25/01/2024 09:00
Vừa qua, ngay sau khi được Bộ Y tế cấp đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng phân bổ vắc xin về các xã, phường, thị trấn để triển khai tiêm cho trẻ trong độ tuổi, đặc biệt chú trọng tiêm bù, tiêm vét các mũi cho những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian thiếu một số vắc xin.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, năm 2023 có gần 16.000 trẻ đã được tiêm đủ liều, đạt tỷ lệ gần 55%; Hơn 25.000 trẻ được bảo vệ uốn ván sơ sinh, đạt hơn 86%; Hơn 11.000 trẻ được tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib, đạt 37%; Gần 20.000 trẻ được tiêm viêm não Nhật Bản mũi 3, đạt gần 68%; Hơn 20.000 trẻ 18 tháng được tiêm sởi – rubella, đạt hơn 67%; Gần 12.000 trẻ 18 tháng được tiêm DPT4, đạt hơn 40%; ... Do thiếu một số loại vắc xin nên tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên quy mô toàn tỉnh chưa đạt tiến độ đề ra, nhiều trẻ bỏ lỡ mũi tiêm. Với sự nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, nhiều tỉnh thành đã vừa được phân bổ vắc xin, trong đó có Đắk Lắk. Cụ thể, trong đợt này, toàn tỉnh được cấp 14.000 liều vắc xin BCG, 18.000 liều vắc xin bOPV, 2.500 liều vắc xin VGB, 14.000 liều vắc xin VAT, 9.000 liều vắc xin viêm não Nhật Bản, 10.000 liều vắc xin sởi, 6.000 liều vắc xin sởi-rubella, 18.000 liều vắc xin DPT và 15.200 liều vắc xin DPT-VGB-Hib (SII). Bác sĩ Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Tình trạng thiếu vắc xin trên địa bàn toàn tỉnh từ cuối năm 2022 cho đến nay đã dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ toàn tỉnh đạt thấp, nguy cơ bùng phát dịch là rất cao. Trước tình hình đó, khi vắc xin chuẩn bị được cấp về tỉnh, nhằm nhanh chóng tăng độ bao phủ tiêm chủng tại cộng đồng, chủ động ngăn ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng và duy trì thành quả công tác tiêm chủng đã đạt được trong nhiều năm qua, CDC đã chỉ đạo các trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát danh sách đối tượng trẻ em sinh trong năm 2020 cho đến nay (trong độ tuổi tiêm chủng quy định tại Thông tư 38/2017-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế), những trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi các loại vắc xin. Khi có vắc xin, CDC đã lập tức phân bổ vắc xin cho các huyện và triển khai tiêm vắc xin cho các trẻ trong độ tuổi cũng như tiến hành tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng bị lỡ mũi tiêm. Đặc biệt lưu ý cấp phát, triển khai tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh. Để công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn, CDC cũng đã lưu ý các trạm thực hiện đúng các quy định về thực hành an toàn tiêm chủng, đặc biệt công tác khám sàng lọc trước tiêm chủng và tư vấn cho bà mẹ hoặc người giám hộ theo dõi trẻ sau khi tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng có thể xảy ra. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về tác dụng, lợi ích, đối tượng cần tiêm, lịch tiêm chủng, những phản ứng có thể xảy ra khi tiêm chủng và khuyến cáo người dân tích cực tham gia tiêm chủng.
Cũng theo bác sĩ Lê Phúc, nhờ tiêm chủng mở rộng, Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã khống chế được nhiều loại bệnh truyền nhiễm, như: Bại liệt, sởi - rubella, bạch hầu… và tỷ lệ trẻ mắc bệnh và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em hàng năm đều giảm đáng kể. Việc tiêm phòng vắc xin theo chương trình mở rộng đã và đang góp phần thanh toán và loại trừ nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Hơn nữa, việc tiêm chủng không chỉ có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa một số bệnh truyền nhiễm đối với sức khỏe của mỗi người mà còn tạo miễn dịch phòng bệnh cho cả cộng đồng, tránh việc bệnh bùng phát thành dịch. Do đó, bác sĩ Lê Phúc khuyến cáo các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng và có trẻ bị lỡ mũi tiêm thì nên đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế tư vấn, tiến hành tiêm đầy đủ các mũi vắc xin để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
|
Tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là cách tốt nhất để trẻ chủ động phòng bệnh hiệu quả. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Đưa con đi tiêm vắc xin 5 trong 1 tại Trạm Y tế phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), chị Mai Thị Hồng Nhung chia sẻ: Thời gian qua do không có vắc xin 5 trong 1 nên con tôi bị lỡ mũi tiêm này. Nay nghe cán bộ Trạm thông báo vắc xin đã về nên tôi nhanh chóng đưa con đi tiêm bù. Tôi biết vai trò quan trọng của việc tiêm vắc xin cho con nên tôi luôn theo dõi các thông báo của Trạm để biết lúc nào có vắc xin còn đưa con đi tiêm. Rất may cán bộ Trạm rất chu đáo, trên địa bàn phường trẻ nào thiếu mũi vắc xin nào đều được Trạm lên danh sách và chủ động gọi cho người nhà để nhắc đưa trẻ đi tiêm. Tôi thấy cách làm việc như vậy rất hiệu quả.
Có thể thấy, tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là cách tốt nhất để trẻ chủ động phòng bệnh hiệu quả, giúp cơ thể trẻ tạo kháng thể miễm dịch chống lại tác nhân gây bệnh từ bên ngoài giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm và nguy cơ lây lan bệnh cho cộng đồng. Hiện nay, các vắc xin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã được CDC phân bổ đầy đủ cho các trạm y tế, các bậc phụ huynh hãy theo dõi, cập nhật lịch tiêm phòng và cho trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin để phòng bệnh cho trẻ.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác