21/12/2023 03:14
Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên thường được người trong ngành y tế ví là nơi “đầu sóng ngọn gió” bởi đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng của Khoa phải thường xuyên làm việc với cường độ khẩn trương, xử trí nhanh chóng các ca bệnh nặng, phức tạp. Mặc dù làm việc trong môi trường nhiều áp lực, vất vả nhưng các y, bác sĩ, điều dưỡng của Khoa vẫn luôn tận tâm, tận lực, nỗ lực hết mình để cứu chữa người bệnh.
Trái ngược với tiếng ồn ào ở các khoa, phòng bệnh thông thường, tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên chỉ có tiếng tít tít phát ra từ những chiếc máy thở và tiếng bước chân vội vàng của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng. Mỗi phút giây trôi qua, tại đây như một cuộc chiến cam go giữa các y, bác sĩ và tử thần, dù còn một chút hi vọng, các bác sĩ vẫn quyết tâm giành sự sống cho bệnh nhân.
Gần 15 ngày điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên, ông N.P.V, 78 tuổi ở phường Tân Thành, Thành phố Buôn Ma Thuột đã được đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng của khoa tích cực “chiến đấu” để giành lại sự sống. Ông V được chuyển đến khoa với chẩn đoán viêm phổi nặng, đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp. Xác định đây là một trong những ca bệnh nặng, tiên lượng tử vong cao. Tuy nhiên với quan điểm “còn nước còn tát”, chỉ vài % hy vọng sống thì các bác sĩ cũng quyết tâm cứu bằng được. Đội ngũ y, bác sĩ của khoa đã tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh nhân, hỗ trợ hô hấp, sử dụng kháng sinh …Sau gần 15 ngày điều trị, bệnh nhân đã có chuyển biến tích cực, các chức năng sống gần như bình thường. Người nhà ông V rất cảm kích trước sự cố gắng, nỗ lực của y, bác sĩ và xem đây như một kỳ tích.
|
Cán bộ của Khoa thay phiên nhau làm việc liên tục để kịp thời tiếp nhận, xử trí cấp cứu, theo dõi và chăm sóc người bệnh. (ảnh: Quang Nhật)
|
Còn ông T.V.T, 69 tuổi ở huyện Buôn Đôn bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người và hôn mê sâu. Bà H, vợ ông T cho hay: Khi đưa chồng tôi đi bệnh viện, mọi người ai cũng nghĩ đi cho thỏa mãn chứ ông bị hôn mê không biết gì, các chức năng sống rất mong manh. Thế nhưng, vào Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, ông được các bác sĩ tích cực cứu chữa, chỉ sau 6 ngày, chồng tôi đã tỉnh lại, cảm nhận được xung quanh và dần hồi phục. Gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn các y, bác sĩ của Khoa đã nhiệt tình cứu chữa chồng tôi.
Bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, phụ trách Khoa Hồi sức tích cực và chống độc cho biết: “Hiện khoa có 71 y, bác sĩ, điều dưỡng. Với phương châm “làm hết việc chứ không hết giờ”, cán bộ của khoa thay phiên nhau làm việc liên tục ngày đêm để kịp thời tiếp nhận, xử trí cấp cứu, theo dõi, chăm sóc người bệnh. Do đặc thù của khoa là tiếp nhận hầu hết bệnh nhân nặng, hôn mê, suy hô hấp, sốc, nguy kịch về tính mạng nên việc thăm khám, cấp cứu rất khẩn trương, tích cực và phải theo dõi từng giây, từng phút. Không một ai được phép lơ là mà phải thuần thục và thống nhất xử lý tốt các tình huống cấp cứu bệnh nhân. Có những bệnh nhân vào khoa đã có tình trạng ngừng thở, ngừng tim, có bệnh nhân tưởng chừng như đã chết rồi nhưng với sự nhạy bén, vận dụng tất cả kinh nghiệm cũng như những kỹ thuật mới nỗ lực giành lại sự sống cho bệnh nhân. Để có được điều này, ngoài việc yêu cầu mỗi y, bác sĩ, điều dưỡng luôn tích cực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, mạnh dạn tiếp nhận và ứng dụng các kỹ thuật mới vào điều trị, nâng cao y đức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tuyệt đối không gây phiền hà cho bệnh nhân”.
Hiện nay trung bình mỗi ngày Khoa Hồi sức tích cực và chống độc tiếp nhận khoảng 20-25 bệnh nhân và điều trị chăm sóc đặc biệt cho khoảng 40-45 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Với việc sử dụng các kỹ thuật cao trong hồi sức cấp cứu, điều trị như: siêu lọc máu, điều trị thuốc tiêu sợi huyết ở bệnh nhân nhồi máu não, đặt catheter hai nòng có cuff, tạo đường hầm để lọc máu, rút catheter đường hầm, máy trợ thở kỹ thuật cao, máy theo dõi huyết động xâm lấn, máy lọc máu liên tục, hệ thống ECMO…đội ngũ thầy thuốc ở khoa đã cấp cứu, điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, không phải chuyển lên tuyến trên như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, sốc chấn thương, suy đa cơ quan, ngộ độc, rắn cắn…
“Về nguyên tắc, các y, bác sĩ ở khoa trực theo ca, liên tục 24 giờ, sau đó được nghỉ 24 giờ. Tuy nhiên, do không đủ nhân lực nên các y, bác sĩ, điều dưỡng phải thường xuyên làm tăng giờ, kể cả những ngày lễ tết. Chính vì vậy, việc kéo dài thời gian giao ca trở thành chuyện bình thường”, bác sĩ Nhựt cho biết thêm.
Không chỉ có y, bác sĩ mới trắng đêm vì người bệnh mà những điều dưỡng của Khoa cũng vất vả không kém. Ở các khoa khác, bệnh nhân được người nhà chăm nuôi phần nào vơi bớt sự nhọc nhằn, vất vả cho điều dưỡng. Còn ở Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, nhân viên y tế phải chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân từ điều trị, phục hồi đến cho ăn, uống thuốc, đặt ống xông thức ăn, ống thông tiểu, vệ sinh cá nhân…đồng thời thường xuyên xoay trở người, vỗ rung lồng ngực, hút đờm dãi cho bệnh nhân để hạn chế tình trạng teo cơ, ứ dịch do nằm dài ngày. Số lượng bệnh nhân đông, tình trạng quá tải công việc luôn diễn ra ở Khoa là khó tránh khỏi nhưng các điều dưỡng vẫn luôn hết mình với công việc. Nhiều khi bệnh nhân tinh thần không ổn định, lúc đau đớn còn la hét, thậm chí dứt bỏ thiết bị máy móc hỗ trợ điều trị trên cơ thể nhưng với sự tận tâm của đội ngũ cán bộ, nhân viên ở Khoa đã tạo ấn tượng tốt đẹp với người bệnh. “Cán bộ ở khoa rất chu đáo, tận tụy, không nề hà việc gì từ lau người, xoa bóp cho bệnh nhân có khi cả tháng. Họ vừa làm vừa động viên khiến tôi rất cảm động. Nhờ tinh thần làm việc của họ khiến cho những bệnh nhân như chúng tôi được tiếp thêm nghị lực sống”, ông M.V.D, 74 tuổi, ở huyện Krông Bông điều trị Khoa chia sẻ.
Không chỉ áp lực trước tình trạng nguy kịch của ca bệnh, các y, bác sĩ ở khoa còn phải đối diện với sự nóng nảy, đôi khi là quá khích của người nhà bệnh nhân. Nhưng bằng sự cảm thông, chia sẻ với lo lắng thái quá của họ về người thân, các y, bác sĩ luôn nhẫn nại giải thích, hướng dẫn để người nhà hiểu, đồng thuận với nhân viên y tế trong quá trình chạy chữa. Có thể nói, trước cường độ, áp lực công việc như vậy, nếu không có lòng yêu nghề, sự nhẫn nại và chịu đựng thì người thầy thuốc ở đây khó lòng bám trụ nổi. Điều dưỡng Trịnh Văn Hải, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc chia sẻ: “Làm việc ở khoa này nhiều khi gia đình cũng đã quen dần với dịp nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ, quen dần với những cuộc gọi bất chợt, những bữa cơm vội vã và sự vắng mặt thường xuyên trong gia đình. Dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng sắp xếp việc nhà để dành trọn tâm sức cho bệnh nhân bởi đó là công việc mà chúng tôi tâm huyết và hơn hết là sinh mạng của của người bệnh đang khẩn cấp cần sự giúp đỡ. Điều chúng tôi buồn và trăn trở không phải vì những vất vả của nghề mà là mỗi lần thông báo tin buồn với gia đình bệnh nhân. Cảm xúc bất lực khi không thể cứu được người bệnh luôn xâm chiếm tâm trí của những người làm việc trong khoa này”.
Dẫu biết rằng đằng sau mỗi chiếc áo blouse trắng là bao nhiêu nỗi niềm trăn trở với nghề chưa kịp bộc bạch cùng vô vàn thử thách phía trước nhưng mỗi ca bệnh được cứu sống như tạo được niềm tin, niềm tự hào, là động lực để các y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên luôn giữ được ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với nghề với công việc mà họ đã lựa chọn./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác