23/11/2015 12:00
Chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh là một trong những chương trình mục tiêu y tế quốc gia được Trung tâm y tế huyện Buôn Đôn luôn quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, ở những nơi vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ người dân tộc thiểu số đông, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế còn khó khăn là những rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến công tác này. Đơn cử như xã Krông Na huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
Kinh tế khó khăn và thiếu kiến thức về làm mẹ an toàn là thực trạng chung tại xã Krông Na,
huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk
Chúng tôi đến thăm vợ chồng chị H’Dâng Êban, một hộ nghèo ở buôn EaRông B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Vợ chồng chị có con trai đầu lòng được 13 tháng tuổi nhưng cân nặng của bé chưa được 7 kg. Kể về quá trình mang thai, chị H’Dâng cho biết: “Do không được chăm sóc thai tốt lại thường xuyên phải làm việc nặng nhọc để mưu sinh, sức khỏe của tôi bị suy giảm, vì thế đứa bé sinh ra cũng nặng chỉ 1,8 kg. Sau sinh, bé không chịu bú mẹ, lại ăn uống kham khổ nên bé gầy yếu, đau ốm triền miên”.
Cùng buôn với chị H’Dâng ÊBan, chị H’Choăn Niê cũng là hộ có hoàn cảnh khá khó khăn. Nhà cửa tạm bợ, hai vợ chồng đều đi làm thuê kiếm sống, song theo quan niệm “đông con hơn lắm của” nên dù chưa tới 22 tuổi, chị H’Choăn Niê đã có 3 người con. Đáng buồn là cả 3 đều còi cọc, suy dinh dưỡng và chậm phát triển so với chiều cao và cân nặng trung bình. Chia sẻ về điều này, chị H’Choăn cho biết: “Trong gian mang thai, tôi vẫn phải làm những công việc nặng nhọc, như: đi rừng, vác củi, làm rẫy…ăn uống thì thiếu thốn, không điều độ lại hay dùng thức uống có chất kích thích là cà phê nên khi sinh, đứa nào cũng chưa tới 2kg. Các bác sỹ cho biết các con tôi bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai.”
Trường hợp của chị H’Dâng Êban và chị H’Choăn Niê đã cho thấy một thực tế đáng lo ngại ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ mang thai ngoài việc thiếu kiến thức về làm mẹ an toàn, họ vẫn phải lao động nặng nhọc cho đến lúc sinh. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu tới thai nhi mà sức khỏe của bà mẹ mang thai cũng bị suy kiệt. Và hai trường hợp vừa nêu trên không phải là duy nhất. Chị Hồ Thị Hồng- Phụ trách công tác Chăm sóc sức khỏe sinh sản Trạm y tế xã Krông Na cho biết: “Là xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số đông, chiếm 75% dân số, chủ yếu là người dân tộc Êđê, nên tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu. Mặc dù được cán bộ y tế thường xuyên đến nhà tuyên truyền cách chăm sóc sức khỏe khi mang thai về chế độ dinh dưỡng cũng như chế độ lao động, song do ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, kinh tế lại khó khăn nên hầu như chị em vẫn phải lao động nặng nhọc, thậm chí có người còn chuyển dạ trong khi đang làm rẫy”.
Bên cạnh việc phụ nữ mang thai thiếu kiến thức về làm mẹ an toàn thì tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em tại xã Krông Na cũng là một thực trạng đáng lo ngại. Theo các chuyên gia y tế, phụ nữ mang thai cần được bổ sung và ăn uống đủ chất dinh dưỡng thì đứa trẻ sinh ra mới phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ, song, với người dân ở xã này, việc chăm lo bữa ăn hàng ngày đã khó thì vấn đề bổ sung ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng còn khó hơn. Vì thế, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng ở xã Krông Na vẫn đang ở mức cao. 9 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ này vẫn còn 14,64%. Chỉ giảm được 1,1% so với cùng kỳ 2014”.
Thực trạng đã rõ ràng, nguyên nhân cũng được chỉ ra, tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này là hết sức khó khăn và lâu dài. Kinh tế nghèo nàn có thể dần được cải thiện bằng sự nỗ lực, chăm chỉ nhưng suy nghĩ, nhận thức và đặc biệt là phong tục tập quán thì không thể thay đổi một sớm một chiều. Vì vậy, công tác truyền thông vận động, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cộng đồng vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân ở xã này. Bác sỹ Y Đơn Niê- Trạm trưởng Trạm Y tế xã Krông Na huyện Buôn Đôn khẳng định.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, vai trò của đội ngũ cộng tác viên y tế là vô cùng quan trọng. Thế nhưng, mức được hưởng phụ cấp hàng tháng cũng như các chế độ, chính sách hiện nay chưa tương xứng với khối lượng công việc mà họ thực hiện, vì vậy một số người vẫn chưa thực sự tâm huyết với nghề. Theo chị Hồ Thị Hồng- Phụ trách công tác Chăm sóc sức khỏe sinh sản Trạm y tế xã Krông Na thì: “Để có một mạng lưới cộng tác viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi cần có chế độ, chính sách phù hợp với thực tiễn cuộc sống để họ có trách nhiệm hơn trong công việc. Bên cạnh đó, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự chung tay của các cấp, các ngành là điều kiện để người dân nói chung và phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh nói riêng được chăm sóc sức khỏe toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng dân số tại địa phương”./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh- Đình Thi
(Trung tâm TT-GDSK)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác