29/12/2023 09:59
Nhằm nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn, thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh nhiều hoạt động, triển khai các kế hoạch trong lĩnh vực dân số, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới, cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng dân số và tuổi thọ của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển đất nước.
Theo báo cáo của Chi cục Dân số - KHHGD, năm 2023, hoạt động nâng cao chất lượng dân số của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh là 11‰. Mức giảm tỷ suất sinh là 0,2‰. Tỷ số giới tính khi sinh là 108,6%, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Có 18.550 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, đạt 122,5% (trong đó thực hiện miễn phí 406 ca). Số trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh là 21.881 trường hợp, đạt 135%. 115.132 người mới sử dụng biện pháp tránh thai, đạt 104% so với năm 2022.
|
Sản phụ được siêu âm định kỳ tại cơ sở y tế để kịp thời phát hiện các bất thường của thai nhi. (ảnh: Quang Nhật)
|
Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi Cục Dân số - KHHGD tỉnh Đắk Lắk, bà H’Bê Niê cho biết, hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm 2023 với chủ đề “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước”, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, mang lại hiệu quả cao. Chi cục đã phối hợp phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện thực hiện tốt các chỉ tiêu dân số - KHHGĐ giao từ đầu năm. Duy trì hoạt động quản lý hậu cần phương tiện tránh thai. Tăng cường công tác truyền thông lồng ghép chung vào chương trình dân số - KHHGĐ của địa phương về các đề án sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông thường xuyên tại các cấp dưới nhiều hình thức, phối hợp truyền thông lồng ghép với các cấp, ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền các nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp, thăm và gặp gỡ tại hộ gia đình đối với các cặp vợ chồng đã có 2 con trở lên, sinh con một bề trong độ tuổi sinh đẻ chưa áp dụng các biện pháp tránh thai. Các nội dung tư vấn cũng đa dạng, phong phú và chủ yếu tập trung vào các biện pháp kế hoạch hoá gia đình, kiến thức về làm mẹ an toàn, các bệnh lây qua đường tình dục, phòng tránh thai ngoài ý muốn. Đơn vị cũng đã tổ chức 21 lớp tập huấn với gần 1.000 cộng tác viên dân số trên 15 huyện, thành phố, thị xã với các kiến thức, kỹ năng tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số-KHHGĐ cho đối tượng vị thành niên, thanh niên; Kỹ năng tư vấn cung cấp thuốc uống tránh thai “Bảng kiểm viên uống thuốc tránh thai”. Hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cũng luôn được Chi cục chú trọng triển khai, duy trì các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh để từng bước nâng cao chất lượng dân số. Các câu lạc bộ tư vấn tiền sức khỏe hôn nhân luôn được Chi cục duy trì sinh hoạt với các nội dung, phương thức đa dạng, phù hợp và thường xuyên hoạt động tuyên truyền về lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, tuyên truyền đến thanh niên trước khi kết hôn chấp nhận dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, đặc biệt đối tượng có nguy cơ cao. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để vị thành niên, thanh niên tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số.
Mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng được chú trọng thực hiện tại 159 xã với 828 câu lạc bộ, có 2.881 lượt thành viên tham gia. Chi cục cũng đã lồng ghép với mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân truyền thông, tư vấn can thiệp tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại đại phương, hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản kế hoạch hóa gia đình cho người dân. Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi triển khai tại 15 huyện với 184 xã, phường, thị trấn với 206.232 người cao tuổi. Năm 2023 đã có 455 câu lạc bộ người cao tuổi được thành lập mới với 16.509 người tham gia và 18.013 số hội viên. Để nâng cao sức khỏe người cao tuổi, đã có 437 buổi nói chuyện chuyên đề được triển khai với 10.820 lượt người tham gia; truyền thông trực tiếp 834 buổi với 21.044 lượt người tham gia. Công tác tổ chức khám định kỳ cũng được triển khai 434 lần với 20.313 người cao tuổi được khám; Số lần khám và tư vấn sức khỏe thường xuyên tại trạm 50.373 lần.
|
Cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn cho phị nữ trong độ tuổi sinh đẻ để sinh con khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. (ảnh: Quang Nhật)
|
Có thể thấy, để nâng cao chất lượng dân số, đã có rất nhiều hoạt động được Chi cục Dân số - KHHGĐ triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, theo bà H’Bê Niê - Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi Cục Dân số - KHHGD tỉnh Đắk Lắk, công tác nâng cao chất lượng dân số vẫn còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn vùng sâu, vùng xa đường đi khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức về kế hoạch hóa gia đình ở một số vùng người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Một số địa bàn có thành phần tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao ảnh hưởng đến tuyên truyền, vận động người dân tham gia KHHGĐ. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền tại một số địa bàn cơ sở chưa hiểu hết được tầm quan trọng của công tác Dân số - KHHGĐ nói chung và công tác truyền thông về Dân số - KHHGĐ nói riêng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, chưa thật sự quan tâm đến việc hỗ trợ, bổ sung thêm một phần kinh phí cho công tác Dân số - KHHGĐ các xã, phường mà chỉ dựa vào nguồn kinh phí của ngành dọc. Vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả triển khai công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn. Ngoài ra, một số phương tiện tránh thai bị gián đoạn như thuốc tiêm tránh thai, que cấy tránh thai đến nay không có, do đó không đáp ứng được nhu cầu cho các đối tượng thụ hưởng miễn phí về phương tiện tránh thai. Phụ cấp hàng tháng cho đội ngũ cộng tác viên dân số còn thấp đã làm giảm đi sự tâm huyết với công tác truyền thông, tư vấn về KHHGĐ thường xuyên tại cộng đồng.
Do đó, để chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới, bên cạnh những nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế rất cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền, các đoàn thể của địa phương trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về xoá bỏ hủ tục, chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần nâng cao hơn nữa kiến thức cũng như ý thức trong các hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Có như vậy, chất lượng dân số tỉnh Đắk Lắk mới ngày được nâng cao, góp phần phát triển đất nước.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác