29/01/2024 04:29
Vào dịp Tết Nguyên Đán, với phong tục du xuân, chúc tết nên giờ giấc sinh hoạt và chế độ ăn ở nhiều gia đình thường bị xáo trộn, thay đổi. Bên cạnh đó, các gia đình cũng có thói quen chế biến thực phẩm để có thể dùng sẵn trong vài ngày, tâm lý trữ thực phẩm ngày Tết để tiếp đón khách cũng như việc bảo quản thực phẩm chưa cẩn thận có thể gây ôi, thiu, nấm mốc, hư hỏng. Trong những ngày Tết, việc tiếp khách với các món bánh kẹo, mứt, nước ngọt… cũng dễ khiến trẻ ăn uống đồ ngọt nhiều hơn ngày thường. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng trẻ bị tiêu chảy cấp tăng trong và sau dịp tết.
Các bác sĩ khoa Nhi, BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết trong những năm trước đây tình trạng trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp sau dịp tết thường tăng cao, có những trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp dài ngày, sức khỏe suy kiệt gia đình mới cho trẻ đến cơ sở y tế. Tiêu chảy cấp ở trẻ ảnh hưởng đến sự hấp thu và phát triển sau này của trẻ. Do đó, cần phát hiện và điều trị kịp thời để tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.
Bác sĩ chuyên khoa I. Lê Thị Bích Phượng, khoa Nhi tổng hợp, BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết: Tiêu chảy cấp ở trẻ em với các biểu hiện thường thấy là trẻ bị mệt mỏi, đau bụng, đi vệ sinh phân lỏng, nôn mửa, có thể kèm theo các triệu chứng khác như sốt. Tiêu chảy là khi trẻ đi tiêu phân lỏng từ 3 lần trở lên trong một ngày. Đi vệ sinh phân lỏng kéo dài trong vòng 14 ngày hoặc ít hơn. Tiêu chảy cấp kéo dài khiến trẻ bị mất nước, hấp thu các chất dinh dưỡng kém.
|
Biểu hiện thường thấy khi trẻ mắc tiêu chảy cấp là trẻ bị mệt mỏi, đau bụng, đi vệ sinh phân lỏng, nôn mửa, có thể kèm triệu chứng sốt. (ảnh: Quang Nhật)
|
Trường hợp bé Tr. Đ.A 28 tháng tuổi, trú tại phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, mẹ bé Tr. Đ.A cho biết: bé có những biểu hiện nôn ói, đi ngoài liên tục, kèm sốt một ngày, thấy con mệt mỏi và ói mửa, đi ngoài không giảm chị cho con nhập viện BVĐK vùng Tây Nguyên.
Hay trường hợp của bé N. N. G. B gần 5 tuổi, trú tại phường Ea Tam cũng với những biểu hiện tương tự, nôn ói và tiêu chảy nhiều kèm mệt mỏi, bé đi đứng không vững. Gia đình đã đưa bé đến cơ sở y tế để khám. Tại đây bé cũng được các bác sĩ chẩn đoán bé bị tiêu chảy cấp.
Để tránh cho trẻ bị tiêu chảy cấp trong dịp Tết, bác sĩ Bích Phượng cũng chia sẻ một số lưu ý trong việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ trong dịp Tết: Đảm bảo cho trẻ “ăn chín, uống sôi”, duy trì chế độ ăn của trẻ gần với ngày thường. Bữa ăn phải đảm bảo đủ 4 nhóm chất: chất đạm, chất bột đường, chất béo và các loại vitamin, khoáng chất. Nên cho trẻ ăn no trước khi đi chúc Tết và phải kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ để hạn chế trẻ ăn các thực phẩm ngày Tết, đặc biệt là bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhiều chất béo.Thực phẩm chế biến cho trẻ phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch cho trẻ.
Trong trường hợp tiêu chảy nhẹ, trẻ chỉ cần bù nước và điện giải đầy đủ. Nhưng nếu trẻ bị nhiễm trùng đường ruột nghiêm trọng, cần được khám và điều trị theo đơn của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc cho trẻ uống. Tuân thủ theo đúng chỉ định về liều lượng thuốc và thời gian dùng thuốc của bác sĩ. Trong khi điều trị, nếu trẻ có triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời./.
Hồng Vân
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác