14/12/2023 02:20
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 7 trường hợp mắc bệnh Viêm não Nhật Bản (Thị xã Buôn Hồ: 01, huyện Krông Pắc: 03, huyện M’Đrắk: 02, huyện Krông Bông: 01), tăng 100% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, số bệnh nhân mắc bệnh Viêm não Nhật Bản có dấu hiệu gia tăng nhanh trong những tháng gần đây và hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Do đó, người dân không nên chủ quan mà cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh, nhất là tuân thủ lịch tiêm vắc xin để phòng bệnh cho trẻ.
Viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Khi trẻ có biểu hiện mắc Viêm não Nhật Bản, lượng vi rút chủ yếu tập trung ở não và gây tổn thương các tế bào thần kinh. Do vậy, việc điều trị Viêm não Nhật Bản rất khó khăn, với tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao như rối loạn thần kinh thực vật, di chứng co giật phải điều trị suốt đời… Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
|
Tiêm đủ các mũi vắc xin Viêm não Nhật bản giúp trẻ có đủ kháng thể để phòng bệnh.(ảnh: Quang Nhật)
|
Bác sĩ Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng rất may mắn vì đã có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều phụ huynh chủ quan không thực hiện các biện pháp phòng bệnh cũng như không đưa trẻ đi tiêm vắc xin hoặc tiêm không đủ số mũi. Các bà mẹ có con lớn tuổi mắc Viêm não Nhật Bản hầu hết đều cho rằng con đã được tiêm phòng 3 mũi đầy đủ đến 2 tuổi. Nhưng đây là quan niệm sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh. Vắc xin phòng bệnh Viêm não Nhật Bản hiện nay đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng; Mũi 2 cách 1-2 tuần sau mũi 1 và mũi 3 được tiêm vào 1 năm sau mũi 2. Sau đó nhắc lại 3 – 5 năm một lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi. Có như vậy, trẻ mới có đủ kháng thể để phòng bệnh.
Cũng theo bác sĩ Lê Phúc, viêm não Nhật Bản lây truyền qua đường máu do vi rút viêm não Nhật Bản gây nên. Vi rút viêm não Nhật Bản có trong các loài gia súc như lợn, ngựa và chim, đây là những vật chủ trung gian. Khi muỗi đốt vật chủ trung gian và sau đó đốt người sẽ truyền vi rút Viêm não Nhật Bản sang người. Muỗi truyền Viêm não Nhật Bản là muỗi Culex có thói quen hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Quá trình điều tra véc tơ truyền bệnh viêm não Nhật Bản tại khu vực sinh sống của các trường hợp mắc bệnh trong thời gian qua, lực lượng chức năng đều ghi nhận có sự hiện diện của muỗi Culex là véc tơ truyền bệnh Viêm não Nhật bản B. Do đó, bên cạnh việc tiêm phòng vắc xin đúng lịch, đầy đủ các mũi, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; ngủ mùng, diệt muỗi, lăng quăng. Khi phát hiện trẻ sốt và kèm theo rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương như co giật, rối loạn vận động, lơ mơ,… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm thiểu nguy cơ tử vong và tránh để lại di chứng về sau.
|
Qua điều tra véc-tơ các trường hợp mắc bệnh Viêm não Nhật bãn cho thấy môi trường sống có các điều kiện thuận lợi cho muỗi Culex trú ngụ và phát triển.(ảnh: Quang Nhật)
|
Trước việc liên tục gia tăng các trường hợp mắc bệnh Viêm não Nhật Bản trên địa bàn, ngày 12/12, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn số 4033/SYT-NVYD về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Viêm não Nhật Bản. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh. Cụ thể, yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ đạo về mặt chuyên môn và hỗ trợ đơn vị xử lý ổ dịch, không để dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh Viêm não Nhật Bản nói riêng lây lan rộng ra cộng cồng. Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh viêm não vi rút và viêm não Nhật Bản. Thực hiện giám sát công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phòng, chống bệnh viêm não vi rút và các bệnh viêm não khác kịp thời, hiệu quả. Rà soát tình hình tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản để xác định các khu vực nguy cơ cao. Tiếp tục tham mưu đề xuất Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế tuyến huyện các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm não Nhật bản.
Đồng thời, Sở cũng yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch trong tiêm chủng mở rộng để xử lý ổ dịch không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản nói riêng và các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nói chung để đạt chỉ tiêu đề ra và nâng cao miễn dịch phòng bệnh chủ động trong cộng đồng. Điều tra, giám sát chặt chẽ ca bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng; Rà soát các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Viêm não Nhật Bản, tổ chức tiêm vét để nâng cao tỷ lệ bao phủ của vắc xin Viêm não Nhật Bản.
Đối với Trung tâm Y tế huyện, thị xã nơi ghi nhận xét nghiệm có ca dương tính với bệnh Viêm não Nhật Bản cần tăng cường chỉ đạo công tác quản lý đối tượng tiêm chủng đầy đủ trên địa bàn nói chung và đối tượng tiêm Viêm não Nhật Bản nói riêng.Tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện, đặc biệt tại các xã có các trường hợp ca mắc. Chỉ đạo, giám sát và đôn đốc việc triển khai tiêm vét, tiêm bù vắc xin Viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-5 tuổi tại địa bàn có ca bệnh Viêm não Nhật Bản. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông về bệnh Viêm não Nhật Bản: các dấu hiệu của bệnh, tác nhân gây bệnh, đường lây truyền và cách phòng chống bệnh Viêm não Nhật Bản đặc biệt là tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản trong tiêm chủng thường xuyên.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác