14/11/2024 09:23
Hút thuốc lá không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân mà còn khiến những người hút thuốc thụ động chịu nhiều hệ lụy. Những năm vừa qua, nhờ sự vào cuộc của các cấp, chính quyền, nhất là từ khi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá ra đời và đi vào thực tiễn, nhiều người dân đã nhận thức được sự nguy hiểm của thuốc lá nên đã tìm mọi cách để cai nghiện thuốc lá. Có thể nói, cai nghiện thuốc lá là một quá trình gian nan, đòi hỏi rất cao sự quyết tâm của người nghiện và sự hỗ trợ của gia đình cũng như cộng đồng.
Hút thuốc lá từ khi mới 16 tuổi, đến nay, anh Đ.V.B (trú tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã hút thuốc hơn 20 năm. Do tính chất công việc lái xe đường dài nên trung bình mỗi ngày anh Đ.V.B hút 2 gói thuốc. Anh Đ.V.B tâm sự: Đã không ít lần tôi hạ quyết tâm bỏ thuốc. Bản thân cũng đã tìm đến sự hỗ trợ của nước súc miệng, kẹo cao su… nhưng rồi do lái xe xuyên đêm, thèm thuốc không chịu nổi tôi hút lại. Để thỏa cơn thèm thuốc, những lần hút lại tôi hút nhiều hơn bình thường. Tôi biết tác hại của thuốc lá rất kinh khủng nhưng thực tế, để bỏ được thuốc lá là điều rất khó khăn với tôi.
Thực tế, không riêng gì anh Đ.V.B mà rất nhiều người nghiện thuốc lá vẫn đang loay hoay tìm cho mình một phương thức để bỏ thuốc. Theo bác sĩ R’Ma Lương – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, thứ duy nhất có thể giúp cai nghiện thuốc lá thành công là sự nỗ lực của bản thân người nghiện. Khi người dân đã quyết tâm bỏ thuốc lá, để việc cai thuốc lá được hiệu quả và dễ dàng hơn, người cai thuốc lá có thể thực hiện một số biện pháp hỗ trợ như tư vấn điều trị nhận thức chuyển đổi hành vi hướng dẫn người cai thuốc lá, thực hiện các kế hoạch để giải quyết những tình huống khó khăn, khó chịu khi cai thuốc; sử dụng thuốc hỗ trợ cai thuốc lá... Bên cạnh đó, người cai thuốc lá có thể thực hiện từ từ một số hoạt động để giúp bản thân nhanh chóng từ bỏ được thuốc lá như cắt giảm dần số lượng thuốc lá. Việc bỏ thuốc lá ngay lập tức với một số người là việc rất khó, thường gây khó chịu ban đầu như mất tập trung, cáu gắt, khó chịu... Do đó, người cai thuốc lá nên giảm dần số lượng thuốc mỗi ngày, giảm từ từ đến khi không còn hút nữa. Bên cạnh đó, người bỏ thuốc nên tập thể dục điều độ, không uống rượu và các loại nước có ga, ăn uống lành mạnh, học cách kiểm soát căng thẳng. Nhai các loại kẹo cao su có chất nicotine, kẹo cao su có vị bạc hà cũng giúp đánh lạc hướng cảm giác thèm thuốc. Khi mệt mỏi, hãy áp dụng cách giải trí khác nhau như nghe nhạc, xem phim, nấu ăn hoặc ca hát... Tất cả sẽ giúp người cai thuốc quên đi thuốc lá và bớt căng thẳng, hạn chế thói quen hút thuốc khi strees. Người cai nghiện thuốc lá không nên thức khuya. Khi phải làm việc vào ban đêm, người cai thuốc thường có thói quen uống cà phê và hút thuốc liên tục. Nếu đang trong giai đoạn giảm dần lượng thuốc hút, tốt hơn hết, hãy duy trì việc ngủ đủ giấc và ngủ đúng giờ. Thời gian ngủ cũng chính là một liệu pháp hỗ trợ và làm giảm các cơn thèm thuốc. Đặc biệt, hạn chế tiếp xúc với những người hút thuốc lá để tránh việc hút thuốc lá trở lại.
|
Để bỏ được thuốc lá, rất cần sự nỗ lực, quyết tâm của người cai thuốc.
|
Cũng theo bác sĩ R’Ma Lương, người nghiện thuốc lá khi cai nghiện cần lưu ý, việc cai thuốc lá thành công không phải là vĩnh viễn. Khả năng tái nghiện rất cao nếu bản thân không giữ vững được quyết tâm, đặc biệt trong khoảng thời gian 3 tháng đầu bỏ thuốc. Việc hút lại dù chỉ một hơi có thể đánh thức nhu cầu nicotin của cơ thể và sau đó là ham muốn hút thuốc lá không cưỡng lại được sẽ khiến người cai nhanh chóng tái nghiện trở lại. Chính vì thế, ý tưởng hút thử lại một điếu cần được dập tắt ngay khi xuất hiện, bằng cách liệt kê lại tất cả các lý do khiến bản thân cai thuốc lá và những khó chịu phải trải qua khi cai thuốc lá.
“Đối với những người nghiện thuốc lá, việc bỏ thuốc là điều không hề dễ dàng. Bản thân tôi là người hút lâu năm, khi cơ quan khuyến khích bỏ thuốc, tôi đã phải suy nghĩ, đấu tranh và hạ quyết tâm rất nhiều lần. Có thể nói, bỏ thuốc lá cũng như việc thể hiện bản lĩnh của mình vậy. Giai đoạn đầu bỏ thuốc, cơn thèm thuốc khiến bản thân nhiều lần muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi suy nghĩ lại các tác hại của thuốc lá, nghĩ lý do để mình cai thuốc và được sự cổ vũ, khích lệ của vợ con, đồng nghiệp, tôi cố gắng quyết tâm hơn nữa và đã thành công. Đến nay, tôi đã bỏ thuốc được 3 năm và không hề tái nghiện. Đối với tôi, đó là dấu mốc rất lớn và có ý nghĩa”, anh T.Đ.K (trú tại phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), chia sẻ.
Có thể nói, không có biện pháp cai nghiện thuốc lá nào là hiệu quả nhất, cũng không có loại thuốc nào có thể giúp người nghiện thuốc lá cai nghiện một cách nhanh chóng. Điều kiện tiên quyết để cai thuốc lá thành công chính là sự quyết tâm của bản thân người nghiện thuốc lá. Do đó, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội, hãy từ bỏ thuốc lá bằng chính nghị lực, quyết tâm của bản thân mình!
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác