02/03/2024 09:49
Hiện nay vẫn còn rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng mà không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khiến gia đình phải rơi vào cảnh khó khăn, vay mượn khắp nơi, thậm chí cầm cố cả nhà đang ở mà vẫn không có tiền để chữa bệnh.
Đó là trường hợp của chị L.T.T.H, 39 tuổi (xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng đau nhiều vùng thắt lưng, mất hoàn toàn vận động, hai chân tê bì, không thể cử động và liệt hai chân. Sau khi làm các cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán chị H bị gãy nát đốt sống lưng, chèn ép tủy sống rất nặng và cần phải phẫu thuật cấp cứu. Chị H không tham gia BHYT, gia cảnh thuộc diện khó khăn mà chi phí phẫu thuật lên đến vài chục triệu đồng, không có khả năng chi trả. Nhận thấy trường hợp của chị H vô cùng đặc biệt nên bác sĩ Huỳnh Như Đồng, Trưởng Khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã báo cáo Phòng công tác xã hội của bệnh viện để hỗ trợ, đồng thời kêu gọi cộng đồng mạng, các mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ để chị H yên tâm điều trị bệnh.
|
BHYT là điểm tựa tinh thần giúp người bệnh có thêm động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật. (ảnh: Đình Thi)
|
Cũng mắc trọng bệnh với chi phí điều trị lên đến cả trăm triệu đồng nhưng hoàn cảnh anh N.T.D, 45 tuổi (ở huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) lại vô cùng khó khăn, không có BHYT. Anh D làm phụ hồ, cũng là lao động chính trong gia đình phải nuôi 3 người con và bố mẹ đau ốm thường xuyên. Cứ nghĩ bản thân còn khoẻ mạnh, không dễ gì mắc bệnh nên anh D chỉ mua BHYT cho bố mẹ, còn con cái và hai vợ chồng thì không mua nên khi bản thân mắc bệnh gia đình hầu như không có tiền để đi điều trị. Vợ anh D phải vay mượn khắp nơi, thậm chí cầm cả sổ đỏ căn nhà đang ở để đi điều trị cho chồng. “Khi mắc bệnh mới biết giá trị của BHYT. Nhiều người cũng mắc bệnh như tôi nhưng không thấy lo lắng về chi phí điều trị vì họ có tham gia BHYT. Còn tôi bệnh tật vốn đã khiến sức khoẻ suy giảm lại cộng thêm những lo lắng về khoản nợ nên tinh thần chẳng được thoải mái”, anh D tâm sự.
Hay như trường hợp của chị H.T.R, 48 tuổi (huyện Đăk Mil, tỉnh Đắk Nông) đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để khám bệnh thì phát hiện bản thân mắc bệnh nan y nhưng do không có BHYT không kham nổi các khoản chi phí điều trị nên đã bỏ điều trị. Chị R cho hay: “Nhà làm nương rẫy nên cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Khi mắc bệnh đi vay mượn khắp nơi cũng được vài ba triệu, trong khi nếu phải ở lại bệnh viện điều trị chi phí khoảng 40 đến 50 triệu đồng. Người thân của tôi ai cũng nghèo, không có tiền để cho vay, ruộng vườn không có để bán, trong khi hành trình chữa bệnh còn rất dài. Giờ đây tôi mới thấy BHYT quan trọng thế nào khi đau ốm. Từ thực tế câu chuyện của tôi, tôi nghĩ mọi người ai chưa tham gia BHYT hãy tham gia ngay vì thực tế BHYT là “đóng góp khi lành để dành khi ốm”.
|
Bảo hiểm y tế mang lại nhiều quyền lợi, chính sách tài chính y tế cho người tham gia, giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật. (ảnh: Đình Thi)
|
Anh D, chị H và chị R là ba trong số hàng trăm trường hợp đã nghèo còn nghèo hơn sau khi mắc bệnh nặng mà không có thẻ BHYT. Theo bác sĩ Huỳnh Như Đồng, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: Một ngày, Khoa tiếp nhận từ 5-10 bệnh nhân, có những bệnh nhân bị bệnh nặng, đa chấn thương, chấn thương sọ não, liệt tuỷ, gãy đốt sống cổ, gãy cột sống lưng, …cần phải phẫu thuật, chi phí lên đến vài chục triệu hoặc cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, trong tổng số bệnh nhân nhập viện có khoảng 2/3 bệnh nhân có BHYT, còn lại không mua BHYT. Có rất nhiều trường hợp ở ranh giới giữa nghèo và cận nghèo, gia đình không có tiền tích luỹ, nếu trong gia đình chỉ cần một người ốm nặng sẽ khiến cả nhà xuống dốc không phanh, nghèo hoá vì bệnh tật. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không vì nghèo khó không tham gia bảo hiểm mà vì chủ quan hoặc nhiều lý do đáng tiếc khác mà không tham gia BHYT. “Mọi người nên tham gia BHYT bởi khi bước chân vào bệnh viện dù ít hay nhiều BHYT chính là cứu cánh của bệnh nhân và người nhà. Hiện nhiều người vẫn chưa hiểu hết quyền lợi khi tham gia BHYT, chỉ tới khi lâm cảnh bệnh tật, tai nạn, nhất là bị nặng, chi phí vượt ngoài khả năng chi trả thì người bệnh mới thấy giá trị của BHYT, điển hình như trường hợp của chị L.T.T.H”, bác sĩ Đông khẳng định.
Có thể nói, Bảo hiểm y tế là một chính sách tài chính y tế quan trọng của Đảng và Nhà nước không chỉ hỗ trợ giảm bớt gánh nặng kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật mà chính sách BHYT còn là điểm tựa tinh thần giúp nhiều gia đình có thêm động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật, ổn định cuộc sống./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác