19/10/2015 12:00
Tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh cùng với sự gia tăng dân số đã gây áp lực ngày càng nặng nề đối với môi trường sống. Vấn nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến các loại dịch bệnh gia tăng và bùng phát ở nước ta thời gian qua..
Nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm nặng do rác thải, nước thải sinh hoạt xả thẳng ra sông, suối, ao hồ.
Hậu quả sẽ ra sao nếu con người sử dụng phải nguồn nước bị ô nhiễm? Theo WHO, khoảng 80% bệnh tật là có liên quan tới chất lượng nước và tình trạng vệ sinh môi trường. Mỗi năm, trên thế giới, có khoảng 4 tỷ trường hợp bị tiêu chảy, 88% các bệnh về đường tiêu hóa, chiếm 4,1% gánh nặng bệnh tật toàn cầu và khoảng 2,5 triệu người tử vong, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Ở Việt Nam, bệnh tiêu chảy là một trong 10 bệnh có số ca mắc và tử vong cao nhất với khoảng từ 725.000 đến 930.000 ca mắc mỗi năm.
Kênh mương, sông, suối, ao, hồ tràn ngập rác thải thì liệu rằng nguồn nước chúng ta sử dụng có đảm bảo. “Chất lượng sống” của người dân TP.Buôn Ma Thuột sẽ ra sao nếu nguồn nước bị ô nhiễm. Con suối nhỏ chảy dọc theo phường Tự An ngày càng ô nhiễm, từng bịch rác trôi bồng bềnh, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý theo cống đổ xuống suối gây ô nhiễm. Điều đó đang xảy ra hằng ngày, không nhanh đến mức hoang mang, nhưng những gì chúng ta nhìn thấy và cảm nhận được từng ngày cũng đủ để lo ngại. Đắk Lắk là tỉnh có hệ thống sông suối khá phong phú với nguồn tài nguyên nước dồi dào. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên đó đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm và ngày càng bị ô nhiễm, khó kiểm soát. Các dòng nước mặt (sông, suối, kênh rạch…) phần lớn bị ô nhiễm bởi rác thải, nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư xả ra chưa qua xử lý, gây cản trở lưu thông của dòng chảy, tắc nghẽn cống rãnh tạo nước tù gây mùi hôi thối. Ô nhiễm về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao, nhất là việc lạm dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe của người dân.
Hậu quả chung của tình trạng sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm là gánh nặng bệnh tật (bao gồm chi phí điều trị, nghỉ làm, chăm sóc…). Tỉ lệ người mắc các bệnh cấp và mạn tính như: bệnh tiêu chảy cấp, dịch tả, thương hàn, đau mắt đỏ, các bệnh về đường tiêu hóa, viêm gan A, viêm não, ung thư... ngày càng gia tăng. Theo đánh giá của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người chết vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; hằng năm có khoảng 200.000 trường hợp mắc ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Tác hại của ô nhiễm nguồn nước mặt đối với sức khỏe con người, chủ yếu do môi trường nước bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh, ô nhiễm các hợp chất hữu cơ, các hóa chất độc hại và ô nhiễm kim loại nặng. Ảnh hưởng của ô nhiễm nước mặt đối với sức khỏe cộng đồng chủ yếu thông qua hai con đường, do ăn uống phải nước bị ô nhiễm hay các loại rau quả, thủy hải sản được nuôi trồng trong nước bị ô nhiễm và tiếp xúc với môi trường nước bị ô nhiễm trong quá trình sinh hoạt và lao động do con người gây ra. Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước còn gây thiệt hại về mùa màng, nuôi trồng thủy sản và tăng chi phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, thiệt hại về du lịch…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước như: sự gia tăng dân số, mặt trái của quá trình đô thị hóa, cơ sở hạ tầng yếu kém, lạc hậu, nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường còn chưa cao… Đáng chú ý là sự bất cập trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường. Nhận thức của nhiều cơ quan quản lý, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ môi trường nước chưa sâu sắc và đầy đủ, chưa thấy rõ ô nhiễm môi trường nước là loại ô nhiễm gây nguy hiểm trực tiếp, hàng ngày và khó khắc phục đối với đời sống con người cũng như sự phát triển bền vững.
Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nguồn nước, thiết nghĩ các ban ngành liên quan từ cấp tỉnh đến các địa phương cần kiểm soát chất lượng nguồn nước. Cần áp dụng các biện pháp hạn nhằm hạn chế xả chất thải ra nguồn nước mặt và đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cho các cụm dân cư. Xử lý nghiêm minh các hành vi gây ô nhiễm môi trường để giáo dục, răn đe các đối tượng vi phạm. Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cá nhân, hộ gia đình bằng việc sử dụng tiết kiệm nước trong sinh hoạt hằng ngày, hạn chế sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm để ăn uống, sinh hoạt, nhất là hạn chế sử dụng nguồn nước mặt bị ô nhiễm cho hoạt động chăn nuôi và trồng trọt... Vì tương lai một đô thị xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của chính chúng ta./.
Bài, ảnh: Võ Quỳnh
Trung tâm Truyền thông - GDSK
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác