22/02/2024 05:33
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) là một Đại Danh y, Nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc. Danh Y Lê Hữu Trác xuất thân từ một gia đình nổi tiếng với việc đỗ đạt khoa bảng, có nhiều người làm quan to trong triều đình. Ông quê ở xã Lưu Xá, huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên. Ông đã để lại cho hậu thế một khối di sản văn hóa đồ sộ, tiêu biểu là bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” - bộ sách được coi là “Bách khoa thư” y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại và còn nguyên giá trị. Hơn 200 năm qua, tấm gương của Danh y Hải Thượng Lãn Ông đã chiếu sáng trên bầu trời Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực Y tế nói riêng. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã truyền cảm hứng cho các thế hệ Thầy thuốc Việt Nam.
Là một Thầy thuốc coi trọng Y đức, Hải Thượng Lãn Ông quan niệm rằng: “Đạo làm Thuốc là Nhân thuật”. Đây là tư tưởng chủ đạo suốt cuộc đời làm Thầy thuốc của Ông. “Nhân thuật” có thể hiểu nôm na là Nghệ thuật làm người - Nghệ thuật cứu người. Người Thầy thuốc phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, lấy việc giúp người làm mục đích hành nghề, không cầu lợi kể công. Trong bộ Y tông tâm lĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đã nêu Chín điều Y huấn cách ngôn. Khi nghiên cứu về “Y Huấn cách ngôn”, một tạp chí Y khoa của Pháp Concuors Médical đã nhận xét rằng: “Ở chín điều di huấn cách ngôn, ngoài những điểm giống như “Lời thề Hyppocrate”, còn có phần đầy đủ hơn, đi sâu vào lòng người”.
|
Chân dung Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh internet.
|
Danh Y cũng khẳng định rằng người Thầy thuốc phải có đủ 8 đức tính, đó là: Nhân - Minh - Đức - Trí - Lượng - Thành - Khiêm - Cần (quan tâm đến người khác -sáng suốt, đức độ - rộng lượng - thành thật - khiêm tốn - chăm chỉ). Đồng thời ông cũng chỉ ra 8 tội cần tránh của lương y: Lười - Keo - Tham - Dối - Dốt - Ác - Hẹp hòi - Thất đức. Bản thân Hải Thượng Lãn Ông đã nêu tấm gương sáng chói việc thực hiện những điều răn dạy ấy. Thấm nhuần đạo lý từ ngàn xưa của dân tộc “Thương người như thể thương thân”. Ông đã đi bộ hơn ba mươi dặm để chữa bệnh cho một bệnh nhân ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Có lần trong đêm khuya sương gió lạnh lùng. Ông đã vượt qua núi Thiên Nhẫn để cấp cứu cho một bệnh nhân ở Nam Đàn, Nghệ An. Hải Thượng Lãn Ông đã từng chữa một ca bệnh đậu mùa rất nặng cho một em bé con nhà thuyền chài nghèo khổ bên bờ một con sông heo hút. Không những chữa lành bệnh cho em, mà ông còn không lấy tiền thuốc, tiền công. Ngoài ra, ông còn cứu trợ gia đình bệnh nhân gạo, củi, dầu đèn…
Hải Thượng Lãn Ông đã nêu tấm gương sáng cho người đời về sự chăm chỉ cần cù, dày công nghiên cứu, tích lũy kiến thức. Mặc dù rất tôn trọng học tập kiến thức của lớp người trước (như Lương Y Tuệ Tĩnh 1930-1400), nhưng Hải Thượng Lãn Ông không câu nệ vào sách vở. Y thuật của ông có giá trị lâu dài bởi vì ông chịu lắng nghe đồng nghiệp, kể cả học trò, đồng thời áp dụng kinh ngiệm của lớp người đi trước một cách có chọn lọc, linh hoạt sáng tạo, không hề rập khuôn máy móc. Từ đó ông đã tìm đúng căn nguyên của bệnh tật và vạch ra phác đồ điều trị phù hợp với đặc điểm phong thổ, khí hậu và con người Việt Nam. Hải Thượng Lãn Ông đã thực hiện nhuần nhuyễn phương châm “Nam Dược trị Nam Nhân”. Do đó Ông vừa chữa bệnh vừa nghiên cứu khoa học. Ông ghi chép lại một cách đầy đủ những thành công và cả những thất bại của mình trong hai cuốn “Y Dương Án” và “Y Âm Án” để cho đời sau rút kinh nghiệm. Ông còn sưu tầm được hàng nghìn phương thuốc hay của lớp người đi trước và trong dân gian, chính ông đã tìm ra được hơn 300 vị thuốc nam rất có giá trị cho đến tận ngày nay.
Có thể nói rằng trong lịch sử Y học Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông đã đặt nền móng cho việc xây dựng “Y Thuật” với cuốn Hải Thượng Y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển. Bộ sách Hải Thượng Y tông tâm lĩnh là Bách Khoa toàn thư y học thế kỷ 18 - Một cuốn sách mà trên thế giới cũng rất hiếm trong thời kỳ đó. Cuốn sách là tinh hoa của Y học nhân loại và Y Dược học cổ truyền Việt Nam. Trong tác phẩm này Hải Thượng Lãn Ông đã đề cập đến hầu hết các lĩnh vực: Nhi khoa, Nội khoa, Ngoại khoa, Phụ khoa, Thương khoa, Truyền nhiễm, Cấp cứu… đến những vấn đề vệ sinh phòng bệnh, thậm chí cả những cách chế biến món ăn dưỡng sinh, mà theo ngôn ngữ Y học hiện đại đó là các “Thực Phẩm Chức Năng”.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không những là Thầy thuốc mà ông còn là người có tâm hồn văn thơ. Bộ sách Hải Thượng Y tông tâm lĩnh không chỉ là một công trình nghiên cứu Y học xuất sắc thời kỳ trung đại, có giá trị to lớn về Y học, mà còn có giá trị lớn về văn học, lịch sử, triết học. Thượng kinh ký sự là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá của Văn học Việt Nam.
Lê Hữu Trác là một tấm gương sáng cho muôn đời, xứng đáng được tôn vinh không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho các thế hệ thầy thuốc noi theo. Lớp lớp các thệ hệ Thầy thuốc Việt Nam đã xây dựng nên một nền Y học Việt Nam mang đậm tính khoa học, dân tộc và đại chúng. Đặc biệt là thế hệ các Thầy thuốc ở những năm đầu của thế kỷ 20 cho đến nay, như Giáo sư - Bác sĩ Hồ Đắc Di (1900-1984), Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909-1968 ), Giáo sư - Bác sĩ Đặng Văn Ngữ (1910-1967), Giáo sư - Bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982), Giáo sư - Bác sĩ Đặng Văn Chung (1913-1999) với biệt danh là Bàn tay vàng.
Cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông đã để lại cho dân tộc ta niềm tự hào to lớn. Noi gương ông, lớp lớp Thầy thuốc Việt Nam đã học tập rèn luyện đạo đức của người Thầy thuốc, luôn luôn sẵn sàng vì Nhân dân phục vụ, vì Tổ quốc hy sinh. Nhiều Thầy thuốc đã được phong danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy Thuốc Ưu tú.
Với phong cách sống giản dị giàu lòng nhân ái, với những đóng góp to lớn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền Y học của nhân loại, ông rất xứng đáng được tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới.
Và, UNESCO đã vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Tại phiên họp lần thứ 42 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 21/11/2023 đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân Văn hóa và Sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025” trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Nghị quyết của UNESCO thông qua là sự khẳng định rõ ràng nhất về những đóng góp to lớn của Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, đồng thời thể hiện sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt trên trường quốc tế.
Nền y dược học cổ truyền Việt Nam, mà Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một đại diện, đã được hình thành, phát triển qua hàng nghìn năm cùng với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Các thế hệ lương y đã đúc rút, sáng tạo ra hàng nghìn bài thuốc, phương pháp chữa bệnh, trong đó có những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như châm cứu, bấm huyệt, khí công, dưỡng sinh…, tạo thành nét độc đáo của trí tuệ Việt, được người dân trong nước và thế giới tin tưởng, đánh giá rất cao. Sự kiện UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác một lần nữa khẳng định vị thế của nền y học cổ truyền, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Trước đó, ngày 25/12/2019, Chính phủ ban hành Quyết định số 1893/QĐ-TTg về Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030; Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là: 100% các tỉnh, thành phố thành lập bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền; 95% bệnh viện hiện đại thành lập khoa Y - Dược cổ truyền; 100% các trạm y tế xã đều sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân…./.
Minh Thu (tổng hợp)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác