02/03/2024 09:27
Trẻ nhỏ thường hiếu động, tò mò trước môi trường sống và chưa có ý thức bảo vệ bản thân nên dễ bị các nguy cơ về tai nạn thương tích, trong đó có hóc dị vật đường thở. Hóc dị vật đường thở ở trẻ là một tai nạn thường gặp, gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bên cạnh việc xử lý đúng cách, nhanh chóng khi trẻ bị hóc dị vật đường thở thì việc phòng ngừa rất quan trọng.
Theo bác sĩ Trần Thế Vinh, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể về trường hợp trẻ hóc dị vật đường thở nhưng hầu như tháng nào Khoa cũng tiếp nhận vài trường hợp trẻ có độ tuổi từ 1 dến 10 tuổi bị hóc dị vật, như: trẻ nuốt đồ chơi, viên bi, cúc áo, ghim bấm, xương cá, xương thịt, các loại hạt, tăm xỉa răng, cục pin…Khi bị hóc dị vật, nếu dị vật lớn, gây cản trở đường thở mà không được xử trí kịp thời và đúng phương pháp thì trẻ có thể tử vong ngay tức thì hoặc có thể gây áp xe thực quản khi dị vật rơi sâu vào trong thực quản, biến chứng nhiễm trùng và xuyên thủng các tổ chức. Chẳng hạn nếu dị vật đi vào đường tiêu hóa thì gây tổn thương thực quản, dạ dày, ruột, có thể gây thủng bất cứ chỗ nào, đặc biệt là thủng thực quản, thủng thực quản là một trong những biến chứng rất nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, gây nhiễm trùng trung thất và có thể tử vong. Nếu xâm nhập qua đường khí quản vào đến phổi gây nhiễm trùng trong phổi, gây áp xe phổi diễn tiến lâu dài rất nặng nề, gây tổn thương chức năng hô hấp kéo dài cho dù đã được lấy dị vật ra.
Để phòng ngừa hóc dị vật đường thở ở trẻ, bác sĩ Vinh khuyến cáo: Không cho trẻ chơi các đồ chơi có kích thước nhỏ, các loại đồ chơi có kích thước nhỏ rất nguy hiểm vì trẻ có thể vô tình nhét vào mũi mình hoặc nuốt. Đồ chơi lego, các loại hạt vòng, các loại đồ chơi có kích thước nhỏ đều không an toàn cho trẻ. Trẻ chỉ nên chơi các đồ chơi có hình khối, kích thước lớn như quả trứng trở lên. Các đồ chơi mà trẻ không thể gặm vỡ, hoặc đồ chơi không sắc nhọn gây nguy hiểm; người lớn nên để mắt tới trẻ nhỏ, không nên để trẻ tự cầm ăn các loại hạt như mắc ca, óc chó, hạt điều, đậu phộng, hạnh nhân, hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương… vì các loại hạt này rất cứng, dễ gây hóc nghẹn. Ngoài ra, các loại hạt có kích thước tròn, nhỏ như hạt bắp, hạt đậu Hà Lan cũng không an toàn để trẻ dưới 3 tuổi cầm nắm. Trẻ có thể vô tình nhét các hạt hoặc vật có kích thước nhỏ vào lỗ mũi của mình dẫn đến nghẹt thở. Ngoài các loại hạt, các loại thạch cũng không an toàn cho trẻ dưới 5 tuổi. Thạch rất trơn và được sản xuất ở kích thước nhét vừa miệng nên miếng thạch dễ lọt xuống họng trước khi trẻ kịp nhai nhỏ; không để trẻ nhỏ tự ăn thịt chưa tách xương vì hóc xương rất nguy hiểm, có thể gây chảy máu cổ họng và suy hô hấp nhanh ở trẻ nhỏ. Nhiều gia đình chủ quan hay cho trẻ nhỏ cầm nắm đùi gà vịt để trẻ tự gặm ăn. Tuy nhiên, cách ăn này dễ gây hóc xương, do khi chặt gà vịt vụn xương còn dính lại trên thịt. Trong khi trẻ ăn không nên cho trẻ xem điện thoại, xem ti vi hoặc vừa ăn vừa nói, vừa cười…Những việc đó sẽ khiến trẻ mất tập trung và gây hóc, sặc thức ăn.
|
Người lớn nên để mắt tới trẻ nhỏ, không cho trẻ chơi các đồ chơi có kích thước nhỏ
vì trẻ có thể nhét vào mũi mình hoặc nuốt. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Khuyến cáo của chuyên gia y tế sơ cứu ban đầu khi trẻ hóc dị vật: Nếu trẻ tỉnh táo và có thể ho: Khuyến khích trẻ tiếp tục ho và không thực hiện các biện pháp nào khác. Lưu ý các can thiệp thêm như vỗ lưng, ép bụng và ép ngực có thể gây các biến chứng nguy hiểm và làm cho nạn nhân bị nghẹt thở hơn. Nếu nạn nhân có dấu hiệu tắc nghẽn đường thở nặng và vẫn tỉnh táo, các chuyên gia trên thế giới khuyến nghị cách tiếp cận “năm và năm”, tức 5 lần vỗ lưng và 5 lần ép bụng để sơ cấp cứu. Ở trẻ em, có thể đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay hoặc hai đùi của người lớn và vỗ lưng.
1. 5 lần vỗ lưng: Đứng sang một bên và phía sau lưng nạn nhân. Đặt một cánh tay ngang ngực của người đó để hỗ trợ. Gập người để phần thân trên song song với mặt đất. Dùng phần lòng bàn tay (phần thịt) vỗ 5 lần mạnh, dứt khoát vùng giữa hai xương bả vai. Quan sát xem sau mỗi lần vỗ dị vật đã rơi ra ngoài hay chưa. Mục tiêu của việc vỗ lưng là chỉ cần sau 1 lần vỗ, dị vật rơi ra ngoài; do vậy không cần vỗ đủ 5 lần khi dị vật đã được tống ra ngoài.
2. 5 lần ép bụng: Đứng ngay sau lưng bệnh nhân. Đặt một chân hơi trước chân kia để giữ thăng bằng. Vòng tay ôm eo bệnh nhân và quỳ xuống phía sau trẻ.
Một tay nắm lại thành nắm tay (nắm đấm) và đặt lên vùng bụng phía trên rốn của nạn nhân. Tay kia nắm lấy nắm tay. Dùng cả thân người giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên. Động tác này làm tăng áp lực trong lồng ngực giúp tống dị vật ra ngoài. Cần thực hiện động tác nhanh và dứt khoát. Thay phiên giữa 5 lần vỗ lưng và 5 lần ép bụng cho đến khi dị vật được đánh bật ra ngoài.
Nếu trẻ bị hôn mê, bất tỉnh khi tắc dị vật đường thở, người lớn cần đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn mạnh vào dưới xương ức của trẻ từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp. Sau đó kiểm tra đường thở. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài thì tiếp tục làm lại các bước trên cho đến khi dị vật rơi ra hoặc đợi cấp cứu tới.
Trẻ hóc dị vật đường thở thường hoảng loạn, sợ hãi nên các bạc cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc dị vật hay chữa mẹo dân gian, bởi các hành động này trong nhiều trường hợp sẽ khiến dị vật mắc sâu hơn, rơi vào những vị trí nguy hiểm, làm niêm mạc bị trầy xước, chảy máu và dễ nhiễm trùng./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác