25/08/2015 12:00
Nhà đày Buôn Ma Thuột tọa lạc tại phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột với tổng diện tích gần 2 ha, được bảo vệ bởi bốn bức tường bao quanh và tại bốn góc của Nhà đày luôn có lính canh gác 24/24. Nhà đày được thiết kế theo kiểu vừa tận dụng được mặt bằng vừa kiểm soát được tù nhân hiệu quả nhất. Thật không thể tưởng tượng nơi đây trước kia là khu rừng thiêng nước độc, ít người lui tới, ngôn ngữ khác biệt được bọn thực dân Pháp dùng kể đầy ải những người Việt Nam yêu nước, phần lớn là những tù nhân từ các tỉnh miền Trung bị đày lên đây. Bước vào cổng nhà đày, cảm nhận trong tôi là một không gian tĩnh mịch, trang trọng khác hẳn với sự ồn ào, náo nhiệt của phố thị chỉ cách đó vài bước chân.
Mặc dù chịu rất nhiều sự tra tấn dã man của kẻ thù, những người tù yêu nước vẫn không ngừng đấu tranh.
Đầu tiên chúng tôi được hướng dẫn viên đưa đến tham quan gian nhà chính, nơi trưng bày toàn bộ dấu tích của một thời khốc liệt, gian khổ mà cha ông ta đã phải chịu đựng, hy sinh để đổi lấy hòa bình ngày hôm nay cho chúng ta. Khu Nhà đày gồm sáu dãy nhà lao tập thể, mỗi dãy nhà lao tập thể có thể chứa hơn 100 tù nhân. Bên cạnh đó còn có nhà kho, nhà xưởng và bếp ăn.
Theo lời hướng dẫn viên, thực dân Pháp dùng chính sức lực của những tù nhân để xây dựng nơi giam giữ họ. Không chỉ dừng lại ở đó, chúng còn bóc lột đến cạn kiệt sức lực của những người tù cho mục đích riêng của chúng như xây dựng quốc lộ 14 đi Sài Gòn, cứ bốn tù nhân có một lính canh giữ, nếu tù nhân đi quá chúng năm mét là bị bắn chết. Tù nhân phải làm quần quật một ngày 11 tiếng, không có thời gian nghỉ giải lao, đi vệ sinh thì không quá năm phút. Bệnh tật, chế độ ăn uống kham khổ, lao động khổ sai đã làm cho số lượng tù nhân bỏ mạng tại công trường rất nhiều. Bọn chúng thường dùng những thủ đọan độc ác, dã man để tra tấn tù nhân như tại mỗi dãy lao số lượng tù nhân bao nhiêu sẽ được trang bị một thanh cùm dài bấy nhiêu. Lỗ của những thanh cùm nhỏ đến nỗi cổ chân của những người tù không nhét vừa, và để cho thanh cùm được khít lại bọn chúng dùng búa đập hai thanh cùm vào nhau, lúc đó cổ chân của người tù chỉ là những thớ thịt dập nát, tóe máu. Thâm độc hơn, chúng dùng thủ đoạn, trong một tháng cho tù nhân ăn 15 ngày nhạt, 15 ngày mặn. Ăn nhạt ở đây không phải là cho ăn vừa miệng mà 15 ngày chúng nấu không cho một hạt muối nào, 15 ngày thì chúng lại kho một cân cá với mấy cân muối, cơm thì được nấu bằng thứ gạo bỏ đi, hôi, ẩm mốc mà có lẽ đến gia súc cũng không ăn. Sau 15 ngày ăn nhạt do bị thiếu muối thân thể của những người tù bị phù, sưng to, thế là những cổ chân lại loang lổ máu. Với 15 ngày chúng cho ăn mặn nhưng nước uống thì chỉ được một chút trong cái ống tre, người tù lại bị bệnh thận, đi tiểu ra máu. Với chế độ ăn uống như vậy tù nhân mắc rất nhiều loại bệnh cộng với sự khắc nghiệt của khí hậu nơi đây mà những người tù yêu nước của chúng ta chết rất nhiều. Đau xót hơn nữa, khi chết đi xác của những người tù không được chôn cất mà bọn chúng vứt ra xung quanh Nhà đày làm mồi cho thú dữ. Chính vì vậy, cứ đến sẩm tối tiếng thú dữ gầm rú vang rội cả một vùng xung quanh Nhà đày để chờ đón xác người. Trong vòng hai năm, từ 1930 đến 1931, số lượng tù nhân ở đây chết hơn 1/3, thực dân Pháp cho rằng chỉ trong vòng năm năm số tù nhân ở đây sẽ bị xóa sổ.
Mặc dù chịu rất nhiều sự tra tấn dã man của kẻ thù, những người tù yêu nước vẫn không ngừng đấu tranh. Những chiến sĩ cộng sản bị kẻ thù giam cầm ở đây đã trở thành những người gieo mầm cách mạng trên mảnh đất cao nguyên đất đỏ. Các cuộc đấu tranh của tù binh diễn ra liên tục dưới nhiều hình thức như tuyệt thực, đòi cải thiện chế độ ăn uống, thay quản ngục… Mặc cho bọn thực dân Pháp điên cuồng trừng phạt, tra tấn, đàn áp nhưng người tù nào còn sống thì còn tiếp tục đấu tranh. Các lớp học văn hóa được tổ chức chu đáo, phù hợp với trình độ của từng tù nhân đã thu hút nhiều người tham gia. Sau mỗi khóa học các tù nhân còn tổ chức kiểm tra sát hạch lại. Nhằm biểu dương tinh thần học tập của tù nhân, ngày mùng một Tết năm 1944 đã diễn ra cuộc duyệt binh của các tù nhân. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được tung bay tại nơi đây, dưới âm vang của bài hát “Cùng nhau đi hồng binh” với sự tham gia của hơn 3300 tù nhân.
Những lời thuyết minh của hướng dẫn viên về từng hành động của các nhà cách mạng tôi càng thêm khâm phục và tự hào về ý chí đấu tranh quật cường của thế hệ cha ông. Qua đợt tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột, tôi càng thấy rằng mình cần phải cố gắng học tập, rèn luyện, cống hiến hơn nữa để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, không phụ lòng mong mỏi và hy sinh của các thế hệ cha ông.
Bài: Hồng Vân
Ảnh: Bảo Châu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác