28/02/2024 08:22
Hồi sức tích cực và Chống độc là một trong những khoa có môi trường làm việc căng thẳng và áp lực nhất tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Bởi hầu hết bệnh nhân đã chuyển lên hồi sức là bệnh nhân nặng, rất nặng, thậm chí sự sống chỉ tính trong gang tấc. Mặc dù khó khăn, vất vả và áp lực nhưng các y, bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực và Chống độc vẫn luôn từng ngày, từng giờ nỗ lực, tận tụy, hết lòng vì người bệnh.
Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc được thành lập từ trước năm 1975, là khoa lâm sàng của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên gồm các bộ phận tham gia hoạt động cấp cứu, hồi sức, chống độc và điều trị người bệnh. Được xem là đơn vị “đầu sóng ngọn gió” của Bệnh viện, với trách nhiệm điều trị và chăm sóc toàn diện người bệnh nặng có chức năng sống bị đe dọa tử vong cần phải hồi sức tích cực và theo dõi liên tục 24/24 giờ, các y bác sĩ, nhân viên y tế trong khoa luôn tổ chức thực hiện tốt dây chuyền cấp cứu, sử dụng các phương tiện hiện đại và chuyên sâu, thực hiện các thủ thuật trên người bệnh, chiến đấu từng giây từng phút với tử thần để bảo vệ tính mạng con người. Thạc sĩ, bác sĩ CKII Trịnh Hồng Nhựt - Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) chia sẻ: Yêu cầu công việc của bác sĩ ở đây vừa nhận bệnh từ Khoa Cấp cứu và Khoa Khám bệnh, vừa xử trí hồi sức ca nặng tại chỗ và phải lọc các nhóm bệnh đã hồi phục đưa sang các khoa khác. Đôi khi bác sĩ trực vừa phải cấp cứu một ca nặng và các ca khác cũng diễn biến nặng lên nên phải làm việc trong điều kiện căng thẳng và xử trí liên tục. Không dừng ở đó, khoa còn có nhiệm vụ phối hợp với Khoa Cấp cứu tham gia tác nghiệp ngoài Bệnh viện và tại Bệnh viện trong tình huống xảy ra cấp cứu hàng loạt, hỗ trợ chuyên môn cho hệ thống cấp cứu tại các khoa khác trong Bệnh viện và chỉ đạo chuyên khoa cho tuyến dưới. Khó chồng thêm khó khi nhân lực lao động tại khoa làm việc trực theo ca, kíp theo dõi bệnh nhân liên tục 24/24 giờ. Do đó, lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của khoa phải thường xuyên làm tăng giờ, kể cả những ngày lễ, tết. Khó khăn là thế, nhưng những năm qua, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc được xem là lá cờ đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Đến nay, khoa đã tổ chức và triển khai hoàn thiện kỹ thuật mới như: thay huyết tương bằng huyết tương tươi, chạy thận nhân tạo HDF onlin, lọc máu hấp phụ chất cytokine, triển khai kỹ thuật tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO), lọc máu liên tục (CRRT), thận nhân tạo, thực hiện đo huyết áp bằng huyết áp động mạch xâm lấn, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm hai nòng, thở máy chức năng cao với nhiều phương thức đặc biệt phương thức huy động phế nang phổi. Qua đó cứu sống nhiều bệnh nhân rất nặng như suy đa tạng do sốc nhiễm trùng, sốc sốt xuất huyết, suy hô hấp cấp (ARDS) do viêm phổi nhiễm Sars-CoV2, rắn độc cắn, ngộ độc chất bảo vệ thực vật nói chung và phospho hữu cơ nói riêng…
|
Các y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc luôn tận tụy nhiệt tình trong công tác điều trị bệnh nhân.
|
Trong mục tiêu cải tiến chất lượng Bệnh viện, xác định tầm quan trọng của việc theo dõi sau chạy thận nhân tạo ở bệnh nhân suy thận mãn, thời gian qua tập thể Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đã thực hiện cải tiến “Giảm nguy cơ hạ huyết áp ở bệnh nhân thận nhân tạo sau chạy thận nhân tạo”. Toàn khoa đã đồng lòng quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra đó là trên 90% người bệnh chạy thận nhân tạo không bị tụt huyết áp sau chạy thận; giảm tỷ lệ bệnh nhân tại đơn nguyên hồi sức bị loét ép, giảm 5% tỷ lệ loét và nâng cao hiệu quả điều trị trong hồi sức, rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế biến chứng, hạn chế tỷ lệ tử vong thấp nhất. Nhờ vậy đã cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong mặc dù số lượng bệnh nhân thu dung vào điều trị tại khoa không ngừng gia tăng.
Nhập viện trong tình trạng nặng, nguy kịch tính mạng do bị nhồi máu não, ngay lập tức, bệnh nhân Đ.T.H (trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã được các y, bác sĩ Hồi sức tích cực và Chống độc triển khai kỹ thuật tiêm sợi huyết – là một trong những kỹ thuật mới để cứu sống bệnh nhân. Nhờ được cấp cứu, điều trị kịp thời, đến nay sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục tốt và được cho xuất viện. Anh Nguyễn Văn Hiệp – người nhà bệnh nhân Đ.T.H chia sẻ: Lúc đưa mẹ tôi nhập viện, gia đình ai cũng lo lắng. Rất may có các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và Chống độc nhiệt tình cứu chữa, nhờ Bệnh viện có các kỹ thuật cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị, chữa bệnh của người dân nên mẹ tôi mới giữ được tính mạng và hồi phục tốt. Chúng tôi ai cũng biết ơn các y, bác sĩ rất nhiều.
Sau mỗi ca bệnh được điều trị thành công là niềm vui của toàn thể nhân viên khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, xua tan đi bao mệt nhọc và áp lực. Dù còn muôn vàn khó khăn nhưng toàn thể nhân viên Hồi sức tích cực và Chống độc vẫn luôn đoàn kết, gắn bó tạo thành sức mạnh tập thể, không ngừng học tập rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, hết lòng phục vụ người dân. Để luôn xứng đáng là niềm tin yêu của mọi người, là khoa “ Đầu sóng ngọn gió” của Bệnh viện và thực hiện tốt lời dạy của Hồ Chủ Tịch “ Lương y phải như từ mẫu”.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, nhất là những năm gần đây, dịch bệnh chồng dịch bệnh, mặc dù còn nhiều khó khăn về nhân lực và trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc men, thường xuyên quá tải bệnh nhân, áp lực công việc rất cao, nhân lực thiếu, nhưng tập thể khoa đã nỗ lực cứu sống thành công nhiều ca bệnh nặng và được nhiều đoàn giám sát, kiểm tra của Bộ Y tế đánh giá cao. Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cũng được nhiều bệnh viện trong và ngoài tỉnh chọn là mô hình tiêu biểu để tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Phục vụ bệnh nhân tận tình chu đáo, với phương châm “Tất cả vì sự sống của bệnh nhân”, tập thể Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc luôn đoàn kết, kề vai sát cánh tạo sức mạnh và động lực để vượt qua khó khăn, ngày đêm hết lòng cứu chữa người bệnh, tích cực nghiên cứu khoa học, cập nhật phác đồ điều trị, để lại những ấn tượng tốt đẹp, niềm tin yêu của người bệnh và nhân dân về những “chiến sĩ” khoác blouse trắng.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác