14/01/2025 03:49
Được thành lập từ năm 2014, 11 năm qua, phòng khám Quân - Dân y kết hợp tại xã Ia Rvê đã phát huy tốt vai trò chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên giới xa xôi nơi đây, giúp người dân yên tâm sinh sống và bám trụ nơi biên giới của Tổ quốc.
Tỉnh Đắk Lắk có hơn 71 km đường biên giới giáp với Campuchia. Địa bàn biên giới gồm 4 xã thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Với mục tiêu đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng biên giới, những năm qua, Ngành y tế Đắk Lắk đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk lần lượt xây dựng các Phòng khám Quân - Dân y trên địa bàn các xã biên giới với nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cũng như đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân vùng biên giới.
Nằm tại xã Ia Rvê (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), cách trung tâm huyện hơn 50km, cách trung tâm thành phố hơn 120km, phòng khám Quân - Dân y kết hợp tại xã Ia Rvê đã trở thành địa chỉ thân thuộc, tin cậy không thể thiếu đối với người dân nơi đây. Là xã vùng biên giới, đời sống, đường xá, phương tiện đi lại còn khó khăn. Do đó, việc tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân cũng phần nào bị hạn chế. Hiểu rõ những khó khăn của nhân dân, năm 2024 Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với ngành Y tế và chính quyền địa phương đã xây dựng Phòng khám Quân - Dân y tại thôn 5, xã Ia Rvê nhằm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương. Gắn bó với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân tại Phòng khám quân dân y xã Ia Rvê, Thiếu tá Phạm Văn Mạnh - bác sĩ phụ trách Phòng khám Quân - dân y xã Ia Rvê, cho biết: Xã Ia Rvê địa bàn rộng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên khi Phòng khám Quân - Dân y được xây dựng, bà con ai cũng phấn khởi. Cùng bám địa bàn với bà con, tôi hiểu những khó khăn, vất vả mà người dân nơi đây trải qua. Không chỉ khó khăn về điều kiện kinh tế mà khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, đến nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng bị nhiễm vôi. Do đó, đa số người dân nơi đây thường hay mắc các bệnh về hô hấp, thần kinh tọa, xương khớp, thận, huyết áp… Trung bình mỗi tháng, Phòng khám Quân - Dân y khám cho 90-110 lượt bệnh nhân. Đặc biệt, đối với những gia đình chính sách, người già đi lại khó khăn, cán bộ phòng khám thường xuyên đến tận nhà để thăm khám, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ tối đa cho nhân dân.
|
Bác sĩ Phạm Văn Mạnh - Phụ trách Phòng khám Quân - dân Y xã Ia Rvê châm cứu trị bệnh cho người dân. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Mắc bệnh đau lưng, đau dạ dày đã nhiều năm, tuổi cao sức yếu lại không có xe để ra trung tâm y tế huyện điều trị nên đối với bà Hoàng Thị Đay (trú tại thôn 4, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) Phòng khám Quân - Dân y là địa chỉ khám, chữa bệnh không thể thiếu, hầu như tháng nào bà cùng tới phòng khám để được châm cứu, lấy thuốc uống điều trị bệnh. Bà Đay chia sẻ: Nhờ được châm cứu kết hợp với chiếu đèn và các bài thuốc do bác sĩ kê mà thời gian gần đây, bệnh đau lưng của tôi giảm rõ rệt, sức khỏe được cải thiện nhiều. Người dân chúng tôi ở đây còn nghèo, may nhờ có bác sĩ Mạnh chăm sóc sức khỏe cho chúng tôi nên bà con ai cũng phấn khởi, an tâm sản xuất.
|
Không chỉ khám bệnh ở Phòng khám, bác sĩ Mạnh còn tới từng hộ dân để khám và tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cho người dân. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Ông Ma Bá Chuyến (trú tại thôn 5, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), chia sẻ: Từ khi Phòng khám Quân - Dân y được xây dựng, bà con rất vui mừng vì có một nơi để bà con đến chăm lo sức khỏe mỗi khi đau ốm, bệnh tật. Đặc biệt, bác sĩ ở Phòng khám Quân - Dân y không những tận tâm, nhiệt tình mà còn tới tận nhà người dân thăm khám hằng ngày, nhắc nhở người dân uống thuốc, tái khám và hướng dẫn từng hộ thực hiện dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh để phòng các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng… Nhờ vậy mà thời gian qua, ở thôn rất ít khi có dịch bệnh xảy ra, sức khỏe người dân cũng được đảm bảo và nâng cao hơn.
|
Để giúp người dân có các bài thuốc nam, thời gian rảnh bác sĩ Mạnh còn chăm sóc vườn thuốc nam. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Ia Rvê là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Súp, người dân trong xã chủ yếu là những người đi kinh tế mới đến lập nghiệp. Do điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, giao thông vất vả nên việc cứu chữa người bệnh không được kịp thời. Nhiều người vì khó khăn, không có phương tiện đi lại để chữa trị bệnh dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc. Vì thế, đối với người dân nơi đây, Phòng khám Quân - Dân y ra đời đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho bà con, lực lượng quân y ở các đồn biên phòng trên tuyến biên giới còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; vận động các hộ gia đình chấp hành tốt pháp luật, tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Có thể thấy, mô hình Quân dân y kết hợp của Bộ đội biên phòng Đắk Lắk đã phát huy tốt phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, làm cho hình ảnh “người thầy thuốc quân hàm xanh” ngày càng được tỏa sáng, góp phần thắt chặt tình cảm quân dân nơi vùng biên cương Tổ quốc. Đại tá Đào Viết Hùng – Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: Thời gian qua, không những theo đánh giá của Đảng ủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh, cấp ủy chính quyền địa phương mà trực tiếp là những người dân được bộ đội biên phòng thăm khám, chăm sóc sức khỏe đều đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động của Phòng khám Quân - Dân y xã Ia Rvê. Với mong muốn Phòng khám Quân - Dân y Ia Rvê tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn, thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp cùng Ngành Y tế sẽ tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, thuốc men cũng như nhân lực để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên Ia Rvê.
Không chỉ riêng xã Ia Rvê mà các xã trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk đều là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Do đó, với mong muốn giúp nâng cao sức khỏe cho người dân tại các vùng biên giới, tháng 7/2024, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức hội nghị ký kết quy chế phối hợp công tác kết hợp quân dân y gồm 5 chương, 17 điều. Theo đó, Sở Y tế sẽ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh ở khu vực biên giới; phối hợp trong khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế; phối hợp điều tra, giám sát, can thiệp trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng cho nhân dân; kết hợp tổ chức thu dung, khám bệnh, điều trị cho nhân dân và lực lượng vũ trang tại các trạm, phòng khám kết hợp quân dân y và trạm y tế các xã biên giới. Song song đó, Sở Y tế cũng sẽ phối hợp phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và tổ chức huấn luyện, đào tạo, tập huấn chuyên môn và diễn tập các phương án phòng, chống dịch bệnh sát với tình hình thực tế tại địa phương. Bác sĩ CKII Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: Nhờ nỗ lực trong công tác khám, chữa bệnh mà thời gian qua, Phòng khám Quân - Dân y đã trở thành “điểm tựa” về sức khỏe cho nhân dân khi thường xuyên tổ chức thăm khám, cấp thuốc miễn phí và tư vấn sức khỏe cho người dân. Vai trò của Phòng khám Quân - Dân y Ia Rvê nói riêng và các Phòng khám Quân - Dân y nói chung trên tuyến biên giới đã được chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá, ghi nhận. Hoạt động của các Phòng khám Quân - Dân y đã góp phần chăm sóc tốt sức khỏe, từ đó giúp người dân ổn định đời sống và đồng hành với Bộ đội Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác