18/01/2024 10:48
Bệnh uốn ván là một loại bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên và xâm nhập qua các vết thương hở. Bệnh uốn ván sau khi xuất hiện triệu chứng thì có nguy cơ tử vong cao, vì thế khi bị tai nạn thương tích, động vật cắn…. có vết thương hở, cần tiêm phòng càng sớm càng tốt.
Theo các chuyên gia y tế, uốn ván là bệnh do vi khuẩn có tên Clostridium tetani gây ra. Loại vi khuẩn này có mặt ở mọi nơi, song nó được tìm thấy chủ yếu trong lòng đất. Vi khuẩn uốn ván có thể tồn tại bình thường trong ruột của động vật và kể cả ở người. Nha bào uốn ván thường được bắt gặp ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên, như: đất, cát, phân người, phân gia súc…và có khả năng xâm nhập qua hầu hết các loại vết thương. Vi khuẩn uốn ván sẽ phát triển trên cơ thể người tại vị trí vết thương hở và tiết ra chất độc gây tổn thương hệ thần kinh. Các cơ bắp được điều khiển bởi những dây thần kinh này sẽ bị tê liệt. Bệnh uốn ván nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, như: gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp, động kinh, viêm phổi, thậm chí tử vong…
Thời gian ủ bệnh uốn ván kéo dài từ 3-21 ngày, trung bình là từ 7-8 ngày. Do đó, thời gian tốt nhất để tiêm phòng bệnh uốn ván sau khi bị thương là trong vòng 24 giờ. Khoảng thời gian này là thời gian tốt nhất tiêm vắc xin để bảo vệ bệnh nhân khỏi vi khuẩn uốn ván xâm nhập gây bệnh. Việc tiêm vắc xin sau 24 giờ kể từ khi bị thương sẽ làm giảm khả năng bảo vệ bệnh nhân, tuy nhiên không có nghĩa là sau 24 giờ bệnh nhân không tiêm vắc xin nữa. Tốt nhất, hãy cố gắng tiêm phòng uốn ván sớm nhất ngay sau khi bị thương nếu có thể.
|
Một bệnh nhân bị tai nạn giao thông được tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh.
|
Theo bác sĩ Hoàng Đức Hưng, Khoa cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh: Tất cả các vết thương hở, trầy xước, rách da đều tạo điều kiện cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập. Các loại vết thương có nguy cơ nhiễm uốn ván cao cần được tiêm phòng khẩn cấp bao gồm vết thương nặng do tai nạn giao thông nghiêm trọng, vết thương gây ra do chó, mèo cắn, cào, các vật sắc nhọn như đinh gỉ, cành cây…
Ngoài ra, các loại vết thương có nguy cơ nhiễm trùng thấp hơn như vết bỏng, trầy xước nhẹ, các loại vết thương hở không sâu và không bị nhiễm bẩn cũng cần được sơ cứu kịp thời và đúng cách để phòng ngừa nguy cơ uốn ván. Việc sơ cứu ban đầu là rất cần thiết để hạn chế vi khuẩn uốn ván xâm nhập và làm chậm sự phát triển của vi khuẩn lên đến 4 giờ. Vậy nên, ngay sau khi bị thương, có thể sơ cứu theo cách sau: Rửa sạch vết thương và loại bỏ các chất bẩn, dị vật ở vết thương dưới vòi nước sạch, có thể sử dụng oxy già hoặc bằng xà phòng (trường hợp bị chó, mèo cào, cắn). Băng bó vết thương và đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm phòng uốn ván.
Cháu N.N.A.N (phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột) bị chó cắn với vết thương hở sâu và rộng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh để sơ cứu. Sau khi xử lý vết thương, gia đình được các bác sĩ tư vấn về lợi ích của việc tiêm ngừa vắc xin uốn ván cho cháu N. Ngay sau khi biết được tác dụng của vắc xin, gia đình cháu N đã đồng ý cho cháu tiêm vắc xin ngay. “Có nhiều bệnh nhân bị tai nạn thương tích, bị các vật sắc nhọn cắt chảy máu …khi đến bệnh viện sơ cứu và được các bác sĩ giải thích về lợi ích và tác dụng của việc tiêm phòng vắc xin uốn ván nhưng nhiều người rất chủ quan không đồng ý tiêm. Việc không tiêm vắc xin phòng uốn ván sẽ để lại nhiều hệ lụy, nếu mắc bệnh việc điều trị không chỉ gây khó khăn, tốn kém mà còn có nguy cơ tử vong rất cao”, các bác sĩ chuyên khoa cho biết thêm.
Bệnh uốn ván rất nguy hiểm và gây thách thức trong điều trị nhưng có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm vắc xin đầy đủ, trong đó quan trọng nhất là tiêm ngừa chủ động, trước khi bị vết thương. Việc tiêm ngừa vắc xin bắt buộc phải đầy đủ, theo đúng lịch hẹn (tối thiểu 3 mũi, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng, mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng) và nhắc lại mỗi 5 – 10 năm sau đó sẽ giúp tạo đủ kháng thể bảo vệ khỏi bệnh uốn ván. Phụ nữ có thai cần được tiêm phòng uốn ván chủ động vì miễn dịch của người mẹ do vắc xin có giá trị phòng được uốn ván sơ sinh cho con. Đối với trường hợp không được tiêm ngừa vắc xin đầy đủ như đã nêu, khi có vết thương cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí vết thương đúng cách, đồng thời được tiêm huyết thanh giải độc tố uốn ván để phòng bệnh. Tránh tuyệt đối tình trạng tự xử lý vết thương tại nhà như thoa đắp các loại lá cây, cỏ không đảm bảo vệ sinh và đây có thể là một trong các nguyên nhân tạo điều kiện xâm nhập của các vi trùng uốn ván./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác