26/08/2015 12:00
Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động năm nay tập trung vào chủ đề “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”. Đảm bảo an toàn lao động chính là đảm bảo sức khỏe và an toàn tính mạng cho chính người lao động. Đây là tiêu chí quan trọng và cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.
Đảm bảo an toàn lao động chính là đảm bảo sức khỏe và an toàn tính mạng cho chính người lao động.
( Ảnh: Bảo Châu)
Môi trường làm việc đảm bảo an toàn là cơ sở sức khỏe của người lao động. Những yếu tố, như: cơ sở vật chất, tinh thần và tổ chức lao động tại nơi làm việc chính là nguyên nhân gây ra các thương tật và bệnh nghề nghiệp. Theo thống kê của Tổ chức lao động thế giới (ILO) thì hiện có khoảng 50% dân số thế giới đang tiếp xúc với các điều kiện nguy hiểm tại nơi làm việc. Ước tính mỗi năm có khoảng 2,2 triệu người tử vong vì tai nạn lao động. Sự phát triển mạnh mẽ của các nhà máy xí nghiệp với nhiều loại hình công nghiệp khác nhau làm cho môi trường lao động cũng đa dạng, các yếu tố độc hại nguy hiểm phát sinh càng nhiều đã tác động đến sức khỏe của người lao động, chẳng hạn, như: tiếng ồn, nhiệt, bức xạ, bụi, các yếu tố hóa học, sinh học…v,v. Bên cạnh đó, người lao động còn phải chịu đựng những căng thẳng tâm lý do điều kiện làm việc nguy hiểm, cách tổ chức nơi làm việc, khối lượng công việc, tăng ca, mức lương, các công việc lặp lại…Yếu tố căng thẳng kết hợp với tổ chức bất hợp lý tại nơi làm việc là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, bệnh cơ xương khớp và nhiều bệnh khác như: bệnh bụi phổi silic, điếc, sạm da…v,v.
Thực tế hiện nay công tác y tế lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp, đo đạc môi trường lao động tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đơn vị, tổ chức liên quan. Nhiều chủ cơ sở sản xuất chưa hợp tác và chưa quan tâm đến việc triển khai công tác vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Đặc biệt, người lao động không được trang bị bảo hộ lao động và khám sức khỏe định kỳ đã làm phát sinh ra những vụ tai nạn lao động đáng tiếc. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2014 toàn quốc xảy ra hơn 6.000 vụ tai nạn lao động, trong đó có 630 trường hợp tử vong và 1.544 trường hợp bị thương nặng do tai nạn lao động.
Tại mục 6 điều 3 chương I- Luật An toàn, vệ sinh lao động đã nêu rõ: An toàn, vệ sinh lao động: là tổng thể các hoạt động đồng bộ trên các mặt pháp luật, tổ chức quản lý, kinh tế xã hội, khoa học - công nghệ nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho con người trong lao động. Do đó, để đảm bảo môi trường lao động an toàn, giảm thiểu tai nạn lao động thì các doanh nghiệp, người lao động và các đơn vị quản lý phải phối hợp chặt chẽ. Đối với các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất cần quan tâm nâng cao hiệu quả công tác tập huấn an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, đầu tư kinh phí để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Bên cạnh đó, người lao động phải nâng cao nhận thú của bản thân trong an toàn lao động, yêu cầu chủ cơ sở sản xuất phải cung cấp bảo hộ lao động đầy đủ, phòng chống cháy nổ, có lối thoát hiểm theo quy định, tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động trong vận hành, sản xuất để tự bảo vệ mình.
Phát triển công nghiệp là điều tất yếu của quốc gia, tuy nhiên bên cạnh đó sức khỏe của người lao động cũng cần phải được coi trọng. Thiết nghĩ, các cấp các ngành hữu quan cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác thanh kiểm tra công tác vệ sinh an toàn lao động và đề xuất các giải pháp thực hiện tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đồng thời, trang bị kiến thức cho các chủ doanh nghiệp và người lao động về an toàn vệ sinh lao động; Thực hiện nghiêm túc Luật An toàn, Vệ sinh lao động nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Bài: Minh Thu - Ảnh: Bảo Châu
Trung tâm TTGDSK Đắk Lắk
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác