29/11/2022 09:13
Những năm gần đây, các vụ án do người bệnh tâm thần gây ra có chiều hướng gia tăng ở cộng đồng. Tình trạng này diễn biến phức tạp hơn với nhiều hành vi nguy hiểm không được kiểm soát của người bệnh tâm thần. Do đó, trong gia đình nếu có người mắc bệnh tâm thần, người nhà cần quan tâm, theo dõi sát sao, chặt chẽ đề phòng người bệnh lên cơn kích động, bởi nếu người bệnh bị kích động sẽ gây nguy hiểm đối với những người xung quanh.
Điển hình là sự việc vào đầu năm 2021, một bé trai 5 tuổi (ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) bị cha dùng dao chém nhiều nhát trên mặt khiến cháu bé bị đứt hộp sọ, rách màng não, đứt xương hàm. Sau khi phát hiện sự việc, cha cháu bé được lực lượng chức năng đưa đi giám định tâm thần và phát hiện mắc bệnh trầm cảm. Về phần cháu bé, mặc dù may mắn được cứu sống, nhưng vết thương lòng và nỗi ám ảnh về người cha sẽ đeo đẳng cháu đến suốt cuộc đời. Hoặc trường hợp nữ nhân viên y tế của Trạm Y tế xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi bị ông N.T.S mắc bệnh tâm thần dùng cây gỗ đánh tử vong khi đang trên đường đi làm về nhà vào hồi tháng 8/2022. Đáng nói, trước đó, ông S cũng từng có hành vi đánh người khác mỗi lần lên cơn nhưng gia đình vẫn không đưa bệnh nhân đi điều trị và để bệnh nhân liên tiếp gây ra những tai nạn đau lòng.
Bệnh nhân tâm thần cần được quan tâm, động viên chia sẻ để họ không cảm thấy bị bỏ rơi
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người (chiếm khoảng 15% dân số) bị bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được chữa trị tại các cơ sở y tế, số còn lại đang sinh sống trong cộng đồng và vẫn có nguy cơ gây án khi mất khả năng kiếm soát hành vi. Tại tỉnh Đắk Lắk, thống kê của Bệnh viện tâm thần tỉnh: tổng số bệnh nhân tâm thần đang được quản lý tại cộng đồng là 7.423 bệnh nhân. Nhưng số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện rất thấp. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện điều trị nội trú cho khoảng hơn 800 bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên, Trưởng Khoa khám, Bệnh viện tâm thần tỉnh cho biết: Liệu pháp điều trị bệnh tâm thần, đặc biệt là những bệnh nhân tâm thần tiến triển mạn tính tại các cơ sở điều trị nội trú chỉ là một giải pháp điều trị nhất thời của thời kỳ bệnh tiến triển cấp tính, chỉ chiếm một thời gian không đáng kể trong quá trình điều trị người bệnh, còn mục đích chính là đưa người bệnh hòa nhập cộng đồng. Muốn vậy, gia đình phải phối hợp nhiều liệu pháp điều trị, phối hợp nhiều tổ chức trong xã hội với gia đình và đặc biệt là sự hợp tác của người bệnh trong suốt quá trình điều trị. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng một số bệnh nhân bị rối loạn tâm thần thường xuyên kích động, quậy phá, đi lang thang gây rối trật tự công cộng hoặc gây thương tích cho những người xung quanh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có thể là do gia đình bỏ rơi, không quan tâm, có gia đình thì không có điều kiện về kinh tế nên không thể đưa bệnh nhân đi khám, điều trị chuyên khoa tâm thần, có trường hợp thì bệnh nhân không dùng thuốc đúng theo phác đồ điều trị dẫn đến lên cơn thường xuyên và cũng có trường hợp chủ quan, không đưa bệnh nhân đi bệnh viện khi có dấu hiệu bất thường dẫn tới việc các hoang tưởng, ảo giác ngày càng nặng, chi phối tư duy của bệnh nhân và làm cho bệnh nhân gây ra các hành vi nguy hiểm cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng xung quanh. Từ đó, dẫn đến những hệ lụy đau lòng và đây cũng chính là nỗi lo của toàn xã hội.
“Các rối loạn tâm thần do rượu, do ma túy có thể điều trị khỏi bệnh nhưng với bệnh tâm thần phân liệt thì phải chữa tích cực, thường xuyên và kết hợp nhiều phương pháp như sử dụng thuốc. Thuốc có tác dụng dập tắt nhanh chóng các cơn kích động dữ dội, cơn phá phách. Do đó, việc dùng thuốc phải tuân theo sự chỉ định một cách nghiêm túc. Nếu người bệnh chỉ cần dùng thuốc không đều, hoặc bỏ thuốc thì sẽ khiến tình trạng bệnh càng diễn biến xấu. Song song với việc dùng thuốc, người bệnh tâm thần cần tiếp tục điều trị củng cố và kết hợp các liệu pháp khác như can thiệp về tâm lý, gần gũi, chia sẻ, động viên người bệnh. Trong gia đình, khi có một thành viên mắc bệnh tâm thần cần phải phải bình tĩnh, biết chấp nhận người bệnh để họ không cảm thấy bị bỏ rơi, cô đơn trong chính căn nhà của mình. Người nhà không cố tranh luận với người bệnh, hay kỳ thị, phân biệt, mà phải dành cho họ sự quan tâm về tình cảm, sự yêu thương, chăm sóc, giúp họ có cảm giác an toàn. Chính thái độ của gia đình mới là những can thiệp tâm lý sớm nhất và tốt nhất cho người bệnh giúp người bệnh sớm hoà nhập với cuộc sống, cộng đồng”, bác sĩ Duyên cho biết thêm.
Bệnh nhân tâm thần cần tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ
Pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc bắt buộc cách ly người bị bệnh tâm thần với cộng đồng khi người đó chưa thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, kể cả khi họ đã gây án, nếu như mất hoàn toàn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì pháp luật cũng không áp dụng chế tài hình sự đối với người tâm thần. Như vậy, để thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị, giúp đỡ người tâm thần, góp phần phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật do người tâm thần gây ra cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng và toàn xã hội. Cần tham gia hỗ trợ gia đình và người tâm thần trong công tác quản lý, điều trị, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật, đế giảm thiểu xảy ra những vụ án đau lòng. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người nếu phát hiện một trường hợp có biểu hiện thu mình lại, trầm lặng, không thích giao tiếp; hoặc họ hiếu động và nói nhiều bất thường; hay có biểu hiện sợ hãi, dễ kích động đập phá đồ hoặc dùng hung khí tấn công mọi người xung quanh, trước tiên để an toàn thì không nên đến gần. Những vật dụng sắc nhọn, cháy nổ gây thương tích phải đem giấu không cho người bệnh biết, đồng thời thông báo cho mọi người xung quanh để họ tránh xa, đề phòng người bệnh tấn công. Tiếp theo là báo chính quyền địa phương hay bệnh viện nơi gần nhất. Nếu họ có ý định gây thương tích cho bản thân hoặc tấn công, dọa nạt những người xung quanh, cần cố định họ lại và chuyển đến ngay bệnh viện./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh - Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác