06/02/2024 02:30
Dịp Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm của người dân tăng cao. Điều này dẫn đến nguy cơ dễ bị ngộ độc thực phẩm. Do đó, để có 1 cái Tết vui khỏe mọi người cần cẩn thận trong việc ăn uống và trang bị những kiến thức để phòng tránh và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm.
Ngày Tết, các gia đình thường có thói quen mua rất nhiều thực phẩm. Những ngày này, gia đình cô Đào Anh Thư (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) bắt đầu mua sắm các loại thực phẩm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. “Tôi phải mua sắm nhiều thứ để chuẩn bị tươm tất cho mâm cúng tổ tiên. Ngày Tết, gia đình không thể thiếu bánh chưng, giò, chả, thịt gà, thịt lợn, các loại bánh, kẹo, nước ngọt, rượu, bia. Năm nay, con cháu ở xa đều về ăn Tết nên phải mua sắm nhiều thứ, do vậy việc tích trữ nhiều thực phẩm là điều không tránh khỏi”, cô Thư chia sẻ. Tương tự, gia đình chú Đinh Duy Tiến (phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột) cũng đi siêu thị để mua sắm bánh mứt, bia, nước ngọt… để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Chú Tiến chia sẻ: “Các con tôi và anh em họ hàng đều ở gần nên mỗi dịp Tết đến đều tụ họp đông đủ. Mấy ngày Tết đều nấu tới 3 mâm cơm nên phải mua sắm nhiều thứ. Các loại thực phẩm như thịt cá, giò chả, rau củ đều được bảo quản trong tủ lạnh để dành làm mâm cơm mấy ngày Tết”.
|
Người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm. (ảnh: Bảo Trọng).
|
Việc sử dụng thực phẩm nhiều và để lâu ngày, bảo quản thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm là tình trạng người bệnh bị trúng độc, ngộ độc do ăn uống phải những thức ăn, thức uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc các loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, vượt quá liều lượng cho phép các chất bảo quản, chất phụ gia,… Ngộ độc thực phẩm cũng cao hơn ở các đối tượng như trẻ nhỏ, người lớn tuổi, chị em phụ nữ đang trong thai kỳ, những người có hệ miễn dịch yếu hay người mắc bệnh mạn tính.
Bác sĩ Lê Thị Châu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk cho biết, triệu chứng của ngộ độc thực phẩm phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân. Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra sau khoảng vài phút hoặc vài giờ, cũng có thể từ 1-2 ngày sau khi hệ tiêu hóa tiêu thụ hết thực phẩm. Nếu ngộ độc do vi sinh vật (các loại vi khuẩn, vi rút hoặc các độc tố từ vi sinh vật) thường biểu hiện là hội chứng về tiêu hóa như: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Các biểu hiện mất nước như khát nước, khô môi hoặc nhiễm trùng gây sốt, liên tục vã mồ hôi; Ngộ độc do thực phẩm nhiễm hóa chất, các triệu chứng không chỉ có ở hệ tiêu hóa mà còn xuất hiện các triệu chứng khác như đau đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh bất thường, trụy mạch; Còn đối với ngộ độc do thực phẩm chứa độc tố tự nhiên thì hội chứng thần kinh là nhiều hơn. Bệnh nhân thường đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, thậm chí là li bì, co giật hoặc hôn mê. Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể hồi phục sau vài ngày. Trong trường hợp bị nặng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Khi nhận thấy các triệu chứng ngộ độc thực phẩm người dân cần báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để các đơn vị y tế tiến hành điều tra xác minh và sẽ có hướng dẫn xử lý, nếu trường hợp nặng sẽ đưa đến các cơ sở y tế để điều trị.
|
Nên thận trọng khi lựa chọn thực phẩm có phẩm màu như bánh, mứt. (ảnh: Võ Quỳnh)
|
Để chủ động phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, người dân cần lưu ý: phải chọn mua được thực phẩm an toàn. Hãy tìm mua ở những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Chỉ mua và sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ. Dùng thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải có đầy đủ nhãn ghi thành phần, nơi sản xuất và thời hạn sử dụng rõ ràng; Không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; Không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong dịp Tết vì tích trữ quá nhiều, bảo quản không đúng cách sẽ ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, đặc biệt là nhiễm chéo trong bảo quản thực phẩm vì vậy thực phẩm sống, chín cần bảo quản tách biệt; Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp; Tủ lạnh là nơi bảo quản thức ăn, vì vậy cần phải vệ sinh thường xuyên; Phải sử dụng nguồn nước sạch trong sơ chế, chế biến thực phẩm và giữ vệ sinh tay và môi trường xung quanh cũng phải sạch sẽ; Khi chế biến cần đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống chín, hạn chế ăn món tái, món sống…, bác sĩ Châu khuyến cáo./.
Võ Quỳnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác