25/08/2015 12:00
Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, theo đó quyền lợi BHYT của người dân cũng được mở rộng, như: người nghèo, người dân tộc thiểu số sẽ không phải đồng chi trả 5% khi khám chữa bệnh; người tham gia BHYT 5 năm liên tục được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. Luật BHYT đảm bảo chính sách an sinh xã hội do Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện với sự tham gia của người dân và định hướng tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân.
Luật BHYT sửa đổi quy định bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình và bổ sung thêm cơ chế khuyến khích nếu có 100% thành viên trong gia đình tham gia BHYT thì sẽ được giảm mức đóng. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ mức đóng BHYT khi tham gia theo hộ gia đình. Người thứ nhất đóng tối đa bằng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ hai, thứ 3, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Nhiều điểm mới trong luật bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.(Ảnh: Bảo Châu)
Luật BHYT sửa đổi cũng huy động thêm lực lượng công an, quân đội phải tham gia BHYT và Chính phủ quy định lộ trình tham gia BHYT phù hợp với đặc thù của lực lượng này.
Với đối tượng là người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cư dân sinh sống tại xã đảo, huyện đảo sẽ được Ngân sách Nhà nước đóng BHYT.
Trẻ em đủ 72 tháng tuổi (6 tuổi) nhưng chưa đến thời gian nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó, Luật đã tạo điều kiện cho trẻ được chăm sóc sức khỏe đến khi thẻ hết hạn.
Luật BHYT sửa đổi cũng tăng quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế với một số đối tượng như: người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội,... nhất là với những người mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính (chạy thận nhân tạo chu kỳ, ung thư, bệnh nội tiết...) do không có khả năng chi trả cũng như tính phức tạp trong việc tổ chức thực hiện. Luật sửa đổi cũng bỏ quy định cùng chi trả 20% với thân nhân người có công là cha mẹ đẻ, hoặc vợ/chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân của người có công khác và người cận nghèo.
Ngoài ra, Luật BHYT sửa đổi cũng quy định mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Cụ thể, từ 1/1/2016 sẽ mở thông tuyến giữa xã, huyện trên cùng địa bàn tỉnh cho người tham gia BHYT. Với người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt, huyện đảo, xã đảo có cơ chế được mở thông tuyến khám chữa bệnh từ xã, huyện, tỉnh lên Trung ương trên phạm vi cả nước. Từ 1/1/2021 mở thông tuyến tỉnh trên toàn quốc và nâng mức hưởng đối với người tham gia BHYT tự đi điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và Trung ương.
Từ 1/1/2015, trường hợp tự đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện sẽ được quỹ BHYT chi trả 70% chi phí khám chữa bệnh và đến năm 2016, sẽ được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh trong cùng địa bàn tỉnh; tại bệnh viện tuyến tỉnh, từ 1/1/2015, quỹ BHYT chi trả 60% chi phí điều trị nội trú và đến 1/1/2021 là 100%; tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc đạt 71,4%, tăng gần 3% so với năm 2013. Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là 75%. Việc thực hiện Luật BHYT sửa đổi hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là với đối tượng hộ gia đình. Do đó, trong thời gian tới các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật BHYT sửa đổi nhằm giúp cho CBCNVC và người dân thấy rõ mục đích, ý nghĩa của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2008, những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi, qua đó tạo sự thống nhất cao ở các cấp, các ngành, tạo sự đồng thuận xã hội về việc triển khai và thực hiện Luật BHYT sửa đổi. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền cũng như người dân trong việc chấp hành và thực hiện những quy định của Luật BHYT sửa đổi, từ đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% dân số cả nước tham gia BHYT.
Bài: Minh Thu - Ảnh: Bảo Châu
Trung tâm TTGDSK
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác