04/01/2024 04:42
Mặc dù bận rộn với công việc chăm sóc và điều trị người bệnh, nhưng đều đặn một năm nay, sau những giây phút tất bật, các y, bác sĩ Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên lại cùng nhau chăm sóc đứa con chung của cả Khoa trong tình yêu thương đong đầy như chính con ruột của mình.
Cách đây một năm, vào ngày 22/12/2022, một cậu bé kháu khỉnh cất tiếng khóc chào đời tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, sau khi em ra đời, mẹ em đã viết giấy để bé lại cho Bệnh viện trong tình trạng nhiễm trùng huyết sơ sinh/Viêm phổi sơ sinh/Sơ sinh rất non tháng rất nhẹ cân (1600 gram)/Đa dị tật bẩm sinh/Suy hô hấp độ 3. Tiên lượng: Bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao nên được chuyển từ Khoa Phụ sản qua chăm sóc, điều trị tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh. Nhìn thân hình bé nhỏ vừa sinh ra đời đã phải chiến đấu với bao nhiêu bệnh tật, nằm thở oxy, thoi thóp giữa lằn ranh sự sống và cái chết, các bác sĩ, nhân viên y tế của Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh đều nghẹn ngào rơi nước mắt và quyết tâm phải cứu sống bằng được bé, chăm sóc bé tốt để bù đắp phần nào sự thiệt thòi.
Những ngày đầu năm mới 2024, tại Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh, bệnh nhân chật kín giường, đến cả các lối đi hành lang cũng kín người nhà bệnh nhân. Các bác sĩ, nhân viên hối hả, tất bật với công việc khi các ca nhi nặng liên tục được chuyển vào khoa, nhất là trong thời điểm tiết trời Tây Nguyên chuyển lạnh. Bận rộn, mệt nhoài với công việc, nhưng khi xong ca trực, các bác sĩ, nhân viên không quên đến bên chiếc nôi nhỏ đặt ở một góc phòng trực của Khoa nơi "con trai" - tên gọi thân mật mà cả Khoa đặt cho cậu bé không tên bị bỏ rơi - để bế và vỗ về cháu bé. Vừa pha sữa cho “con trai”, “mẹ” Nguyễn Thị Trang Phương (Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh) tâm sự: Bé bị bỏ rơi khi vừa chào đời và chỉ nặng 1,6kg. Khi bác sĩ đang điều trị cho bé trong phòng chăm sóc đặc biệt, mẹ cháu bé đã lẳng lặng rời đi chỉ để lại một mẩu giấy viết tay nhàu nát trên giường với nội dung: “Tôi là mẹ đơn thân, gia đình khó khăn, mắt mũi kém, con tôi bệnh nặng, tôi không tiếp tục nuôi dưỡng chăm sóc cháu được nên để lại nhờ Khoa nuôi dưỡng, được ngày nào hay ngày đó”. Đọc nội dung tờ giấy do mẹ bé để lại, nhìn thân hình bé nhỏ cắm đầy dây dợ trong hơi thở khó nhọc, chúng tôi thương bé vô cùng. Không ai bảo ai, mỗi người trong Khoa đều dành một tình cảm đặc biệt cho bé, với nỗ lực giúp bé hồi phục sức khỏe mỗi ngày. Có thể nói, mỗi lần sức khỏe của bé tiến triển thêm một chút là cả Khoa lại vỡ òa trong niềm vui vì bao hi vọng đều được đặt vào bé. Đến nay, cháu bé qua cơn nguy kịch lúc sơ sinh nhưng do bé bị đa dị tật kèm theo bị bại não nên sẽ rất khó có người nhận nuôi và nuôi rất khó vì sức khỏe bé quá yếu. Vì vậy, cả Khoa thống nhất sẽ là “bố mẹ” thay nhau nuôi dưỡng cháu bé. “Chúng tôi cũng nghĩ ra nhiều cái tên để đặt cho con nhưng rồi quyết định gọi là “con trai” để mọi người ai cũng xem như con của mình và dành sự quan tâm cho bé. Do “con trai” bị bại não nên ăn uống, vận động rất khó khăn, mỗi khi uống sữa, con chỉ uống từng ngụm nhỏ và tốn rất nhiều thời gian. Dù bận rộn, chúng tôi vẫn thay nhau chăm sóc cho con, tình yêu dành cho “con trai” rất lớn”, chị Phương chia sẻ.
|
Chị Phương cùng các đồng nghiệp luôn dành tình cảm đặc biệt cho bé.
|
Thương cháu bé tội nghiệp, nhiều sản phụ cũng tự nguyện cho cháu bé sữa với hy vọng bé có thêm đề kháng chống chọi với bệnh tật. Để thuận tiện việc chăm sóc cho “con trai”, khi đến ca, mọi người đều đánh dấu những việc đã làm vào một tấm bảng nhỏ đặt ở trước nôi của bé để người sau tới tự biết phải chăm sóc con ra sao.
Với tình yêu thương, sự hy sinh cao cả của tập thể 54 bác sĩ, nhân viên y tế của Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh mà “con trai” đã hồi sinh kỳ diệu. Đến nay, “con trai” được các “bố mẹ” nuôi dưỡng hơn một năm đã nặng hơn 5kg. Vừa qua, cả Khoa còn tổ chức lễ thôi nôi ấm cúng cho “con trai”, ai cũng ước mong cậu bé kém may mắn sẽ khỏe mạnh và có tương lai thật tốt đẹp.
|
Cháu bé lớn lên trong tình yêu thương của cả tập thể Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và Nhi sơ sinh.
|
Để chăm sóc “con trai”, các bác sĩ, nhân viên trong Khoa đều tự góp tiền mua sữa, bỉm, tã, quần áo để lo cho con. Biết hoàn cảnh đáng thương của cậu bé, không ít nhà hảo tâm ngỏ lời cho tiền mặt để hỗ trợ nhưng Khoa từ chối và trả lời chỉ nhận mỗi hiện vật như sữa, tã, khăn. “Chúng tôi chỉ nhận những hiện vật cần thiết cho bé, không nhận tiền bạc để việc chăm sóc bé được khách quan và chúng tôi không muốn bị phân tâm về vấn đề tiền bạc. Cháu bé sẽ lớn lên bằng tình thương của cả tập thể”, điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Trang Phương nói thêm.
Nhìn cậu bé kháu khỉnh với đôi mắt tròn to, long lanh, đi đến đâu đều được “bố mẹ” gọi tên trìu mến, ai cũng mong “con trai” chóng lớn, thật khỏe mạnh. Sự ấm áp, tình yêu mà các “bố mẹ” mặc áo blouse trắng dành cho “con trai” như phần nào xoa dịu những tổn thương, sự kém may mắn của cậu bé. Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi - Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, quá trình điều trị lâu dài ở bệnh viện sức khỏe cháu bé đã dần ổn định. Tuy vậy, với chứng bệnh bại não sẽ rất khó khăn cho ai nhận nuôi dưỡng cháu bé. “Bình thường những cháu nhỏ khác bị bỏ rơi tại Khoa đều được người khác đến nhận nuôi hoặc được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng. Riêng với trường hợp của “con trai”, chúng tôi mong tổ chức nào có đủ điều kiện, có tình yêu thương thực sự lớn mới có thể nhận nuôi, lo cho bé được. Hiện tại “con trai” vẫn được chúng tôi chăm lo ân cần, chu đáo nhất có thể để phần nào bù đắp sự thiệt thòi cho thiên thần nhỏ”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác