28/02/2024 03:29
Thời gian gần đây bệnh sởi bùng phát và lây lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là tại khu vực Châu Âu. Trước tình hình đó, WHO đã đưa ra cảnh báo về dịch sởi, đồng thời đưa ra khuyến cáo đề nghị người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Trước nguy cơ dịch bệnh sởi có thể bùng phát trở lại, Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh.
Trước khi có vắc xin phòng bệnh, sởi từng là cơn ác mộng khiến 2,9 triệu người chết mỗi năm. Năm 2014, đại dịch sởi bùng phát tại Việt Nam khiến rất nhiều trẻ tử vong. Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Theo công bố của UNICEF, sởi là một bệnh truyền nhiễm cao, hơn cả Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm. Sởi là bệnh lý truyền nhiễm do virus sởi (Measles Virus) gây ra, có khả năng lây lan vô cùng nhanh chóng qua đường hô hấp và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây dịch. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, nhưng phổ biến hơn ở các đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi không được tiêm phòng với hệ miễn dịch còn non nớt, sức đề kháng yếu, chưa được hoàn thiện. Bệnh sởi thường điển hình bởi các triệu chứng ở giai đoạn toàn phát như phát ban toàn thân từ sau tai, sau gáy lan dần lên trán, mặt, cổ, sau đó lan xuống khắp thân mình và cuối cùng là tứ chi. Kèm theo đó là các triệu chứng lâm sàng toàn thân khác như sốt cao, ho khan, viêm long đường hô hấp trên, đỏ mắt, viêm kết mạc, cảm giác khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng và một số trường hợp xuất hiện tình trạng viêm thanh quản cấp. Đối tượng có khả năng lớn mắc bệnh sởi là trẻ em, người có sức đề kháng kém. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nặng như viêm não, viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy... thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Bác sĩ Trần Kim Long - Phụ trách Khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Trong 5 năm từ 2019-2023, toàn tỉnh ghi nhận gần 400 trường hợp mắc sởi. Đỉnh điểm là năm 2019 với số mắc 387 trường hợp, sau đó năm 2020 giảm còn 12 trường hợp. Từ năm 2021 đến nay, tại tỉnh Đắk Lắk chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh sởi, tuy nhiên trong các năm từ 2020 đến 2023 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cộng với tình trạng thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng phòng một số bệnh đạt thấp, trong đó có bệnh sởi. Cụ thể, năm 2020, tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin sởi đạt gần 96%, tỷ lệ trẻ được tiêm Sởi-Rubella đạt gần 91%. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng giảm dần qua các năm, đến năm 2023 số trẻ được tiêm vắc xin sởi chỉ đạt gần 68%, trẻ được tiêm Sởi-Rubella đtạ gần 69%. Chính vì thế bệnh sởi vẫn có thể tiếp tục xảy ra rải rác hoặc thành dịch trên tại một số huyện, thị xã, thành phố trong thời gian tới, chủ yếu sẽ ở nhóm đối tượng dưới 10 tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm vắc xin chưa đủ mũi, đặc biệt tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi đạt thấp trong những năm trước đây, những vùng có biến động dân cư cao. “Hiện nay, bệnh sởi đang lây lan nhanh tại nhiều quốc gia trên thế giới, đây là điều rất đáng lo ngại bởi bệnh rất dễ lây và bùng phát trên diện rộng. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2024 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã chủ động triển khai các hoạt động phòng chống bệnh. Cụ thể, CDC đã tiến hành kiểm tra, giám sát hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024. Tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng các loại vắc xin trong Tiêm chủng mở rộng trong đó có vắc xin sởi, vắc xin Sởi-Rubella (MR) khi được cung ứng vắc xin đầy đủ. Đây là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Đồng thời tăng cường các hoạt động giám sát, hướng dẫn việc cách ly nhằm hạn chế tối đa các trường hợp mắc và tử vong do bệnh sởi, phối hợp cùng các cơ sở điều trị trong việc lấy mẫu, vận chuyển và xét nghiệm xác định bệnh sởi. Hiện tại, CDC đã và đang triển khai một số xét nghiệm bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh sởi. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền cũng được CDC chú trọng đẩy mạnh bằng cách đăng tải các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh sởi nói riêng trên Website của Sở Y tế, cung cấp thông tin cho báo chí để phối hợp truyền thông phòng chống dịch bệnh.
Đưa con đi tiêm vắc xin tại Trạm Y tế phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, chị Trịnh Thị Thùy Dung (trú tại phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), chia sẻ: Con tôi nay được 14 tháng tuổi, hôm nay tôi đưa bé đi tiêm vắc xin sởi mũi 1. Khi con được 9 tháng tuổi, bé tới thời điểm tiêm vắc xin sởi nhưng lúc đó Trạm Y tế chưa có vắc xin, gia đình lại không có điều kiện đưa bé đi tiêm dịch vụ nên về nhà chờ vắc xin của Trạm. Trước tết, Trạm thông báo vắc xin đã về nhưng vì bé bị viêm phổi nên chưa tiêm được. Nay bé đã khỏe bệnh, tôi liền đưa con đi tiêm để phòng bệnh vì tôi nghe cán bộ Trạm nói bệnh sởi rất nguy hiểm, tiêm vắc xin sẽ giúp bảo vệ trẻ nếu dịch bệnh xảy ra.
|
Trẻ được cán bộ Trạm Y tế Phường Ea Tam tiêm vắc xin sởi để phòng bệnh.
|
Để phòng bệnh sởi có thể bùng phát trong thời gian tới, bác sĩ Trần Kim Long khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế:
• Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin Sởi –Rubella đầy đủ và đúng lịch.
• Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
• Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
• Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
• Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác