01/03/2024 10:20
Nhằm tăng cường các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, dịp Tết Nguyên đán vừa qua Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động để đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm ...
Theo đó, Ban Chỉ đạo ATVSTP tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo ATVSTP các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đa dạng hoá các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả, đã tổ chức được 5 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm (ATTP) với 210 người tham dự; tổ chức 212 buổi nói chuyện về ATTP với 8.065 người tham dự; xây dựng 333 băng rôn, khẩu hiệu, 150 áp phích, 1.440 tờ gấp, in sang 28 đĩa CD và VCD; thực hiện 3.787 buổi tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, 71 buổi tuyên truyền qua đài truyền hình; viết bài đăng báo địa phương, 64 bản tin phát trên loa truyền thanh tuyến xã; đăng 03 bài báo điện tử trên website của Cục An toàn thực phẩm, Sở Y tế và Chi cục ATVSTP; tổ chức 31 lượt xe ô tô tuyên truyền lưu động về ATTP tại các khu vực trung tâm đông dân cư và 198 lượt tuyên truyền trực tiếp thông qua hoạt động kiểm tra tại cơ sở thực phẩm; tuyên truyền các khẩu hiệu truyền thông trên bảng điện tử của Chi cục ATVSTP với thời lượng 04 giờ/ngày, trong thời gian 25 ngày (tổng cộng 50 buổi), từ ngày 14/01/2024 đến 08/02/2024…Ngoài ra, Ban Chỉ đạo ATVSTP các cấp cũng đã huy động các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tham gia truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm, kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm, biểu dương các tổ chức cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng. Đồng thời, huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau tết, cũng như mùa Lễ hội Xuân 2024.
|
Tăng cường hoạt động thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ các vụ ngộ độc thực phẩm. (ảnh: Đình Thi)
|
Về hoạt động thanh kiểm tra, Ban Chỉ đạo ATVSTP các cấp đã thành lập 203 đoàn thanh kiểm tra, trong đó: tuyến tỉnh thành lập 3 đoàn, tuyến huyện thành lập 16 đoàn và tuyến xã thành lập 184 đoàn kiểm tra. Lĩnh vực và nội dung kiểm tra chủ yếu tập trung vào các cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Tổng số cơ sở thực phẩm được kiểm tra là 3.781/14.976 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt yêu cầu là 3.479, chiếm tỷ lệ 92%; Số cơ sở vi phạm bị xử lý là 302, chiếm tỷ lệ 8%, hình thức phạt tiền với tổng số tiền phạt là 239.150.000 đồng; Số cơ sở vi phạm không bị xử lý (chỉ nhắc nhở tại chỗ) là 221 cơ sở, chiếm tỷ lệ 73,2% so với tổng số cơ sở vi phạm; 09 cơ sở bị thu hồi sản phẩm với 42 loại sản phẩm có trọng lượng tương đương 75,5 kg; 24 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với 72 loại sản phẩm có trọng lượng tương đương 153,5 kg. Sản phẩm thực phẩm bị thu hồi và tiêu hủy chủ yếu là thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng hoặc mốc hỏng. Ngoài ra, toàn tỉnh thực hiện 355 mẫu xét nghiệm phục vụ kiểm tra, trong đó 18 mẫu xét nghiệm tại labo và 337 test kiểm tra nhanh thực phẩm, số mẫu đạt yêu cầu chung là 345 (gồm: 17 mẫu tại labo và 328 test kiểm tra nhanh), chiếm tỷ lệ 97,2%.
Thông qua các đợt kiểm tra trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024 đã kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền an toàn thực phẩm tới các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra các đoàn cũng đã hướng dẫn, nhắc nhở một số cơ sở còn có mặt hàng chưa niêm yết giá hàng hóa; một số mặt hàng chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ và hết hạn sử dụng. Tăng cường tuyên truyền những quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức của chủ các cơ sở kinh doanh nhằm giữ uy tín thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Qua tiến hành kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh buôn bán các mặt hàng thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Hầu hết các hộ, cơ sở kinh doanh cơ bản thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm, các mặt hàng phục vụ Tết đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng theo quy định. Đặc biệt, không có trường hợp ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết cũng như Lễ hội Xuân 2024.
Có thể nói, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là việc làm thường xuyên và cần được đẩy mạnh, đặc biệt trong các dịp lễ hội, mùa cao điểm. Qua đó nhằm đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở thực phẩm. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật để nâng cao nhận thức và thực hành cho người kinh doanh về việc bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm thiểu tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác