24/01/2024 10:14
Ngay sau khi được phân bổ đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các cán bộ y tế thuộc Trạm Y tế phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng triển khai các hoạt động tiêm chủng cho trẻ, đồng thời rà soát các trẻ bị lỡ mũi tiêm để đảm bảo tất cả các trẻ trên địa bàn đều được bảo vệ sức khỏe, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin phòng.
Mặc dù Trạm Y tế đã thông báo 7 giờ 30 phút thứ 5 hằng tuần sẽ bắt đầu tiêm chủng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhưng chưa tới 7 giờ sáng, tại Trạm Y tế phường Ea Tam, số lượng người dân đưa con tới để tiêm chủng đã rất đông. Các phụ huynh đưa trẻ tới tiêm ai cũng vui mừng vì vắc xin được phân bổ về Trạm giúp trẻ được tiêm chủng kịp thời để phòng bệnh. Có con trễ lịch tiêm vắc xin 5 trong 1 vì thiếu vắc xin, gia đình lại không đủ điều kiện để đưa con đi tiêm dịch vụ nên ngay khi nhận được thông báo của Trạm đã có vắc xin trở lại, chị H’Ty Bdap (trú tại phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vui mừng đưa con đi tiêm ngay để phòng bệnh cho con. Chị H’Ty chia sẻ: Bé nhà tôi nay được 6 tháng tuổi nhưng hôm nay mới được tiêm mũi vắc xin 5 trong 1 đầu tiên. Khi bé 2 tháng tuổi, tôi có đưa bé ra Trạm để tiêm cho đúng lịch nhưng vì chưa có vắc xin nên phải về nhà chờ. Do nhà không có điều kiện nên gia đình không thể cho bé đi tiêm dịch vụ. Hôm qua thấy cán bộ Trạm nhắn tin thông báo đã có vắc xin về, tôi mừng lắm và sáng nay đưa con đi tiêm sớm vì cứ sợ lại hết thuốc. Việc vắc xin có trở lại không chỉ tôi mà tất cả các bà mẹ ở đây đều rất phấn khởi vì con mình đã được tiêm phòng bệnh, Tết này có đưa con đi chúc Tết, gặp gỡ nhiều người cũng đỡ lo lắng hơn.
|
Cán bộ y tế phường Ea Tam tiêm chủng vắc xin cho trẻ. (ảnh: Bảo Trọng).
|
Hiểu rõ việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ có vai trò hết sức quan trọng và mang lại nhiều lợi ích trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ như, lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, rubella, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ, viêm não Nhật Bản B… nên chị Vũ Ái Phượng (trú tại phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) luôn chú trọng đưa con đi tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, do thiếu vắc xin nên mặc dù đủ tuổi tiêm vắc xin 5 trong 1, con chị vẫn chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Nay bé được gần 5 tháng, nhận được thông báo của cán bộ trạm đã có vắc xin, chị vui mừng, nôn nao chỉ mong trời sáng thật nhanh để đưa con đi tiêm. “Cả đêm qua tôi vui tới không ngủ được, chỉ mong trời sáng nhanh để đưa con đi tiêm vắc xin. Vì mũi 5 trong 1 phòng được một lúc 5 bệnh, rất quan trọng nên tôi cố gắng để con được tiêm đúng độ tuổi nhằm bảo vệ sức khỏe cho con. Thật sự lâu lắm rồi tôi mới thấy lại cảnh các gia đình, bà mẹ rộn ràng đưa con đi tiêm trở lại như vậy, có thể thấy không chỉ tôi mà ai cũng chung một niềm vui và trút được nỗi lo của mình khi con đã được tiêm phòng đẩy đủ”, chị Phượng xúc động nói.
Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên nhiều gia đình tại phường Ea Tam nói riêng và toàn tỉnh nói chung không có điều kiện đưa trẻ đi tiêm dịch vụ mà chỉ biết trông chờ vào vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Để giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ trong thời gian chờ đợi vắc xin, thời gian qua, Trạm Y tế phường Ea Tam đã nỗ lực tuyên truyền, tư vấn cho người dân trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ bằng cách hạn chế cho trẻ tới nơi đông người, thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và cho trẻ bú sữa mẹ cũng như có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Bên cạnh đó, Trạm còn chủ động lập danh sách các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, các trẻ bỏ lỡ mũi tiêm để đảm bảo khi có vắc xin về, các trẻ đều được tiêm chủng đầy đủ. Cử nhân Điều dưỡng Nguyễn Thị Mai – Phó trưởng Trạm Y tế phường Ea Tam – TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Bên cạnh các gia đình có điều kiện kinh tế đã đưa con đi tiêm dịch vụ thì trên địa bàn phường vẫn còn rất nhiều gia đình chờ vắc xin để tiêm tại Trạm. Hiểu được sự lo lắng, mong mỏi của người dân, khi có tin vắc xin về, cán bộ Trạm không ai bảo ai đều chuẩn bị thật chu đáo từ việc bảo quản vắc xin tới việc thăm khám, tiêm và theo dõi sau tiêm. Nhờ đó, hoạt động tiêm chủng đã được Trạm tiến hành trở lại trong sự an toàn, đảm bảo thực hiện đúng các hướng dẫn và quy định về an toàn tiêm chủng của Bộ Y tế. Để đảm bảo các trẻ được tiêm đầy đủ vắc xin, bên cạnh việc thông báo trên loa phát thanh của phường, đăng tin thông báo trên Zalo, Trạm còn chủ động gọi điện cho các bà mẹ có con trễ lịch tiêm để phụ huynh đưa con đi tiêm bù kịp thời. “Nhìn các bà mẹ phấn khởi mà cán bộ y tế chúng tôi vui lây. Việc được phân bổ vắc xin kịp thời, nhất là tại thời điểm Tết Nguyên đán sắp đến gần càng tăng thêm ý nghĩa và tầm quan trọng, bởi Tết là thời điểm nhà nhà, người người giao lưu, đi lại, gặp gỡ đông đúc, rất dễ lây truyền dịch bệnh cho trẻ. Nhờ việc tiêm vắc xin vào lúc này, trẻ sẽ được bảo vệ tốt hơn, qua đó góp phần nâng cao miễn dịch cộng đồng”, Phó trưởng Trạm Y tế phường Ea Tam Nguyễn Thị Mai chia sẻ thêm.
|
Nhận được thông tin có vắc xin trở lại, các bà mẹ vui mừng đưa con đi tiêm chủng tại Trạm Y tế phường Ea Tam. (ảnh: Bảo Trọng).
|
Có thể khẳng định, tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Nếu tuân thủ việc tiêm chủng, trẻ nhỏ sẽ giảm được nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, lao, rubella, viêm não Nhật Bản… Bên cạnh đó, tiêm chủng vắc xin còn giúp giảm thiểu tối đa các di chứng, biến chứng, tử vong do bệnh tật so với trường hợp không được tiêm phòng. Các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện đang được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Để phòng tránh các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, các bậc cha mẹ, phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đến cơ sở tiêm chủng tiêm đầy đủ, đúng lịch hoặc được tư vấn trong trường hợp trẻ đã qua lịch tiêm chủng. Để trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các bậc phụ huynh cần ghi nhớ lịch tiêm chủng cho trẻ như sau:
– Trẻ sơ sinh: Tiêm vắc xin phòng bệnh lao (BCG); Phòng bệnh Viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.
– Trẻ đủ 2 tháng tuổi: Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 1; Uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 1.
– Trẻ 3 tháng tuổi: tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 2; uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 2.
– Trẻ 4 tháng tuổi: tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 3; Uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 3.
– Trẻ từ 5 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi: tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bại liệt IPV.
– Trẻ đủ 9 tháng tuổi: Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi lần 1.
– Trẻ 18 tháng tuổi: Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván mũi 4. Tiêm vắc xin sởi – rubella (MR).
– Từ 12 tháng tuổi: Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 1, mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 sau mũi 2 một năm.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác