29/02/2024 01:27
Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Bệnh dại rất nguy hiểm vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi phát bệnh hầu như bệnh nhân đều tử vong. Theo báo cáo tổng kết tình hình bệnh dại năm 2023 của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế, tính lũy tích đến hết tháng 12/2023 cả nước ghi nhận 82 người tử vong do bệnh dại (81/82 trường hợp không tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại, 01 trường hợp tiêm vắc xin, không tiêm huyết thanh kháng dại. Năm 2023 tỉnh Đắk Lắk có 04 người tử vong do bệnh dại.
Trong năm 2023 cả nước đã ghi nhận 674.888 người bị phơi nhiễm phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại, tăng 45% so với năm 2022 (465.824 người), trong số này không có trường hợp nào bị tử vong do bệnh dại sau khi được điều trị dự phòng. Đa số người dân đã có ý thức đến cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh dại sớm, hơn 90% các trường hợp tiêm phòng trong khoảng 10 ngày sau khi bị động vật cắn. Năm 2023 chó vẫn là nguồn truyền bệnh dại với hơn 80% các trường hợp là do chó cắn, 18% là do mèo cắn, còn lại là do các động vật khác. Tình trạng con vật lúc cắn người phần lớn con vật biểu hiện bình thường, chỉ một phần nhỏ con vật có biểu hiện ốm, nhiều trường hợp người bị chó chạy rông cắn phải đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
|
Không nên thả rông chó mèo ra đường.
|
Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương hoặc vi rút dại qua các vết thương trong khi mổ động vật hoặc chăm sóc động vật bị ốm vì bệnh dại.
Bác sĩ Vũ Văn Đủ, Trung tâm Dịch vụ khoa học kĩ thuật y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho biết: Sau khi xâm nhập vào cơ thể người vi rút dại sẽ xâm nhập vào các tế bào thần kinh trung ương rồi di chuyển đến tủy sống, não bộ. Có những y văn ghi nhận người bị chó, mèo cắn cả năm sau mới lên cơn dại.
Việc xử trí vết thương khi bị động vật cắn rất quan trọng: Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 450-700 hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Sau khi sơ cứu xong cần nhanh chóng đưa người bị súc vật cắn đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tiêm phòng dại và xử trí kịp thời.
|
Để phòng không bị chó mèo cắn không nên vuốt ve, vỗ về hay ôm hôn chó mèo lạ.
|
Bác sĩ Vũ Văn Đủ, Trung tâm Dịch vụ khoa học kĩ thuật y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cũng chia sẻ: Để phòng không bị chó mèo cắn không nên vuốt ve, vỗ về hay ôm hôn chó mèo lạ (đặc biệt không để trẻ nhỏ chơi với chó mèo vì trẻ nhỏ thường thích chơi với các con vật). Các hộ gia đình nuôi động vật như chó, mèo cần thực hiện tiêm phòng dại theo sự chỉ dẫn của cán bộ thú y. Tiêm vắc xin phòng bệnh dại ngay sau khi bị chó mèo cắn, cào.
Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người mắc bệnh dại tử vong 100%. Tiêm vắc xin phòng bệnh dại là biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại ở người. Những người sống ở vùng có dịch bệnh dại trên đàn súc vật hay những người thường xuyên phải đi qua lại vùng này, những cán bộ thú y, kỹ thuật viên xét nghiệm các mẫu vi rút dại, những người chăn nuôi, nuôi dạy, giết mổ súc vật…cần tiêm phòng dại trước để dự phòng lây nhiễm. “Hãy cùng nhau đẩy lùi bệnh dại” là Thông điệp mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội Thú y thế giới (OIE) đưa ra./.
Hồng Vân
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác