14/08/2015 12:00
Những biến đổi kỳ dị trên cơ thể do vi khuẩn Hansen gây ra khiến cho những người không may mắc phải bệnh phong chịu nhiều bất hạnh. Họ bị xa lánh, xua đuổi, thậm chí bị ngược đãi. Định kiến của người đời như một bức tường thép chắn ngang họ với cuộc sống bình thường. Thế nhưng tại khu điều trị dành cho bệnh nhân phong, họ đã được sống trong tình người đầy ấm áp và chân thành.
Bác sỹ Trần Sĩ Tố, phụ trách khu điều trị hỏi thăm bệnh nhân thân mật như người trong cùng gia đình.
Anh Huỳnh Thanh Phong đang làm giầy cho bệnh nhân phong
Khu điều trị bệnh nhân phong Ea Na thuộc Trung tâm Da liễu tỉnh Đắk Lắk được đặt tại buôn Tuôr A, xã Đrây sáp, huyện Krông Ana. Nằm lọt sâu trong một con đường nhỏ, bỏ ngoài kia cuộc sống hối hả, nhộn nhịp, cuộc sống nơi đây chậm rãi, âm thầm nhưng tràn ngập một cảm giác bình yên.
Hầu hết những bệnh nhân phong ở đây đều đã lớn tuổi. Người già nhất đã ngoài 90. Người trẻ nhất cũng đã 40. Nếu trước đây, họ luôn tự ti về ngoại hình dị biệt của mình thì nay đã rũ bỏ đi sự mặc cảm và sống chan hòa hơn. Họ coi đây là mái ấm thật sự, nơi họ được sống với những mong muốn đời thường nhất. Và động lực lớn nhất để họ tiếp tục sống và hy vọng chính là tình thương, sự cảm thông của cán bộ y tế cũng như những con người đồng cảnh ngộ.
Gắn bó với khu điều trị phong từ năm 1990, bác sỹ Trần Sĩ Tố, phụ trách khu điều trị, coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Cách nói chuyện, hỏi han của của ông với bệnh nhân tự nhiên, thân mật như người trong cùng gia đình. Bác sỹ Tố cho biết: Phần lớn bệnh nhân phong điều trị nội trú không có người nhà chăm sóc. Vì cơ thể tật nguyền, không có khả năng lao động, họ bị người thân bỏ rơi, phó mặc số phận cho cán bộ y tế, nên các y bác sỹ nơi đây không chỉ là người chữa trị nỗi đau thể xác mà còn củng cố tinh thần, giúp họ cố gắng chữa bệnh.
Cũng xuất phát từ một lí do rất đơn giản, tình thương giữa những con người đồng cảnh ngộ, anh Huỳnh Thanh Phong đã chọn khu điều trị làm nơi phục vụ và cống hiến. Điều trị bệnh phong tại đây từ năm 1997, sau khi hết bệnh, anh Phong đã tham gia lớp học nghề làm giầy cho bệnh nhân phong tại Quy Nhơn, sau đó tình nguyện trở về trại phong Ea Na làm việc.
Hàng ngày, lặng nhìn những đôi chân cụt ngủn đau đớn di chuyển trên sàn gạch, mặt đất, anh không khỏi xót xa. Để có được một đôi giầy vừa vặn với những đôi chân méo mó, vẹo vọ của người bệnh thật không hề đơn giản, đòi hỏi người thợ phải thật kiên trì và tỉ mẩn và hơn hết là tâm huyết dành cho bệnh nhân. Có những đôi giầy anh phải dựa vào khuôn đúc bàn chân bằng thạch cao và phải mất 3 ngày mới hoàn thành. Anh còn sáng tạo ra đai cột muỗng xúc thức ăn dành cho những bệnh nhân bị cụt tay, giúp họ tự ăn uống mà không cần sự hỗ trợ từ người khác. Vất vả là vậy, nhưng hơn 14 năm nay, ngoài công việc kế toán, việc đóng giầy cho bệnh nhân phong luôn mang đến cho anh nhiều niềm vui và sự say mê đặc biệt.
Khu điều trị với 79 bệnh nhân nội trú như một thế giới thu nhỏ. Nơi đó có biết bao câu chuyện cảm động về tình yêu thương, dung dị nhưng đầy ý nghĩa. Mối tình của cụ ông Tloh Niê (sinh năm 1933) và cụ bà H’Chíp Niê (sinh năm 1945) như một mảnh ghép sinh động của thế giới bé nhỏ ấy. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông bà vẫn dành cho nhau một tình cảm đặc biệt. Cách đây hơn 6 năm, trong những ngày đầu ông vất vả tại khu điều trị, bị cụt chân mà không có người nhà bên cạnh, bà đã tình nguyện chăm sóc cho ông. Từ việc ăn uống đến dọn vệ sinh, bà đều đỡ đần ông không quản ngại. Dần dà bén duyên, hai con người tuổi xế chiều ấy đã quyết định về sống chung một mái nhà trong sự ủng hộ và chúc phúc của tất cả mọi người trong khu điều trị. Hằng ngày họ vẫn đi ngủ và thức dậy cùng nhau, cùng hàn huyên, tâm sự, kể cho nhau nghe về những kỉ niệm đẹp. Tình cảm của họ không đơn thuần chỉ là tình yêu mà thiêng liêng hơn là tình thương, sự đồng cảm và mong muốn được san sẻ với nhau.
Quanh khu điều trị là những căn nhà nhỏ được tổ chức phi chính phủ FRF (Fodation Raoul Follereau) xây cho những bệnh nhân phong và con cháu của họ. Cũng từ tình thương ban đầu của những con người cùng hòan cảnh mà tình yêu nảy nở trong họ. Rồi thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, cuộc sống của họ đang ngày càng đổi sắc. Người lớn chăm chỉ làm việc, trẻ em được đến trường, họ đang dần xóa nhòa đi những mặc cảm đã từng cô lập họ với thế giới xung quanh.
Dưới cái nắng gay gắt của thời khắc chuyển mùa cao nguyên, cuộc sống vẫn như một guồng quay hối hả thôi thúc con người chạy đua với thời gian. Còn tại nơi đây, trong khuôn viên gần 4 ha, những bệnh nhân phong, với những mong muốn giản dị, lặng lẽ tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống, thiết tha trao đi và đón nhận từng tình cảm dù là bé nhỏ nhất làm niềm an ủi, động lực sống cho mình.
Bài, ảnh: Thu Huế – Bảo Châu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác