08/01/2025 05:10
Những ngày gần đây, hệ thống giám sát dựa vào sự kiện ghi nhận thông tin từ các kênh truyền thông báo chí và mạng xã hội về các trường hợp mắc bệnh do vi rút gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) tại Trung Quốc, trong đó, một số trang thông tin điện tử nước ngoài nhận định dịch bệnh lây lan nhanh với triệu chứng tương tự như cúm, COVID-19, đồng thời lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19. Bên cạnh đó, nhiều hình ảnh về tình trạng quá tải tại các bệnh viện ở Trung Quốc do các trường hợp nhiễm vi rút HMPV và thông tin về việc công bố tình trạng khẩn cấp hay việc quá tải các lò hoả tảng cũng được chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Để tránh gây hoang mang dư luận, đồng thời giúp người dân không chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh, Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế đã có thông tin phản hồi về vấn đề này.
Theo Cục Y tế Dự phòng, kết quả giám sát trọng điểm các bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp trong tuần 52 năm 2024 (từ 23/12 -29/12/2024) của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc, ghi nhận các tác nhân chủ yếu là vi rút cúm, vi rút gây viêm phổi trên người (hMPV), rhiovirus và mycoplasma pneumoniae. Số trường hợp mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có triệu chứng giống cúm trong tuần 52 năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, tại Trung Quốc đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có xu hướng gia tăng trong thời gian này, trong đó các tác nhân chính thường gặp là vi rút cúm mùa, vi rút hợp bào hô hấp (RSV) và vi rút gây viêm phổi trên người (hMPV). Ngày 04/01/2025, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức thông tin các nhiễm trùng đường hô hấp đang lây lan ở quốc gia này là các bệnh thông thường, thường đạt đỉnh vào thời điểm này trong năm và khẳng định không phải sự kiện y tế bất thường.
|
Ảnh minh họa.
|
Với các dịch bệnh xảy ra tại các quốc gia khác, Cục Y tế dự phòng đã thực hiện giám sát hàng ngày qua hệ thống giám sát dựa vào sự kiện; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ cũng các quốc gia khác để chia sẻ, cập nhật thông tin thông qua việc thực hiện Điều lệ Y tế Quốc tế. Cục Y tế dự phòng sẽ cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ, chính xác để các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời và để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh hiệu quả.
Theo bác sĩ Trần Kim Long – Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh Truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, vi rút gây viêm phổi trên người (HMPV) ở người là tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp qua giọt bắn khi bị ho, hắt hơi, sổ mũi trong quá trình tiếp xúc, nói chuyện. Vi rút này tồn tại trong không khí, trên bề mặt đồ vật và có thể xâm nhập vào cơ thể khi tiếp xúc. Các biểu hiện thường gặp giống với cảm lạnh thông thường như sốt, ho, nghẹt mũi hoặc có thể gây ra các biến chứng viêm phổi, viêm phế quản. Bệnh do vi rút HMPV thường gia tăng trong giai đoạn mùa đông xuân với điều kiện khí hậu khô lạnh, thời tiết gió mùa và các trường hợp dễ bị mắc bệnh thường là trẻ dưới 5 tuổi, người già, người có bệnh lý nền với hệ thống miễn dịch kém. “Hiện nay cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang bước vào mùa đông xuân, là điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm lây lan và bùng phát trên diện rộng. Do đó, để chủ động phòng bệnh do do vi rút HMPV cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác, CDC Đắk Lắk đã tham mưu Sở Y tế về kế hoạch phòng, chống dịch năm 2025, kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết và mùa lễ hội năm 2025 và tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đồng trời dự báo tình hình dịch bệnh để đáp ứng chống dịch kịp thời”, bác sĩ Kim Long cho biết thêm.
Để tránh hoang mang và tiếp nhận các thông tin đúng, chính xác, bác sĩ Kim Long cũng khuyến cáo người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin chính thống từ Bộ Y tế, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng cũng không chủ quan, lơ là mà cần chủ động các biện pháp phòng bệnh cơ bản theo hướng dẫn cũng Bộ Y tế như ăn chín, uống sôi; tập luyện, vận động nâng cao thể trạng, sức khỏe; thường xuyên rửa tay với xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người; giữ ấm cơ thể khi ra bên ngoài; đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch và khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay các cơ sở y tế để thăm, khám kịp thời.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác