng tác cho báo Đắk Lắk, ngay số báo cuối tuần Báo Đắk Lắk đã đăng bài trên trang nhất với hình ảnh nụ cười rạng rỡ của chị hộ lý trung tâm y tế Đắk Nông khi đang làm việc do tôi chụp bằng máy ảnh điện tử. Lãnh đạo hai đơn vị điện thoại khen ngợi và cảm ơn. Các bậc đàn anh trong phòng bắt tay chúc mừng, lãnh đạo Sở Y Tế đánh giá cao. Cảm giác trong Tôi lúc đó lâng lâng, tự hào. Và bạn bè đồng nghiệp trong giới báo chí mới quen biết cũng có lời khen ngợi, động viên…
Một sự may mắn đến với Tôi trong lần mang thông tin ngành y tế đăng trên báo Đắk Lắk nghỉ làm việc ngày thứ bảy theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Hôm đó toà soạn báo Đắk Lắk có tổ chức thi đấu bóng bàn giữa các phòng ban của Báo, ngoài các giải chính thức thì còn giải dành cho cộng tác viên của Báo, Tôi đăng ký tham gia và thắng hai cộng tác viên của ngành Nông nghiệp và Tư pháp. Vào trận đấu thứ ba Tôi phải gác vợt trước đối thủ khá mạnh là Nhà báo Dương Thế Hoàn là người Tôi nghe danh đã lâu, nay mới được gặp mặt, sau cái bắt tay thật chặt với Anh, Anh đã hẹn Tôi gặp lại để nói chuyện làm báo, nghe Anh nói vậy làm cho Tôi mừng khôn kể xiết. Những lần gặp gỡ sau này, người anh, người thầy của làng báo tỉnh Đắk Lắk đã chân thành chỉ bảo hết sức nhiệt tình tới từng chi tiết cho Tôi cách viết báo, từ xác định chủ đề để viết tới việc viết tin, bài, ghi nhanh, phóng sự, gương người tốt việc tốt và bài phản ánh mang tính thời sự… với những nguyên tắc cơ bản: viết về cái gì, ai là nhân vật trọng tâm, cái đó xảy ra ở đâu, sự thể xảy ra thế nào, thời gian xảy ra và kết thúc ra sao? Anh cũng tặng tôi cuối giáo trình: “các thể loại báo chí” của tác giả Nguyễn Đức Dũng, để Tôi tự nghiên cứu, tìm hiểu và suy ngẫm thêm trong lúc cầm bút viết những bài báo của mình.
Từ đó, bút danh của Tôi thường xuyên có trên mặt báo Đắk Lắk, báo Sức Khoẻ và Đời Sống, báo Tiền Phong và cả trên báo Nhân Dân với những loạt bài về Khu điều trị bệnh Phong EaNa: Người Thầy của những bệnh nhân phong, Khu điều trị Phong EaNa hôm nay, Người bệnh nhân phong tàn nhưng không phế. Phóng sự: Bác sỹ về xã. Ghi nhanh: Một đêm ở khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị hóc xương cá. ghi nhận ca cấp cứu của BS Nguyễn Quang Tâm - Nội soi và CN Trần Văn Kiệm - Gây mê hồi sức cùng cộng sự đã kịp thời gắp khúc xương cá lóc rất to trong thực quản bệnh nhân Lý Nho Quý 71 tuổi ở thôn Đắk Gu, Quảng Tín, ĐắkgLấp là người giỏi chữ nôm Dao, thầy cấp sắc cuối cùng của dân tộc Dao tại Đắk Lắk. Bài gương người tốt việc tốt: Người Điều dưỡng hết lòng vì bệnh nhân của khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Đắk Lắk là người cán bộ y tế mẫu mực yêu thương chăm sóc người bệnh truyền nhiễm như người thân của chính mình. BS Nguyễn Hữu Huyên – Người cán bộ y tế say mê nghiên cứu khoa học… Cùng kíp làm phim của đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh thực hiện tác phẩm dự thi đạt huy chương bạc liên hoan Phát thanh truyền hình toàn quốc: Có một bác sỹ như thế.
Năm 2001, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thành lập Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khoẻ trực thuộc Sở Y Tế, Tôi được Lãnh đạo Sở Y Tế tin tưởng giao nhiệm vụ Phụ trách Trung tâm, với số lượng cán bộ ít ỏi ban đầu cùng với sự chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Sở Y Tế, các phòng chức năng và sự ủng hộ nhiệt tình của các đơn vị trực thuộc cùng với nỗ lực của tập thể cán bộ Trung tâm, qua thời gian vất vả gian nan ban đầu, dần dần cơ cấu tổ chức ổn định và nhân sự cán bộ dần được tăng lên cả số lượng và chất lượng chuyên môn nghiệp vụ. Cùng sự phát triển ổn định của đơn vị và sự cố gắng của chính mình, tôi đã đi học tiếp Đại học Báo chí vừa học vừa làm, sau khi tốt nghiệp khoá học bản thân Tôi thấy đã tự tin hơn khi cầm bút viết bài báo mà mình manh nha, suy ngẫm đề tài hay từ cảm hứng ngẫu nhiên. Tôi cũng đủ trưởng thành để giúp các bạn trẻ mới vào nghề hay vừa nhận công tác tại cơ quan viết những bài báo đầu tiên. Ngoài công tác biên tập tập san Sức khoẻ Đắk Lắk, trang điện tử Web Ngành y tế, các chuyên mục Sức khoẻ cho mọi người trên sóng phát thanh truyền hình, Tôi cũng mạnh dạn cùng các đơn vị trong ngành mở một số lớp tập huấn ngắn ngày kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh cho lực lượng cộng tác viên trong ngành để tăng số lượng tin bài của Tạp chí Sức Khoẻ Đắk Lắk.
Thời gian trôi qua, quả tình, giờ đây nhìn lại, đọc lại và nghĩ lại về những bài báo đầu tiên, Tôi nhìn nhận những bài báo hồi đó của mình thấy còn có những vụng về văn phong, câu chữ chưa chau chuốt, đôi khi còn có những sơ suất thật ấu trĩ! Nhưng dù sao, đó cũng là những bước đi đầu tiên của người bác sỹ làm báo ngành y tế, điều đáng nói đó là Tôi đã thật sự tạo được niềm đam mê viết báo từ điểm xuất phát là con số không tròn chĩnh với nghề báo. Sau này có đồng nghiệp là bác sỹ hỏi Tôi: Này, bạn là bác sỹ lại còn chuyên khoa Răng Hàm Mặt nữa, bạn có thấy tiếc không khi bỏ chuyên môn chuyển sang làm báo chí truyền thông? Tôi đã không do dự trả lời: Mình vẫn làm bác sỹ đấy chứ, và giờ có thêm nghề làm báo nữa đấy mà, sao lại tiếc!
Bút ký của Hoàng Đức
Ảnh: Bảo Châu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác