20/12/2023 02:21
Tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, mắc các bệnh về gan, đường tiêu hóa, tim mạch, thần kinh…và làm giảm miễn dịch của cơ thể là những nguy cơ mà người “nghiện” rượu, bia sẽ phải đối mặt. Thế nhưng, nhiều người vẫn sử dụng rượu, bia quá mức mà không quan tâm những cảnh báo về sức khỏe.
Tai nạn giao thông
Tại Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trung bình một ngày khoa tiếp nhận từ 10 đến 20 trường hợp bị tai nạn các loại, bao gồm tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn thương tích, trong đó tai nạn giao thông chiếm khoảng 50%. Trong số 50% tai nạn giao thông, có từ 30-40% tai nạn giao thông do người sử dụng phương tiện uống rượu, bia hoặc gián tiếp gây tai nạn cho người khác.
Bệnh nhân H, 18 tuổi, ở huyện Ea H’leo khi đang lưu thông trên đường bằng xe đạp điện thì bị một người đã uống rượu bia điều khiển xe mô tô trong tình trạng say xỉn và tông trực diện khiến H bị chấn thương sọ não, xuất huyết não, tụ máu não, gãy 2 xương đùi, xương bánh chè. Mặc dù điều trị tại Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã gần 10 ngày nhưng bệnh nhân vẫn còn kích động, vật vã buộc các bác sĩ phải cố định bệnh nhân vào thanh giường. Theo bác sĩ CKII Huỳnh Như Đồng, Trưởng Khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: “Trường hợp bệnh nhân H bị tai nạn rất nặng, đa chấn thương, khả năng hồi phục chậm. Sau này, nếu bệnh nhân có hồi phục sức khỏe vẫn để lại di chứng, phải tập vật lý trị liệu nhưng sức khỏe vẫn yếu hơn so với người bình thường, không thể lao động nặng được”.
|
Bệnh nhân H bị tai nạn rất nặng, đa chấn thương được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. (ảnh: Quang Nhật)
|
“Lái xe sau khi sử dụng rượu, bia là hành động nguy hiểm bởi rượu, bia là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, giảm khả năng định hướng và mất khả năng điều khiển vận động. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia, nồng độ cồn trong rượu, bia tác động vào thần kinh dễ khiến người điều khiển phương tiện giao thông không làm chủ được và gây ra tai nạn. Mặc dù ai cũng hiểu được tác hại của rượu, bia, tuy nhiên thực tế tình trạng người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia đang là vấn nạn gây hiểm họa khôn lường cho xã hội”, bác sĩ Đồng cho biết thêm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Mỗi năm nước ta có khoảng 18.000 nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông trong đó có 36,9% ca tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia; 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép; 66,8% số lái ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện và 11% số người tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia…
Rõ ràng, câu chuyện tuyên truyền để làm thay đổi hành vi của người uống rượu, bia mà vẫn sử dụng phương tiện giao thông cá nhân không có sức ảnh hưởng tới người dân. Đã đến lúc, phải coi xử phạt với chế tài nặng là một cách tuyên truyền hiệu quả.
Rối loạn tâm thần
Hệ lụy của rượu, bia không chỉ gây tai nạn giao thông mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng. Theo bác sĩ Hoàng Thị Duyên, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk: Lạm dụng rượu lâu ngày thường đưa đến chứng nghiện rượu, khi đó rượu trở thành tác nhân gây hại cho con người. Về mặt cơ thể, rượu gây ra các bệnh tim mạch, viêm loét dạ dày, viêm các dây thần kinh. Về mặt tâm thần, rượu gây ra tình trạng phụ thuộc rượu, biến đổi nhân cách, loạn thần do rượu, mất trí do rượu…Trong những năm gần đây số bệnh nhân nhập viện bị loạn thần do rượu tăng, báo động về một hiểm họa do rượu gây ra mà ít người nghĩ đến, như: biến đổi tâm thần, hoang tưởng, dễ kích động, cáu gắt, ghen tuông…dẫn đến những hành vi tiêu cực, nguy hiểm. Hiện nay, trung bình một tháng Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đăk Lắk tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 40 trường hợp mắc các rối loạn tâm thần do nghiện rượu, chủ yếu là nam giới đang trong độ tuổi lao động. Đa số bệnh nhân nhập viện ở mức độ khá nặng, với các triệu chứng nhẹ thì không ăn, không ngủ được, mê sảng; nặng thì dễ bị kích động, có biểu hiện tấn công người khác, không điều khiển được cảm xúc, như: la hét, chửi bới, ảo giác, rối loạn cảm xúc, thường xuyên có biểu hiện lo âu, hoảng sợ…
Trường hợp ông N.V.D, 47 tuổi (huyện Buôn Đôn) bị nghiện rượu nặng và phải thường xuyên đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk để điều trị vì có hành vi gây rối trật tự, hay đập phá đồ đạc trong nhà và chửi bới mọi người xung quanh. Bà K, vợ ông D tâm sự: “Một năm, chồng tôi nhập viện vì bệnh loạn thần do rượu từ 2 đến 3 lần, mỗi lần từ 10 đến 20 ngày mới xuất viện. Mặc dù gia đình khuyên ngăn, bác sĩ cũng cảnh báo nếu tiếp tục uống rượu, bệnh sẽ càng nặng hơn và khó điều trị, nhưng khi về nhà, ông vẫn uống rượu, nếu không mua cho ông uống thì ông sẽ gây sự, chửi bới, đánh đập vợ con.
|
Bệnh nhân điều trị rối loạn tâm thần do rượu tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk. (ảnh: Quang Nhật)
|
Trường hợp của ông D không phải là hiếm gặp mà đang rất phổ biến ở các địa phương trong tỉnh. Rất nhiều người uống rượu triền miên, vui uống, buồn uống, không vui không buồn cũng uống và tất cả các loại đám tiệc đều uống. Rượu, bia uống nhiều vào thì say và phát sinh vô số hậu quả, uống lâu thành nghiện mà nghiện rượu thì sinh nhiều bệnh tật. Có thể nói rượu, bia là thức uống không thể thiếu của cánh đàn ông nhưng hậu quả của việc lạm dụng nó thật khôn lường. Không chỉ gây ra những căn bệnh nguy hiểm liên quan đến thần kinh, tiêu hóa, tim mạch, tiểu đường…, mà còn gây tốn kém tiền bạc dẫn tới đói nghèo và điều trị bệnh tật dẫn đến kinh tế suy kiệt, nặng hơn nó có thể gây băng hoại đạo đức, thậm chí cướp đi mạng sống của người vô tội.
Từ những hậu quả do rượu, bia gây ra, cùng những biện pháp của các cơ quan chức năng, người sử dụng rượu, bia cần hạn chế uống hoặc dừng lại trước khi quá muộn, đừng để “ma men” hủy hoại thể xác, đày đọa tinh thần./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác