25/12/2023 02:54
Năm 2023, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát, từ các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, dại, viêm não Nhật Bản… đến các dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ. Mặc dù đã được cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhưng các dịch bệnh truyền nhiễm vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan nếu người dân chủ quan, nhất là ở thời điểm thời tiết chuyển mùa như hiện nay và Tết Nguyên đán sắp đến gần, nhu cầu đi lại giao lưu tiếp xúc của người dân tăng cao là điều kiện thích hợp để dịch bệnh phát triển.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2023, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tương đối ổn định khi không xảy ra dịch lớn. Tuy nhiên, một số bệnh có xu hướng gia tăng về số ca mắc, tử vong và một số bệnh được ghi nhận xuất hiện trở lại. Đối với dịch COVID-19, số ca mắc bệnh và tử vong của bệnh COVID-19 giảm nhiều so với năm 2022, với 1.830 ca mắc (cao nhất ở TP. BMT) và 02 ca tử vong (huyện Krông Ana và huyện Ea Kar). Dịch bệnh sốt xuất huyết giảm khoảng 50,0% so với năm trước, nhưng số ổ dịch tăng gần gấp 2 lần. Số trường hợp mắc bệnh và tử vong cao hơn so với dự đoán theo chu kỳ đỉnh dịch. Tính tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh ghi nhận 4.951 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chủ yếu ở huyện Ea Kar, Ea H’leo, Krông Pắk, TP. Buôn Ma Thuột và đã có 6 ca tử vong, trong đó có 3 ca tử vong ở huyện Krông Pắk. Còn đối với bệnh tay chân miệng, năm 2023, có 2.221 trường hợp mắc bệnh, số trường hợp mắc tay chân miệng tăng khoảng 1,5 lần so với năm trước và có 4 trường hợp tử vong (huyện Ea Súp, Krông Pắk, M’Đrắk, TX. Buôn Hồ). Đáng chú ý, trong năm 2023, còn có một số dịch bệnh ghi nhận tăng cao, gây ra dịch ở nhiều địa phương. Cụ thể, bệnh đau mắt đỏ với 38.695 trường hợp mắc, bệnh thủy đậu 352 trường hợp. Đặc biệt, ghi nhận tới 7 ca viêm não Nhật Bản, 3 trường hợp mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn. Ngoài ra, còn ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh dại, 2 trường hợp mắc bệnh Whitmore và 2 trường hợp mắc bệnh Adenovirus.
|
Các dịch bệnh truyền nhiễm vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng. (ảnh: Quang Nhật)
|
Theo bác sĩ Trần Kim Long - Phụ trách Khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2023, bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp. Các nhóm bệnh do vi rút gây ra, các bệnh chưa có vắc xin dự phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu luôn có nguy cơ xâm nhập và lan rộng ra cộng đồng trong quá trình giao lưu, tiếp xúc. Một số bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, thủy đậu..., bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc xin cũng có nguy cơ gia tăng số mắc. Nguyên nhân do tỷ lệ tiêm chủng mở rộng chưa đạt do nhiều nguyên nhân như tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, việc cung ứng vắc xin trong năm 2022, 2023 bị gián đoạn và chưa đầy đủ nên số chưa tiêm chủng cao, khả năng miễn dịch giảm. Mặt khác, một số vắc xin tiêm dịch vụ giá thành cao nên người dân không đủ điều kiện để tiếp cận với vắc xin khiến số trẻ em chưa được tiêm chủng đủ liều vắc xin còn cao, khả năng miễn dịch giảm theo thời gian... Bên cạnh đó, dân số tăng nhanh cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, nạn phá rừng, đô thị hóa, đẩy mạnh nông nghiệp và hoạt động khai thác tài nguyên tạo thêm cơ hội khiến các mầm bệnh phát tán và lây truyền sang con người.
|
Công tác giám sát luôn được chú trọng để phát hiện sớm, xử lý các trường hợp mắc bệnh theo đúng quy định, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan. (ảnh: Quang Nhật)
|
|
Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng, chống dịch bệnh. (ảnh: Quang Nhật)
|
Cũng theo bác sĩ Trần Kim Long, trước tình trạng dịch bệnh gia tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chủ động tham mưu sớm các kế hoạch, tình huống phòng chống dịch để triển khai trên địa bàn tỉnh. Phối hợp cùng với các đơn vị trong việc thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút và chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh, chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm, xử lý các trường hợp mắc bệnh theo đúng quy định, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan. Với mục tiêu không để tình trạng dịch chồng dịch, trong thời gian qua, CDC còn tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng chống các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, thủy đậu, đau mắt đỏ… đến người dân để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi chủ động phòng tránh. Nhờ vậy mà năm 2023, các dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trên địa bàn tỉnh đều nhanh chóng được khống chế, không để lây lan trên diện rộng.
Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, nhưng theo bác sĩ Long, hiện nay, tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia trên thế giới diễn biến phức tạp nên khả năng các bệnh dịch mới phát sinh, bệnh nguy hiểm vẫn có thể xâm nhập vào Việt Nam nói chung và tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Bên cạnh đó, hiện nay đang giai đoạn mùa Đông Xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô là nguyên nhân gây dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm. Các bệnh đang lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi. Đặc biệt, thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường, chính là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và toàn xã hội, bác sĩ Kim Long khuyến cáo người dân cần thực hiện một số biện pháp để phòng chống tốt bệnh truyền nhiễm như:
- Thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch bệnh;
- Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh;
- Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển;
- Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng, chống dịch bệnh;
- Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng;
- Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn;
- Phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân: Giữ ấm cơ thể; thể dục, thể thao; nâng cao thể trạng;
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời;
- Thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác