17/07/2016 12:00
Đảng ta đã khẳng định chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách xã hội quan trọng, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” đạo nghĩa của dân tộc ta. Chính sách BHYT ngày càng gần hơn với người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo, người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính.
Tham gia BHYT người bệnh sẽ có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và
giảm thiểu chi phí trong điều trị bệnh tật.
Sinh, lão, bệnh, tử là một quy luật tất yếu, không một ai thoát khỏi quy luật này. Ai cũng có một thời khỏe mạnh, nhưng rồi ai cũng phải già và chết và thường chết do bệnh tật. Bệnh tật là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến rủi ro trong cuộc sống. Bệnh tật có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mang lại những hậu quả không dự đoán được về nhiều mặt (cả về sức khỏe cũng như về mặt kinh tế, xã hội). Xét trên phương diện của từng cá nhân hay từng hộ gia đình, thì chi phí cho chăm sóc sức khỏe nói chung và khám chữa bệnh (KCB) nói riêng sẽ là một khoản chi phí rất lớn so với thu nhập tính trên đầu người. Vì vậy, ngoài việc làm mất sức lao động, bệnh tật còn làm cho nghèo đói do chi phí cao cho KCB, mà mỗi một cá nhân hay mỗi hộ gia đình khó vượt qua nổi, nhiều hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo muốn KCB phải đi vay nợ và sau đó chỉ có nghèo hơn.
Có lẽ chỉ khi gặp trực tiếp những người bệnh, những gia đình có người thân đau ốm thì chúng ta mới hiểu hết giá trị thẻ BHYT. Ai đó đã từng nói, bảo hiểm tai nạn 24/24 giờ đây như “phao cứu sinh” quả không quá lời. Qua trò chuyện với bà Nguyễn Thị Nhị (sinh năm 1962, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) trong một lần khám bệnh bà phát hiện mình bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2, hằng năm bà phải đến Bệnh viện ung bướu TP. Hồ Chí Minh để điều trị với số tiền điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng nhờ có thẻ BHYT nên chi phí điều trị đã giảm đi rất nhiều. Bà chia sẻ: “Nếu không có BHYT thì lấy tiền đâu ra để chữa bệnh, nhờ đó mà khi bị bệnh tôi được giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình, con cái đỡ phải lo nhiều”.
Có những người lúc khỏe mạnh không bao giờ nghĩ đến việc tham gia BHYT, nhưng khi bị bệnh tật phải điều trị với số tiền lớn thì mới biết giá trị của thẻ BHYT, cho nên nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần, nghèo đói khi chẳng may bị bệnh và nhiều người nuối tiếc “giá như có thẻ BHYT”. Trường hợp anh Y Nin Mlô ( xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) đang điều trị tại khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk do tai nạn giao thông. Chỉ nằm viện hơn 10 ngày, chi phí phẫu thuật tốn gần 15 triệu đồng chưa kể chi phí ăn uống đi lại trong khi điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Khi được hỏi tại sao anh không mua thẻ BHYT, vợ anh thổ lộ: “Nghĩ là anh khỏe mạnh thì cần gì mua thẻ BHYT, đâu ngờ lại rủi ro bất ngờ như thế này. Vay mượn khắp nơi để lo cho chồng giờ không biết lấy gì mà trả. Nếu như tôi mua thẻ BHYT thì đỡ biết bao nhiêu”.
Tại khoa khám nội 1, nội 2 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh hàng ngày tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân. Hầu hết những bệnh nhân đang điều trị mắc các bệnh mạn tính như: tiểu đường, huyết áp cao, tai biến, suy thận, viêm gan, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính…. Các bác sĩ cho biết thời gian điều trị của mỗi bệnh nhân ở đây ít nhất là gần một tháng, thậm chí nhiều người sẽ phải gắn bó trọn đời với việc ra vào bệnh viện để điều trị. Thẻ BHYT đối với những bệnh nhân này sẽ giúp họ sống chung với bệnh tật. Không chỉ với các bệnh nội khoa điều trị dài ngày, các bệnh về ngoại khoa cần can thiệp phẫu thuật thì chi phí chữa bệnh cũng vô cùng tốn kém. Vì vậy, khi tham gia BHYT thì người bệnh sẽ có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế và giảm thiểu chi phí trong điều trị bệnh tật.
Trước đây, khi tham gia bảo hiểm tai nạn con người thì người dân chỉ mua thẻ cho những người có bệnh tật hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao chứ chưa quan tâm mua BHYT cho những người khỏe mạnh trong gia đình. Rất nhiều trường hợp khi người bệnh nhập viện thì người nhà mới đi mua thẻ BHYT, từ đó dẫn đến mất cân đối trong công tác thanh toán chi phí KCB bằng BHYT. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk, năm 2014 toàn tỉnh có 1.293.145 người tham gia BHYT, tổng số tiền thanh toán KCB là 792 tỷ đồng; trong đó đối tượng tham gia BHYT tự nguyện là 114.602 người nhưng chi phí KCB chiếm tới 136,6 tỷ đồng trong khi số tiền đóng BHYT chỉ có 55,6 tỷ đồng, chi phí KCB vượt quỹ của đối tượng này trong năm 2014 là 108 tỷ đồng. Những điểm mới trong luật BHYT sửa đổi, bổ sung sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận rộng rãi và hưởng các ưu đãi khi tham gia KCB tại các cơ sở y tế. Tham gia BHYT theo hộ gia đình là quy định mới của luật BHYT sửa đổi, bổ sung. Việc tham gia BHYT theo hộ gia đình nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho tất cả các thành viên trong gia đình, phù hợp với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn dân mà Đảng và Nhà nước đang hướng tới.
Ốm đau, bệnh tật không loại trừ bất cứ ai và luôn là nỗi sợ hãi của con người. Bên cạnh nỗi lo về bệnh tật thì người bệnh còn lo sợ về mặt tài chính. Có thể nói rằng, thẻ BHYT là cần thiết để những người mắc bệnh hiểm nghèo, những bệnh nhân nghèo có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Thiết nghĩ, để nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia BHYT thì tổ chức BHXH tỉnh và các ban ngành có liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT. Ngành y tế bên cạnh nâng cao chất lượng KCB, cần tăng cường chỉ đạo thực hiện cải cách các thủ tục hành chính trong việc thực hiện chính sách KCB bằng BHYT. Có như vậy thì luật BHYT mới thực sự đi vào đời sống./.
Bài, hình: Võ Quỳnh – Trần Lan
(Trung tâm Truyền thông GDSK)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác