25/01/2024 09:47
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Ngọc Hoàng – Trưởng Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: Hiện nay, quan niệm tự ý mua thuốc điều trị, uống các loại thực phẩm chức năng tan sỏi được quảng cáo trên mạng xã hội hoặc uống thuốc nam, lá cây do dân gian truyền miệng để điều trị bệnh sỏi thận vẫn còn diễn ra. Đó cũng là lý do khiến 60% bệnh nhân mắc bệnh lý sỏi thận đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng đã bị biến chứng ứ nước, suy thận.
Bệnh nhân C.T.T.Y (58 tuổi), ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắc bị đau bụng dưới, sốt cao. Sau đó, gia đình tự mua thuốc về uống kèm truyền nước 3 ngày thì tình trạng đau bụng càng ngày càng nặng, hai chân, hai tay và bụng trướng lên, phù căng, da dẻ chuyển sang màu vàng. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng khó thở, suy thận, sốt, mệt, nhiễm trùng máu. Ngay lập tức bệnh nhân được làm các xét nghiệm cần thiết và được chẩn đoán sỏi hai bên gây bế tắc đường tiết niệu, thận ứ mủ, suy thận. “Để cứu trường hợp này, trước tiên bác sĩ đặt ống cấp cứu để ống xuyên qua viên sỏi và tháo mủ từ quả thận xuống bàng quang thì chức năng thận, nhiễm trùng máu mới được cải thiện. Sau khi giải quyết được vấn đề nhiễm khuẩn mới mổ sỏi thận cho bệnh nhân. Đến nay, sau khi mổ, tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã trở lại bình thường”. Bác sĩ Hoàng cho biết thêm.
|
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng – Trưởng Khoa thận tiết niệu, BVĐK vùng Tây Nguyên kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau phẫu thuật sỏi thận. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Cũng theo bác sĩ Hoàng: trường hợp bệnh nhân bị sỏi thận biến chứng sang suy thận như bệnh nhân Y không phải ít. Trung bình một ngày Khoa Thận tiết niệu tiếp nhận điều trị và phẫu thuật từ 25 đến 30 bệnh nhân bị sỏi thận, trong đó có đến 60% bệnh nhân đến bệnh viện muộn. Việc nhập viện muộn để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, như: thận bị ứ nước, suy thận, có trường hợp phải cắt bỏ thận hoặc phải chạy thận… Nguyên nhân khiến bệnh nhân đến bệnh viện muộn là vì biểu hiện của bệnh sỏi thận âm thầm, chỉ đau tức lưng nên nhiều người chủ quan hoặc nghĩ bị đau cột sống, gai cột sống, thoái hóa cột sống và điều trị các bệnh này mà không đi kiểm trả sức khỏe. Ngoài ra, có một số bệnh nhân khi phát hiện mắc bệnh sỏi thận nhưng không tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mà tự mua thực phẩm chức năng được quảng cáo tan sỏi để uống, hoặc uống các loại lá cây do mọi người truyền tai nhau công dụng của nó….vì vậy nhiều trường hợp đến bệnh viện khi sức khỏe đã chuyển biến xấu, như: yếu, mệt, thiếu máu, da nhợt nhạt, hay đau đầu, chóng mặt, da sạm, cao huyết áp, rối loạn điện giải, suy thận nặng ….những trường hợp này sức khỏe rất khó hồi phục.
“Nguyên nhân gây bệnh lý sỏi thận là những người làm việc ngoài trời nắng nóng nhưng ít uống nước (thói quen này khiến nước tiểu bị cô đặc, từ đó dễ hình thành tinh thể sỏi. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành sỏi); người có yếu tố gen di truyền; người hay ăn nội tạng động vật (dễ hình thành sỏi axit uric); người hay ăn nhiều chất chua, uống quá nhiều các loại nước ép (cam, bưởi, cóc); người hay uống nước trà; người hay ăn mặn, ít tập thể dục; người bị yếu, liệt; nhóm bệnh nhân lớn tuổi có phì đại tiền liệt tuyến, phì đại tiền liệt tuyến gây bế tắc dòng tiểu, những bế tắc dòng tiểu gây viêm nhiễm, đường tiết niệu không còn trơn láng, viêm nhiễm và tạo ổ gà, những cột hỏm, lồi lõm trong đường tiết niệu và trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên trên thận, tạo ra sỏi thận và gây suy thận”, bác sĩ Hoàng cho biết thêm.
|
Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chăm sóc sau phẫu thuật để sớm hồi phục sức khỏe. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Để phòng bệnh sỏi thận, bác sĩ Hoàng khuyến cáo: mọi người cần uống nước đúng, đủ, không nên uống quá nhiều hoặc quá ít. Uống nước đúng là uống từ 2,5 đến 3 lít/ngày. Chẳng hạn người có cân nặng trên 50kg thì thì uống 3 lít nước/ ngày, người có cân nặng dưới 50kg thì uống 2,5 lít nước/ngày. Đặc biệt không nên để khát nước mới uống vì nước tiểu dễ bị cô đặc mà phải uống rải rác trong ngày, uống chủ động để cơ thể lúc nào cũng có lượng nước vừa đủ. Uống nước đúng, đủ còn có tác dụng nước tiểu được đào thải điều độ từ đó sẽ thải ra tất cả cặn lắng, các tinh thể, thậm chí có những viên sỏi nhỏ khi đi tiểu sẽ theo dòng nước tiểu trôi ra ngoài. Khi mắc bệnh sỏi thận tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị mà phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, tư vấn và có hướng điều trị phù hợp. Tùy tình trạng bệnh, vị trí viên sỏi, kích thước viên sỏi, bệnh lý nền, tuổi tác của bệnh nhân bác sĩ sẽ có những chỉ định cụ thể. Trường hợp sỏi nhỏ, không có chỉ định phẫu thuật, bác sĩ sẽ điều trị viêm nhiễm, điều trị tăng dòng chảy để đẩy viên sỏi ra ngoài. Trường hợp sỏi lớn, bác sĩ sẽ có chỉ định phẫu thuật. Hiện Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đang thực hiện các phương pháp, như: mổ hở, tán sỏi ngược dòng theo đường tiết niệu ít xâm lấn, tán sỏi qua da, tán sỏi ngoài cơ thể…tất cả các phương pháp này đều triển khai hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác