20/02/2024 03:51
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh luôn là tiêu chí được các cơ sở y tế đặt ra nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Để thực hiện điều đó, cùng với sự đầu tư về nhân lực, máy móc trang thiết bị, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã ứng dụng, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao vào khám, chữa bệnh mang lại hiệu quả cao trong chẩn đoán và điều trị, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế mới và giảm tình trạng chuyển tuyến.
Là Bệnh viện tuyến cuối của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung, với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ để đổi mới, phát triển, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã chú trọng triển khai kỹ thuật mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh, nhất là đối với bệnh nhân nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương. Tính từ năm 2020 đến nay, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã nỗ lực phát triển, triển khai hơn 40 kỹ thuật mới, phương pháp mới, trong đó có nhiều kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện tại tỉnh Đắk Lắk ngang tầm với các bệnh viện đồng hạng và bệnh viện tuyến trung ương tại nhiều chuyên khoa khác nhau. Điển hình về lĩnh vực tim mạch, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp mạch máu ngoại biên bằng đốt sóng cao tần RFA. Đây là phương pháp mới trong điều trị các các bệnh lý về mạch máu như suy giãn tĩnh mạch hay điều trị các khối u lành tính, ác tính từ u gan, u thận, u xơ tử cung, u tuyến giáp… Phương pháp điều trị bằng sóng cao tần là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu không cần phẫu thuật mà vẫn đạt được hiệu quả điều trị cao tương đương với một số phương pháp phẫu thuật, bên cạnh đó còn có ưu điểm vượt trội như không để lại sẹo, đảm bảo tính thẩm mỹ, bảo toàn được chức năng của cơ quan được điều trị. Bệnh viện cũng đã triển khai can thiệp động mạch vành qua da (PCI). Đây là thủ thuật được sử dụng để mở các động mạch vành bị hẹp nặng hoặc tắc nghẽn do xơ vữa mạch vành, giúp phục hồi lưu lượng máu đến cơ tim mà không cần phẫu thuật tim hở. Lĩnh vực cấp cứu thần kinh Bệnh viện cũng đã triển khai thành công kỹ thuật tiêu sợi huyết ở bệnh nhân nhồi máu não cấp. Đây là kỹ thuật dùng thuốc tiêu sợi huyết bơm vào đường tĩnh mạch để làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não, giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch và nhanh chóng phục hồi, ít để lại di chứng tàn tật cho những người không may bị đột quỵ. Kỹ thuật ECMO cũng đã được Bệnh viện triển khai hiệu quả. Việc thực hiện thành công kỹ thuật này được xem là cứu cánh với bệnh nhân đang mắc bệnh lý nặng gây nguy hiểm trầm trọng đối với hệ tuần hoàn và hô hấp. Đồng thời, Bệnh viện còn thực hiện hàng chục kỹ thuật khác như thay thế huyết tương, tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học qua cuống, phẫu thuật nội soi khâu chóp xoay, tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ bằng máy tán laser dưới định vị siêu âm hoặc C.arm, đo mật độ xương bằng kỹ thuật DEXA… Bác sĩ CKII Trịnh Hồng Nhựt – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết: Phát triển khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là nhiệm vụ thường xuyên, cũng là một trong những chiến lược phát triển của các Bệnh viện. Những năm qua, Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều kỹ thuật cao từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Từ Dũ... Việc Bệnh viện triển khai được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu không chỉ giúp Bệnh viện nâng tầm, tạo thương hiệu, uy tín cho Bệnh viện mà còn nâng cao hiệu quả chẩn đoán bệnh chính xác hơn, sớm hơn… từ đó có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả hơn, giúp người dân trong tỉnh được tiếp cận các kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không cần đến các bệnh viện tuyến trên. Trong điều trị, người bệnh sẽ giảm thiểu nguy cơ xâm lấn, giúp bệnh nhân mau lành, giảm đau đớn và rút ngắn thời gian nằm viện. Đồng thời còn tăng cường an toàn cho người bệnh, dựa trên các nền tảng khoa học vững chắc, giúp giảm thiểu các biến chứng và rủi ro trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó còn giúp người bệnh giảm chi phí khám chữa bệnh nhờ vào việc rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm thời gian, công sức và tăng cơ hội điều trị khỏi bệnh. “Nhận thức được vai trò và trách nhiệm to lớn của mình nên mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn dịch COVID-19, nhưng toàn thể cán bộ nhân viên của Bệnh viện vẫn luôn cố gắng tập trung nghiên cứu vận dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm vào từng vị trí công tác của mình để tạo điều kiện hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Đứng trước những thử thách, những đòi hỏi ngày một cao trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, là người thầy thuốc, các y, bác sĩ của Bệnh viện không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng kỹ thuật hiện đại để thực hiện nhiệm vụ lớn lao với Nhân dân, với mong muốn tất cả người dân đều được hưởng các kỹ thuật khám, chữa bệnh hiệu quả, tiên tiến nhất”, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt chia sẻ.
|
Bệnh nhân được điều trị lọc máu liên tục tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. (ảnh: Đình Thi)
|
Nhờ triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới nên lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên ngày càng tăng cao. Nếu như năm 2020, số lượng bệnh nhân tới khám và điều trị tại Bệnh viện là 334.426 lượt thì năm 2023, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho gần 380.000 lượt bệnh nhân. Điều đó chứng tỏ hiệu quả mà việc triển khai các kỹ thuật mới mang lại là rất cao. Trước đây, khi chưa có kỹ thuật mới thời gian điều trị cho bệnh nhân thường kéo dài. Nay các kỹ thuật mới được áp dụng đã rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân, hiệu quả điều trị bệnh cũng cao hơn. Nhờ đó, bệnh nhân ngày càng tin tưởng và lựa chọn bệnh viện thay vì đi tuyến trên. Bệnh nhân N.V.Q (trú tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: Tôi bị sỏi thận nhưng vì đã lớn tuổi nên việc phẫu thuật với tôi khá khó khăn. Vừa qua, tôi nghe nói Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã triển khai thành công kỹ thuật nội soi tán sỏi thận bằng ống soi mềm. Đây là một trong những phương pháp điều trị sỏi thận tiên tiến nhất hiện nay giúp các bệnh nhân như tôi không cần phẫu thuật mà vẫn có thể điều trị khỏi bệnh, tôi cũng không phải đi xuống Sài Gòn khiến tôi rất vui. Đến nay, sau 2 ngày thực hiện phương pháp nội soi tán sỏi, sức khỏe tôi đã hồi phục rất tốt.
Cùng với việc triển khai các kỹ thuật cao, xác định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố có vai trò quyết định đến sự phát triển Bệnh viện, những năm qua, Bệnh viện đã tăng cường và mở rộng các loại hình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng giao tiếp ứng xử cho cán bộ, nhân viên. Bao gồm các hình thức như đào tạo tại chỗ, đào tạo dài hạn, định hướng theo chuyên ngành, đào tạo theo gói kỹ thuật, cầm tay chỉ việc; mời các chuyên gia tuyến trên về tập huấn cho cán bộ nhân viên y tế ngay tại Bệnh viện. Phối hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương tổ chức các buổi khám chữa bệnh từ xa…
|
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên được các bệnh viện tuyến trên chuyển giao các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong phẫu thuật điều trị bệnh cho bệnh nhân. (ảnh: Đình Thi)
|
“Thời gian tới, tiếp tục lấy người bệnh làm trung tâm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên định hướng phát triển nhiều hơn nữa về kỹ thuật mới, đặc biệt là những kỹ thuật hiện đại ngang tầm với các bệnh viện đồng hạng và bệnh viện tuyến trung ương. Đặc biệt, Bệnh viện sẽ dành ưu tiên cho các kỹ thuật trong cấp cứu người bệnh nhằm tranh thủ thời gian vàng của một số bệnh cần phải xử lý gấp để đem lại sự sống, hiệu quả trong điều trị, ít để lại di chứng tàn tật cho bệnh nhân như can thiệp mạch máu não, triển khai mổ tim hở, sớm đưa Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện đi vào hoạt đồng để triển khai rất nhiều kỹ thuật nhằm phục vụ người bệnh ung thư tốt hơn, chú trọng kỹ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt nhằm phát hiện sớm ung thư giúp điều trị sớm cho bệnh nhân và triển khai kỹ thuật thẩm tách siêu lọc máu HDF Online.
Có thể thấy, những năm qua, với phương châm tự chủ điều trị tại chỗ, đảm bảo nhanh, chính xác, kịp thời, an toàn, giảm chi phí cho người bệnh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã luôn nỗ lực, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng khám, chữa bệnh, cải tiến chất lượng phục vụ với tinh thần “Lấy người bệnh làm trung tâm” để làm tốt các nhiệm vụ được giao, xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế thân thiện, tận tình, chu đáo, hết lòng vì người bệnh, tạo sự hài lòng, tin tưởng của người bệnh và thân nhân người bệnh.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác