11/01/2024 10:43
Hiện nay trẻ vị thành niên (VTN) mang thai có xu hướng ngày càng tăng, dẫn đến số VTN phá thai và sinh con cao. Đây là vấn nạn cần được xã hội quan tâm, bởi hậu quả của tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, cuộc sống, tương lai của trẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội.
Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2019, trên địa bàn tỉnh Đăk Lắk có 310.334 VTN, trong đó 159.445.VTN nam, 150.889 VTN nữ; nhóm VTN trong độ tuổi 10-13 là 132.317, nhóm VTN trong độ tuổi 14-16 là 92.948, nhóm VTN trong độ tuổi 17-19 là 85.069. Số thanh niên (TN) trong độ tuổi 20-24 là 141.983, trong đó có 75.158 TN nam, 66.825 TN nữ.
Theo kết quả điều tra các chỉ tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020-2021 của Unicef: Tỷ suất sinh con sớm khác biệt rất lớn giữa các nhóm dân cư. Tỷ suất sinh con vị thành niên của phụ nữ 15-19 tuổi không đi học cao gấp gần 60 lần nhóm phụ nữ có trình độ từ cao đẳng hoặc đại học trở lên; Trong đó, cứ 1.000 nữ vị thành niên người Mông thì đã sinh 210 trẻ.
|
Sinh hoạt ngoại khoá về an toàn tình dục cho học sinh trường THPT Krông Bông.
|
Ở Việt Nam, có 14,6% phụ nữ 20-24 tuổi kết hôn trước 18 tuổi và 1,1% kết hôn trước tuổi 15. Tảo hôn diễn ra phổ biến đối với trẻ em gái hơn trẻ em trai cũng như đối với phụ nữ các dân tộc khác so với phụ nữ dân tộc Kinh/Hoa. Cứ 2 phụ nữ dân tộc Mông từ 20-24 tuổi thì có một người kết hôn trước 18 tuổi và cứ 10 người trong số họ thì có một người kết hôn trước 15 tuổi.
Thanh thiếu niên cũng có thể đối mặt với nguy cơ bỏ học, kết hôn sớm hoặc mang thai, hoặc tham gia lao động sớm không phù hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên môi trường giáo dục và trải nghiệm có chất lượng trong trường học ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần, sự an toàn, gắn kết với cộng đồng và phát triển xã hội.
Theo Y sỹ Nguyễn Thị Hường, cán bộ phụ trách y tế học đường trường THCS dân tộc nội trú Krông Năng cho biết, trong những năm gần đây học sinh tại trường được đi học đúng tuổi, có kiến thức tốt hơn trước. Bên cạnh đó, các em có xu hướng mạnh dạn hơn trong việc thể hiện tình cảm với bạn khác giới, tình trạng học sinh yêu đương trong trường nhiều hơn trước. Nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với các cơ sở y tế hoặc lồng ghép trong các tiết sinh học để trang bị thêm cho các em kiến thức về tình yêu tuổi học đường, việc mang thai, phòng tránh thai. Đặc thù của trường THCS dân tộc nội trú là 100% học sinh lưu trú tại trường, được sự giám sát, hỗ trợ chặt chẽ từ thầy cô giáo nên trong 2 năm qua không có tình trạng học sinh nghỉ học do mang thai ngoài ý muốn.
|
Thảo luận nhóm về những thay đổi tâm lý, tình cảm ở tuổi dậy thì của học sinh trường THCS dân tộc nội trú Ea Kar.
|
Ngày nay, VTN, TN được thụ hưởng chất lượng cuộc sống cao hơn, có điều kiện tiếp cận thông tin dễ dàng, bao gồm cả thông tin về SKSS thông qua các kênh hiện đại như Internet, truyền hình và tin nhắn SMS trên điện thoại di động. Tuy nhiên, tình trạng SKSS, SKTD của VTN, TN vẫn đang tồn tại những vấn đề rất đáng quan tâm. Theo báo cáo tại Đề án Chăm sóc SKSS, SKTD vị thành niên, thanh niên giai đọan 2021-2025 cho thấy: Tuổi trung bình lần quan hệ tình dục đầu tiên của các đối tượng điều tra ở nhóm tuổi 14-24 là 18,7; 15% TN có quan hệ tình dục trước hôn nhân; 27,8% đối tượng nữ công nhân di cư ở tuổi TN không sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT). Kết quả khảo sát về hôn nhân, mang thai, phá thai, sinh con cho thấy: Nhóm dân tộc thiểu số kết hôn sớm hơn 6 lần so với dân tộc Kinh (8,4% so với 1,4%). Chỉ 17% thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 có kiến thức về mang thai. Trong tổng số nữ trong độ tuổi 15-24, có 9,2% người đã từng phá thai. Tỉ lệ phá thai đặc biệt cao hơn ở nhóm nữ trong độ tuổi 19-24, dân tộc thiểu số và nữ đã từng kết hôn so với nhóm nữ trong độ tuổi từ 15-18, người Kinh và người chưa từng kết hôn. Tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, hiểu biết về các bệnh liên quan vấn đề này thì chỉ có 21% nam trong độ tuổi 10-24 có thể nêu được một triệu chứng của các viêm nhiễm đường sinh sản và tỷ lệ này ở nữ là 19%.
Trẻ VTN,TN vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD đảm bảo chất lượng, ví dụ các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) hiện nay tập trung chủ yếu vào những người đã kết hôn. Can thiệp, chương trình SKSS, SKTD cho VTN, TN còn thiếu hụt trong giải quyết các vấn đề của các nhóm thiệt thòi, dân tộc thiểu số và vấn đề giới.
Đến nay, Việt Nam vẫn còn một số những bất cập như kiến thức, kỹ năng về chăm sóc SKSS, SKTD của VTN, TN còn hạn chế; Giáo dục về SKSS, SKTD chưa tiếp cận được ở diện rộng; Việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện về SKSS, SKTD chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của VTN, TN. Tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục… của VTN, TN vẫn chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu; ở nhóm VTN, TN yếu thế (dân tộc thiểu số, khuyết tật, đồng giới …).
Theo Bs CKI Đoàn Thị Hồng Nhung, trưởng khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, hiện nay tình trạng VTN, TN có quan hệ tình dục trước hôn nhân, tình dục không an toàn ngày càng tăng, dẫn đến số VTN mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao. Số liệu thống kê báo cáo hầu như không phản ánh đúng thực trạng này do các em ngại tìm đến cơ sở y tế công lập; Cơ sở y tế vẫn chưa thành lập được phòng khám hoặc tư vấn chuyên biệt cho VTN. Phần lớn, các em không dám chia xẻ điều này với bố mẹ và thầy cô mà tự mình tìm hiểu và có thể xử lý không đúng cách, không an toàn.
Tỉnh Đắk Lắk, mặc dù đã ban hành kế hoạch Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho Vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2020-2025, nhưng đến nay việc triển khai thực hiện vẫn còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với các nhóm VTN, TN đặc thù như: Đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn... Các dịch vụ thân thiện cho vị thành niên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cho nhóm đối tượng này. Cán bộ y tế, cán bộ làm công tác liên quan như Đoàn thanh niên, các Trường THPT, THCS vẫn chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu tư vấn chuyên biệt cho VTN, TN. Các cấp, các ngành chưa dành sự quan tâm đúng mức cho công tác này, nguồn kinh phí đầu tư cho chương trình còn hạn chế. Do vậy, các hoạt động triển khai vẫn còn rời rạc, chưa bao phủ, chất lượng chưa cao.
|
Nói chuyện chuyên đề Sức khoẻ sinh sản tại trường THCS dân tộc nội trú M’ Drak
|
Sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục là những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của vị thành niên, thanh niên. Đầu tư cho chăm sóc SKSS, SKTD là đầu tư cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Để làm tốt công tác Chăm sóc SKSS/SKTD cho VTN/TN, nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, thái độ và hành vi của VTN/TN, tăng cường sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường, dịch vụ y tế và các nguồn lực khác, công tác Chăm sóc SKSS/SKTD cho VTN/TN cần được quan tâm sâu sát, tạo điều kiện về nhân lực và kinh phí để triển khai, mở rộng hoạt động, giúp số VTN được trang bị kiến thức và tiếp cận dịch vụ ngày càng nhiều hơn./.
Nguyệt Nga
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác