28/12/2023 04:31
Trong không khí đón chào năm mới 2024, những ngày vừa qua, các bệnh nhân suy thận mạn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tăng thêm niềm vui khi Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh chính thức đưa vào vận hành đơn vị chạy thận nhân tạo. Điều này đã mang lại rất nhiều lợi ích cho các bệnh nhân cũng như góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, số người suy thận giai đoạn cuối cần phải chạy thận nhân tạo khoảng 800.000 người. Hiện chi phí điều trị cho các bệnh nhân thận mạn có thể lên tới 14 triệu đồng/ tháng, chưa kể các khoản bệnh nhân tự chi trả. Người mắc bệnh thận cũng chịu những tổn thương tinh thần to lớn trong học tập, việc làm và gia đình. Lọc máu và ghép thận là các biện pháp điều trị bệnh thận giai đoạn cuối. Và lọc máu vẫn là biện pháp điều trị thay thế thận cho người bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối phổ biến. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, số bệnh nhân mắc bệnh suy thận cần chạy thận nhân tạo đang ngày một gia tăng nhanh chóng. Hiện có khoảng 1.000 bệnh nhân mắc suy thận mạn cần lọc máu, và trên 400 bệnh nhân đang được chạy thận nhân tạo tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Vì tình trạng bệnh nhân quá đông, số lượng máy chạy thận ít, không đủ để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân nên có không ít bệnh nhân phải lên tuyến trên hoặc qua tỉnh Khánh Hòa để chạy thận định kỳ. Điều này đã khiến nhiều bệnh nhân chạy thận nhân tạo gặp nhiều khó khăn, tổn hao về sức khỏe cũng như tốn kém chi phí đi lại, ăn ở và điều trị. Bệnh nhân Đặng Thị Thu Hằng (trú tại phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: Tôi vốn bị đái tháo đường, cách đây 7 tháng, tôi bị biến chứng qua suy thận buộc phải lọc máu. Bệnh khiến sức khỏe tôi giảm sút nhanh chóng. Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân cần lọc máu quá đông, số lượng máy móc bên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên không đủ cho bệnh nhân nên mặc dù nhà ở Đắk Lắk nhưng tôi phải thường xuyên qua Nha Trang để chạy thận. Việc di chuyển nhiều khiến tôi rất mệt mỏi, chưa kể còn tốn kém rất nhiều. Nay Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đưa vào hoạt động đơn vị chạy thận nhân tạo, tôi và các bệnh nhân ở đây rất vui và phấn khởi vì từ nay mình không còn phải đi qua tỉnh khác để chạy thận nữa.
|
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn cùng bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh thăm khám sức khỏe bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh. (ảnh: Quang Nhật)
|
Mắc bệnh suy thận mạn đã 4 năm nay, trung bình một tuần bệnh nhân Võ văn Dũng (trú tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) phải lọc máu 3 lần để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, do tại Đắk Lắk số lượng máy lọc máu không đủ, bản thân lại không có điều kiện để đi lên tuyến trên nên khi tới Bệnh viện Thiện Hạnh để lọc máu, bệnh nhân đã trong tình trạng dư dịch từ 7-10 kg, khó thở. Trước tình trạng của bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã ưu tiên chạy thận cho bệnh nhân Dũng liên tục trong 3 ngày để giảm bớt dịch dư, sau đó tiếp tục lọc 3 lần/tuần. sau khi sức khỏe đã ổn định, bệnh nhân Võ Văn Dũng vui mừng nói: Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh chính thức đi vào hoạt động đơn vị chạy thận nhân tạo là việc làm hết sức kịp thời và có ý nghĩa quan trọng với các bệnh nhân như tôi. Không có máy lọc máu, sức khỏe tôi suy giảm nhanh chóng, vì không được lọc máu thường xuyên và kịp thời nên giờ bệnh tình của tôi quá nặng. Nghe Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh có máy lọc máu là tôi đăng ký lên khám và điều trị ngay, nhờ đó mà nay sức khỏe của tôi đã tốt hơn rất nhiều.
Với số lượng bệnh nhân mắc suy thận mạn cần lọc máu ngày một gia tăng nhanh, trong khi máy lọc máu còn quá ít đã khiến không ít bệnh nhân trên địa bàn tỉnh chịu thiệt thòi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Mong muốn góp phần trong việc điều trị cho các bệnh nhân suy thận mạn, từ năm 2015, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã nhen nhóm ý tưởng thành lập đơn vị thận nhân tạo. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan cộng thêm dịch COVID-19, đến nay đơn vị chạy thận nhân tạo của Bệnh viện mới chính thức đi vào hoạt động, mang đến niềm vui lớn cho các bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Bình Hải – Trưởng khoa Khám Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết: Trước khi đưa vào hoạt động đơn vị chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã chuẩn bị rất kỹ về cơ sở vật chất cũng như nhân lực. Với sự hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Chợ Rẫy, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã cử 5 bác sĩ và 8 điều dưỡng đi học và đào tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong giai đoạn đầu, đơn vị chạy thận nhân tạo của Bệnh viện đã được trang bị 10 máy lọc máu tiên tiến, hiện đại với các tính năng an toàn, đánh giá hiệu quả sau lọc, có chức năng lọc nội độc tố và 100% sử dụng màn lọc có tính thấm cao, giúp tăng cao hiệu quả và cải thiện chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Trước khi triển khai hoạt động, Hội đồng chuyên gia của ngành Y tế đã thẩm định và khẳng định đơn vị đạt chuẩn với quy trình, kỹ thuật nghiêm ngặt. Dự kiến, trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ lắp đặt và triển khai hơn 50 máy lọc máu tại đơn vị chạy thận nhân tạo với khoảng 300 bệnh nhân mỗi tháng để đáp ứng nhu cầu điều trị cho các bệnh nhân tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
|
Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh vận hành đơn vị chạy thận nhân tạo mang đến niềm vui rất lớn cho các bệnh nhân. (ảnh: Quang Nhật)
|
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy – Phó Chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam, hiện tại ở Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, số lượng bệnh nhân cần lọc máu rất cao. Tuy nhiên, lượng máy móc để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân chưa đủ. Việc Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh là bệnh viện tư của Đắk Lắk tiên phong xây dựng và đưa vào vận hành đơn vị chạy thận nhân tạo là việc làm hết sức ý nghĩa cho các bệnh nhân. Để đảm bảo kỹ thuật, ngay từ những năm trước, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã cử các y, bác sĩ xuống học tập tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Quá trình đào tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển giao đầy đủ kỹ thuật cũng như hỗ trợ về chuyên môn cho đội ngũ nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh. Đến nay, lực lượng nhân lực của Bệnh viện đã tiến hành rất tốt kỹ thuật chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân.
|
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh theo dõi sức khỏe chặt chẽ. (ảnh: Quang Nhật)
|
Có thể nói, việc đưa vào vận hành đơn vị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã giúp cho các bệnh nhân bị suy thận mạn tính được điều trị ngay tại tỉnh nhà thay vì phải đi tới các tuyến trên để chạy thận như trước đây. Qua đó hạn chế việc chuyển tuyến, giảm áp lực đối với bệnh viện tuyến trên, giúp cho các bệnh nhân được điều trị kịp thời, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Đồng thời từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác