29/02/2024 08:45
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã liên tiếp ghi nhận 3 trường hợp bệnh nhân tử vong vì bệnh dại. Trước tình hình gia tăng các trường hợp mắc bệnh, Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk phối hợp với chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai các hoạt động nhằm khống chế, phòng chống không để bệnh dại lây lan trên đàn chó, mèo và không gia tăng thêm số lượng bệnh nhân mắc, tử vong do dại trên địa bàn.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp bệnh nhân tử vong vì bệnh dại, trong đó, riêng huyện Krông Pắk ghi nhận tới 3 trường hợp (2 trường hợp tại xã Ea Yông và 1 trường hợp tại xã Hòa An). Điều đáng lo ngại là tất cả các bệnh nhân đều bị chó cắn và không đi tiêm phòng vắc xin. Bác sĩ Nguyễn Quý - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hiện nay, tổng số lượng chó trên địa bàn huyện có gần 30.000 con. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó chỉ đạt 21%. Số lượng đàn chó nhiều do người dân nuôi chó để bảo vệ sầu riêng ngoài rẫy và nuôi làm thú cưng. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó thấp, trong khi đó, chó mèo thường được nuôi theo đàn và thả rông nhiều nên nguy cơ người dân bị chó, mèo cắn rất cao. Cùng đó vẫn còn một số ít người dân chủ quan chưa có ý thức cao trong phòng, chống bệnh dại, không chủ động tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi cũng như chủ quan không đi tiêm vắc xin khi bị chó cắn hoặc cào, nhất là những trường hợp vết thương trầy sước nhẹ, chó nhỏ cắn điều này dễ dẫn đến mắc bệnh dại và tử vong. Trước việc liên tiếp ghi nhận các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh và tử vong vì dại trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk đã nhanh chóng tiến hành điều tra, xác minh ca bệnh, xác định ổ dịch, đồng thời báo cáo ổ dịch, thông báo cho cơ quan Thú y về tình hình bệnh lây truyền từ động vật sang người. Để chủ động trong hoạt động phòng, chống bệnh dại, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch xử lý ổ dịch bệnh dại, tập trung tuyên truyền trực tiếp cho các thành viên trong gia đình bệnh nhân và các hộ xung quanh nếu bị chó/mèo cắn hoặc cào thì đi tiêm phòng bệnh dại ngay; những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân lúc lên cơn bị cắn hoặc cào cũng phải đi tiêm vắc xin phòng dại; hướng dẫn người dân vệ sinh sạch sẽ bề mặt sau khi bệnh nhân tử vong; hướng dẫn trạm Y tế thông báo trên loa đài của xã về tình hình bệnh dại tại địa phương để người dân biết. Trung tâm Y tế cũng phối hợp với Phòng Y tế tham mưu UBND huyện ban hành công văn chỉ đạo các cơ quan, ban nghành, đoàn thể, UBND các xã thị trấn tăng cường công tác phòng chống bệnh dại, tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại bằng nhiều hình thức trực tiếp và giám tiếp qua loa đài của xã, thị trấn. Đặc biệt, phối hợp với các phòng tiêm chủng dịch vụ thường xuyên cập nhật danh sách người dân đi tiêm phòng dại gửi cho Trạm Chăn nuôi – Thú y điều tra, giám sát theo dõi chó đã cắn người nhằm có biện pháp xử lý kịp thời. “Để hoạt động phòng chống bệnh dại đạt hiệu quả hơn nữa, Trung tâm đã tổ chức truyền thông lưu động tại các xã có ca bệnh dại tử vong nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về phòng chống bệnh dại. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức tập huấn về công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại cho các cộng tác viên y tế thôn/buôn/tổ dân phố của các xã, thị trấn và giám sát chặt chẽ ổ dịch bệnh dại trên địa bàn”, bác sĩ Quý chia sẻ thêm.
|
Công tác truyền thông phòng chống bệnh dại bằng nhiều hình thức được triển khai đến thôn, buôn, tổ dân phố. (ảnh: Quang Nhật) .
|
Trước việc trên địa bàn có trường hợp tử vong vì bệnh dại, chị N.T.K.L (trú tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) khá lo lắng bởi nhà chị và trong xóm ai cũng nuôi ít nhất 2 con chó để giữ nhà và vườn sầu riêng. Theo chị N.T.K.L, trước đây trong xóm việc chó cắn người thỉnh thoảng vẫn diễn ra, nhất là trẻ em. Tuy nhiên, hầu như không ai đi tiêm phòng vắc xin. Gần đây, tại xã đã ghi nhận trường hợp tử vong khiến ai cũng lo lắng. Sau khi được cán bộ y tế về tuyên truyền, nhà chị và các hộ dân đã nhanh chóng tiêm phòng dại cho chó, mèo, đồng thời đi tiêm phòng vắc xin cho bản thân ngay khi bị chó cắn, mèo cào để bảo vệ sức khỏe.
|
Chó, mèo được tiêm phòng dại. (ảnh: Quang Nhật) .
|
Cũng theo bác sĩ Quý, dại là căn bệnh truyền nhiễm vi rút cấp tính do vết cắn, cào, liếm từ động vật nhiễm bệnh có thể gây những hậu quả nặng nề ở não và hệ thần kinh. Nguy cơ tử vong là 100% nếu phát bệnh. Do đó, người dân cần cảnh giác và nâng cao hiểu biết để phòng, chống bệnh dại ở người. Bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc-xin đúng và đầy đủ. Khi bị chó, mèo cắn, cào cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine; hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Tuyệt đối không được dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại mà phải đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác