08/11/2024 03:00
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau bệnh ung thư và tim mạch. Mặc dù gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khiến bệnh nhân có thể bị tàn tật và đối mặt với những hậu quả khó lường về sức khỏe và tính mạng nhưng ĐTĐ lại diễn tiến âm thầm, đa số bệnh nhân chỉ phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của mình, người dân cần lưu ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh ĐTĐ.
ĐTĐ hiện là căn bệnh phổ biến với số lượng bệnh nhân ngày một gia tăng. Việt Nam thuộc nhóm nước có số người bệnh tăng nhanh nhất, đặc biệt ở người trẻ. Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người bị đái tháo đường, gấp 10 lần so với 10 năm trước đây và dự báo con số này sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Trong 10 năm, tỷ lệ tiền tháo đường cũng tăng từ 7,7% lên 14%. Tại Đắk Lắk, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến tháng 10/2024, có 30.872 bệnh nhân mắc ĐTĐ đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở sơ y tế trên địa bàn tỉnh, trong đó, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, đã phát hiện 2.570 bệnh nhân mắc mới. Thực tế, dù là bệnh mạn tính có số người mắc rất lớn nhưng hầu hết bệnh nhân không biết mình mắc bệnh do bệnh tiến triển hết sức âm thầm. Do không được điều trị kịp thời, đa số bệnh nhân ĐTĐ type 2 đến bệnh viện khi đã có nhiều biến chứng hết sức nặng nề. Bác sĩ Nguyễn Thị Thời – Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết: ĐTĐ type 2 có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến ở các bệnh nhân trên 40 tuổi. Tuy nhiên, do lối sống hiện đại ngày nay, với chế độ ăn uống, sinh hoạt lười vận động khiến xu hướng ĐTĐ type 2 đang ngày càng trẻ hóa. Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các bệnh nhân ĐTĐ thường nhập viện trong tình trạng nặng với các biến chứng gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người mắc bệnh.
|
Phát hiện bệnh ĐTĐ muộn nên bệnh nhân mắc các biến chứng về mắt và thận khiến sức khỏe bệnh nhân giảm sút.
|
Đang chăm sóc cha nhập viện điều trị vì biến chứng của ĐTĐ, anh Lê Văn Trường (trú tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: Cha tôi là L.V.P, 66 tuổi, cách đây 3 năm, cha tôi rất khỏe có thể tự làm hết mọi việc. Tuy nhiên, trong một lần cha tôi ngất xỉu vì đột quỵ, nhập viện khám thì bác sĩ phát hiện cha tôi mắc ĐTĐ. Sau khi hồi phục và xuất viện về nhà, đều đặn hằng ngày cha tôi đều dùng thuốc Insulin theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, từ đó đến nay ông đã phải nhập viện 2 lần trong tình trạng nguy kịch do ĐTĐ, tình trạng sức khỏe của ông ngày càng yếu. Lần nhập viện này, cha tôi còn bị biến chứng qua suy thận. Thật sự tôi thấy căn bệnh này rất nguy hiểm, khi mắc ĐTĐ, người bệnh còn bị rất nhiều bệnh khác như cha tôi mỗi lần nhập viện là lại phát hiện mắc thêm một bệnh mới. Gia đình tôi trước đây có bà nội và anh của cha tôi đều mắc và tử vong vì ĐTĐ nên bản thân tôi cũng rất lo lắng trước nguy cơ mắc bệnh.
|
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc các biến chứng về ĐTĐ đang điều trị tại Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
|
ĐTĐ là bệnh lý mạn tính kéo dài, người bệnh phải chung sống cả đời với bệnh. Trong quá trình điều trị, người bệnh ĐTĐ không được tự ý thay đổi liều lượng thuốc hoặc không được tự ý ngưng thuốc. Việc sử dụng thuốc tùy tiện có thể dẫn đến hậu quả tăng hoặc hạ đường huyết quá mức cho người bệnh hoặc gây tổn thương chức năng gan, thận, thậm chí suy thận do uống thuốc không rõ nguồn gốc ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. Hiểu rõ các vấn đề trên nên khi mẹ mắc ĐTĐ, gia đình chị H’Toen Niê (trú tại phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) phân công nhau tiêm thuốc cho mẹ đúng thời gian và liều lượng, đồng thời chỉ thực hiện các đơn thuốc theo bác sĩ, không tự ý dùng các bài thuốc dân gian chưa rõ nguồn gốc để điều trị. Chị H’Toen Niê chia sẻ: Mẹ năm nay 68 tuổi, cách đây 5 năm, trong một lần bị suy tim nhập viện cấp cứu, kết quả khám cho thấy mẹ tôi mắc ĐTĐ. Bệnh đã gây các biến chứng về thận gây suy thận, mắt mờ và ảnh hưởng cả phổi khiến sức khỏe của bà ngày một yếu. Mặc dù xung quanh có rất nhiều người chỉ cho gia đình tôi các bài thuốc để chữa bệnh ĐTĐ nhưng qua tư vấn của bác sĩ và tìm hiểu, gia đình tôi luôn chỉ tuân thủ điều trị theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, tái khám hằng tháng để đảm bảo các chỉ số đường huyết.
Bệnh ĐTĐ là bệnh rối loạn chuyển hóa khi hormone insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao. ĐTĐ được chia làm 2 type. Đối với ĐTĐ type 1, khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện các triệu chứng lâm sàng rất rầm rộ do thiếu hụt tuyệt đối hóc môn insulin nên người bệnh thường đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và uống nhiều nước do khát nước nhiều. Đối với ĐTĐ type 2, các triệu chứng diễn tiến âm thầm trong thời gian dài, đôi khi bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện mắc bệnh khi đi khám sức khỏe vì một lý do khác và thường bệnh chỉ phát hiện khi xuất hiện các biến chứng của ĐTĐ như có các vết thương lâu lành, các biến chứng về thận, thần kinh… Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thời, bản chất của bệnh ĐTĐ là rối loạn chuyển hóa gluxit nhưng nó kéo theo hàng loạt các rối loạn chuyển hóa khác như chuyển hóa lipit, protit. Từ các rối loạn chuyển hóa đó sẽ gây ra các biến chứng trên toàn bộ cơ thể người mắc bệnh. Các biến chứng của bệnh đái tháo đường gồm: Hạ đường huyết nếu không cấp cứu kịp có thể hôn mê; Tăng áp lực thẩm thấu; Biến chứng tim mạch gây di chứng liệt hoặc tử vong; Biến chứng thận gây suy thận; Biến chứng thần kinh gây tổn thương dây thần kinh; Biến chứng về thị giác làm giảm thị lực hoặc mù lòa; Hoại tử…
Cũng theo bác sĩ Thời, ĐTĐ mặc dù đái tháo đường chưa thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu bệnh nhân biết cách tự chăm sóc sức khỏe cùng với điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao điều độ, khám sức khỏe định kỳ là 3 việc không bao giờ được quên đối với mỗi bệnh nhân ĐTĐ. Trong quá trình điều trị, người bệnh ĐTĐ không được tự ý dùng thuốc hay sử dụng thuốc theo đơn của bệnh nhân khác hoặc dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ, mua thuốc không rõ nguồn gốc để uống thay thế thuốc kiểm soát đường máu. Việc sử dụng thuốc tùy tiện có thể dẫn đến hậu quả tăng hoặc hạ đường huyết quá mức cho người bệnh hoặc gây tổn thương chức năng gan, thận, thậm chí suy thận do uống thuốc không rõ nguồn gốc ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. “Bệnh ĐTĐ hoàn toàn có thể phòng, chống được nếu người dân thực hiện cho mình một lối sống lành mạnh và thực hiện khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở có uy tín; Phòng, chống bệnh đái tháo đường từ sớm sẽ góp phần không xảy ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng khi mắc bệnh”, bác sĩ Thời nhấn mạnh.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác