20/02/2024 03:57
Viêm đường tiết niệu xảy ra khi trong nước tiểu có sự xâm nhập của vi khuẩn, làm cho một số cơ quan trong hệ tiết niệu bị viêm nhiễm. Bệnh xảy ra ở cả nam và nữ, trong tất cả các độ tuổi nhưng nữ giới mắc nhiều hơn nam giới. Bệnh lý này thường gặp nhưng không thể tự khỏi và có thể phát sinh biến chứng nếu không điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: đường tiết niệu gồm 2 quả thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Thông thường nước tiểu vốn vô trùng, cấu tạo đặc biệt ở bàng quang gắn vào thành bàng quang có tác dụng như van chống trào ngược ngăn cản nước tiểu đi ngược từ bàng quang lên thận. Khi vi khuẩn vào lỗ tiểu và nhân lên trong đường tiểu gây nên hiện tượng viêm đường tiết niệu.
“Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu chủ yếu do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu gây nên. Có đến 90% trường hợp gây bệnh là do vi khuẩn Escherichia coli gây ra. Một số vi khuẩn khác gây bệnh là: Klebsiella, Proteus, Staphylococcus Saprophyticus . Phần lớn các vi khuẩn này là vi khuẩn đường ruột, thường ký sinh ở ruột già. Phần nhỏ mắc bệnh nguyên nhân do nấm. Ngoài ra, một số yếu tố khác khiến đường tiết niệu dễ bị viêm nhiễm, như: các bệnh sỏi đường tiết niệu, ứ trệ nước tiểu do u, phì đại tuyến tiền liệt, mắc các bệnh như đái tháo đường, dị dạng thận, niệu quản, suy giảm miễn dịch, già yếu, suy kiệt, phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh, quan hệ tình dục với người bị bệnh”, bác sĩ Hoàng cho biết thêm.
|
Một bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Cũng theo bác sĩ Hoàng, hiện nay, Trung bình một ngày Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 30 trường hợp bị viêm đường tiết niệu. Đa phần những trường hợp này mắc bệnh dai dẳng, liên tục và tái lại nhiều lần. Lý do là nhiều người khi có triệu chứng của bệnh tiết niệu nhưng không đi khám, tự ý mua thuốc về uống, thấy hết triệu chứng viêm thì bỏ dở điều trị khiến cho nhiều người bị kháng kháng sinh, thậm chí có bệnh nhân bị đa kháng thuốc. Khi bệnh nhân bị đa kháng thuốc thì rất khó điều trị bệnh, bởi bệnh sẽ biến chứng đến giai đoạn thận ứ mủ, có khả năng nhiễm trùng máu… và có nguy cơ tử vong. Trong trường hợp này bác sĩ phải dùng thuốc đặc biệt để điều trị cho bệnh nhân.
Triệu chứng của bệnh viêm đường tiết niệu gồm tiểu đau, tiểu gắt, buốt, tiểu lắt nhắt, cảm giác còn nước tiểu trong bàng quang dù mới đi tiểu, nước tiểu đục, có mùi hôi nồng, lẫn máu hoặc mủ… “Bệnh viêm đường tiết niệu không thể tự khỏi nếu không được điều trị. Trong giai đoạn cấp, bệnh lý này gây sốt cao, mệt mỏi, tiểu buốt, nước tiểu có máu và mủ. Nếu người bệnh chủ quan, không điều trị sớm hoặc tự ý điều trị, tình trạng viêm đường tiết niệu kéo dài dai dẳng và trở nên trầm trọng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, như: viêm thận, bể thận cấp; áp xe quanh thận; nhiễm trùng huyết; suy thận cấp; phụ nữ có thai nếu bị nhiễm trùng đường tiết niệu trên có thể gây đẻ non, sẩy thai, nhiễm trùng sơ sinh…; ở nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vi khuẩn có thể lây lan lên vòi trứng, buồng trứng gây viêm nhiễm, tắc vòi trứng, cản trở quá trình thụ thai, dẫn tới vô sinh hiếm muộn; ở nam giới, viêm đường tiết niệu kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan ngược dòng làm viêm các cơ quan khác trong hệ thống sinh dục như viêm mào tinh hoàn. Điều này có thể ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng cũng như hoạt động của tinh trùng. Trường hợp viêm tiết niệu mạn tính sẽ khiến đường tiết niệu bị hẹp, việc xuất tinh khó khăn, lâu dần làm rối loạn chức năng sinh lý ở nam giới...
|
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng cho bệnh nhân xuất viện sau khi điều trị khỏi bệnh viêm đường tiết niệu. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Viêm đường tiết niệu là căn bệnh rất phổ biến nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn. Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng khẳng định, có một vài thay đổi có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh như: uống nhiều nước (2 đến 3 lít nước mỗi ngày); Nên đi tiểu thường xuyên, tuyệt đối không nhịn tiểu bởi vì dễ làm vi khuẩn phát triển hơn; Tránh dùng bia, rượu hay thức uống chứa nhiều caffeine vì có khả năng kích thích bàng quang; Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, dùng khăn sạch để lau từ trước ra sau khi đi tiểu; Tắm bằng vòi hoa sen, hạn chế tắm bồn; Phụ nữ nên cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn mua băng vệ sinh hoặc cốc nguyệt san; Tránh dùng nước hoa lên bộ phận sinh dục; Nên chọn đồ lót làm bằng vải cotton thoáng mát, tránh vật liệu tổng hợp; Vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục. Nên đi tiểu sau khi quan hệ, việc này giúp đào thải những mầm bệnh trước khi chúng kịp vào bàng quang. Viêm đường tiết niệu là bệnh lý không thể tự khỏi. Kháng sinh là phương pháp được sử dụng nhiều nhất trong điều trị viêm đường tiết niệu. Người bệnh cần phải uống đúng liệu trình 5 - 7 ngày thuốc, không tự ý ngưng thuốc kể cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm; Tăng cường ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi có hàm lượng vitamin C dồi dào nhằm hạn chế vi khuẩn gây viêm nhiễm. Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ nên lưu ý thực hiện một số thay đổi trong thói quen sinh hoạt để giảm nguy cơ mắc bệnh: Cố gắng cho con bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Điều này sẽ mang lại lợi ích tổng thể cho sự phát triển của hệ miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm bệnh; Ở trẻ sơ sinh và trẻ chập chững biết đi, thay tã thường xuyên để ngăn vi khuẩn phát triển; Cần thực hiện điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ em trai hoặc dính môi bé ở trẻ em gái để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh; cho trẻ uống nhiều nước; Khuyến khích trẻ không nhịn tiểu; Cho trẻ ăn đủ trái cây, tránh táo bón. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục trên 24 giờ, gia đình cần đưa con đến các cơ sở y tế để khám bệnh và tìm nguyên nhân gây sốt. Những trẻ bị nhiễm trùng kèm dị dạng đường tiểu cần phối hợp điều trị dị dạng để tránh tái phát. Tóm lại, khi có dấu hiệu mắc bệnh việc trước tiên là cần đi khám để được xác định bệnh, trên cơ sở đó sẽ được điều trị càng sớm càng tốt để bệnh không để trở thành mạn tính hoặc gây biến chứng. Cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không nên chủ quan xem thường hoặc ngại không uống thuốc, uống thuốc không đủ liều hay tự mua thuốc điều trị./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác