05/03/2024 04:47
Tình hình sốt xuất huyết (SXH) hàng năm vẫn diễn biến phức tạp, cho đến nay, SXH vẫn là một thách thức trong lĩnh vực y tế công cộng. Hiện SXH chưa có vắc xin phòng bệnh cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên công tác dự phòng là cần thiết, trong đó vai trò của đội ngũ cộng tác viên (CTV) y tế thôn, buôn là vô cùng quan trọng.
Một lần theo chân các CTV y tế của Thôn 5, Thôn 6 (xã Tân Hoà, huyện Buôn Đôn) trong chiến dịch diệt lăng quăng, phòng chống SXH tôi mới thấy rõ sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ này. Năm 2023, khi thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa mưa, Thôn 5, xã Tân Hoà huyện Buôn Đôn là khu vực có nguy cơ mắc bệnh SXH nên cộng tác viên y tế thôn đã len lỏi vào từng nhà kiểm tra các vật dụng chứa nước và hướng dẫn người dân cách xử lý lăng quăng, bọ gậy để giảm tỷ lệ mắc SXH. Đồng thời, huy động người dân vệ sinh môi trường, phối hợp cùng ngành y tế để phun hoá chất diệt muỗi…Chị Thái Thị Lợi, CTV y tế Thôn 5, xã Tân Hoà, Huyện Buôn Đôn cho biết: Ngoài những đợt cao điểm dịch bệnh SXH, trong những lần thăm hộ gia đình, nói chuyện sức khoẻ tại cộng đồng, chúng tôi bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân phòng chống dịch bệnh theo từng chủ đề trong năm thì còn vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống sự sinh sản của muỗi. Hoạt động này được thực hiện thường xuyên, liên tục hàng tuần, hàng tháng hoặc lồng ghép với các chương trình khác của ngành y tế để tuyên truyền, kiểm tra các vật dụng chứa nước và hướng dẫn người dân cách xử lý lăng quăng, bọ gậy không để phát sinh muỗi gây bệnh SXH, góp phần giảm tỷ lệ ca mắc và hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong do bệnh SXH.
|
Cộng tác viên y tế hướng dẫn người dân lật úp dụng cụ chứa nước không cần thiết để phòng chống sốt xuất huyết. (ảnh: Đình Thi)
|
Trước đây, thôn 5 là địa bàn có lưu hành dịch SXH, từ chỗ là “điểm nóng” về dịch bệnh SXH thì hiện nay, thôn 5 là một trong những thôn có tỷ lệ mắc SXH thấp của xã Tân Hòa. Kết quả này có được phần lớn cũng nhờ sự tích cực trong công tác tuyên truyền của CTV y tế thôn. Họ đã đến từng nhà, vận động từng người dân thực hiện những biện pháp phòng bệnh đơn giản nhưng hiệu quả rõ rệt.
Chị Lê Thị Ly (Thôn 5, xã Tân Hoà, huyện Buôn Đôn) chia sẻ: “Được cộng tác viên của thôn tuyên truyền, tôi biết mùa mưa là lúc các loại dịch bệnh bùng phát mạnh, nhất là SXH. Do nhà có con nhỏ, nên tôi cũng kỹ lưỡng, thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh đồ đạc, treo cao quần áo, giữ cho nhà cửa luôn thông thoáng, không để nước đọng…Làm vậy vừa giúp gia đình tôi phòng bệnh, vừa có môi trường sống thoải mái”. Không chỉ có chị Ly mà giờ đây, nhiều gia đình ở Thôn 5 rất quan tâm, chú trọng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh vào mùa mưa. Đó là kết quả của sự nhiệt tình, tâm huyết của công tác viên y tế Thái Thị Lợi trong nhiều năm qua.
Nhận xét về đội ngũ CTV y tế địa phương, ông Phùng Anh Kiên, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn cho biết: Trong phòng chống SXH thì ý thức người dân chiếm đến 80% trong việc khống chế dịch bệnh. Mặc dù hiện nay ý thức và trách nhiệm của người dân đã được nâng cao trong phòng chống SXH. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ vẫn chủ quan, ỷ lại, coi việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy là trách nhiệm của ngành y tế. Vì thế, nếu không có đội ngũ CTV đi sâu đi sát, gần dân để vận động, hướng dẫn cụ thể thì tình hình dịch bệnh khó mà kiểm soát được. “Ngành y tế huyện có khống chế được bệnh SXH hay không, có nắm bắt thông tin kịp thời hay không, người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe dù đơn giản, nhưng có thay đổi hành vi từ có hại đến có lợi hay không cũng nhờ đội ngũ CTV y tế. Vì thế mà mà họ được ví như “cánh tay nối dài của ngành y tế”. Ông Phùng Anh Kiên cho biết thêm.
Hoặc ở huyện Ea Sup, là CTV y tế ở thôn 6, xã Cư Kbang, chị Lục Thị Lợi luôn nắm rõ khu vực nào lưu hành dịch bệnh SXH, khu vực nào dễ phát sinh ổ dịch SXH. “Tuyên truyền phòng chống bệnh SXH là công việc thường xuyên năm nào tôi cũng triển khai thực hiện khi mùa mưa đến. Phòng chống SXH cho cộng đồng là việc làm quan trọng nên tôi luôn nỗ lực, nhiệt tình. Người dân cũng ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân nên mỗi khi chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường được phát động họ cùng nhau tham gia và luôn đạt kết quả cao”, chị Lợi chia sẻ.
|
Cộng tác viên y tế tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết cho người dân. (ảnh: Đình Thi)
|
Ông Dương Văn Hải, Phó phụ trách Khoa kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cho biết: Khi trên địa bàn xuất hiện những ổ dịch SXH nhỏ thì đội ngũ cộng tác viên là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho Trung tâm y tế trong quá trình xử lý ổ dịch nhỏ, hạn chế phát sinh thêm nhiều ổ dịch mới. Địa bàn nào tình hình vệ sinh môi trường không được tốt, những nơi có điều kiện phát sinh bệnh hay nơi nào xuất hiện các trường hợp nghi ngờ SXH ngay lập tức lực lượng CTV sẽ báo về trạm y tế xã, thị trấn và cán bộ chuyên trách sẽ tiến hành kiểm tra thực địa. Nếu có ca bệnh SXH sẽ kịp thời xử lý, tránh để lây lan. Ngược lại, thông qua ca bệnh SXH nằm viện, Trung tâm Y tế sẽ nắm các ca bệnh trên địa bàn, nếu có sẽ báo về trạm y tế, từ đây thông qua CTV cán bộ chuyên trách sẽ đi thực địa, giám sát tình hình, nhanh chóng báo về trung tâm y tế để có hướng xử lý. Do vậy mà tình hình bệnh SXH sẽ được quản lý và xử lý nhanh chóng, hiệu quả.
Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: các biện pháp phòng ngừa bệnh SXH rất đơn giản và dễ làm, thế nhưng vẫn có nhiều người lơ là trong việc thực hiện các biện pháp này, điều đó khiến dịch bệnh SXH vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh tăng cao vào mùa mưa. Có nhiều lý do, song có một yếu tố quan trọng là vẫn tồn tại môi trường sinh sản của muỗi. Để phòng, chống SXH, điều quan trọng là phải kiểm soát các loại muỗi truyền vi rút SXH. Để làm được điều này trước tiên phải loại trừ được môi trường nơi muỗi đẻ trứng và lăng quăng phát triển mạnh trước khi trưởng thành. Khác với muỗi truyền bệnh sốt rét, muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước nhỏ trong các hộ gia đình. Điều này có nghĩa là nếu không có những nỗ lực của từng hộ gia đình, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên y tế trong việc tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình loại trừ môi trường đẻ trứng của muỗi thì không thể ngăn chặn sự lan tràn của dịch bệnh SXH.
Hiện nay, tình hình SXH vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng thời gian tới, nhất là vào mùa mưa, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng. Do đó, mỗi người tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình, góp phần cho cả cộng đồng cùng phòng, chống SXH, thông qua hành động thiết thực là thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng. Để diệt muỗi, mỗi nhà có thể sử dụng nhang muỗi hoặc thuốc xịt muỗi thường xuyên hằng ngày hoặc hằng tuần; dọn dẹp quần áo không cho muỗi trú đậu; ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc áo, quần dài, hoặc thoa thuốc tránh muỗi đốt. Để diệt lăng quăng, mỗi người dân phải tự giác súc rửa lu, bình bông và thay nước hằng tuần, nhất là thời điểm mùa mưa. Làm nắp đậy kín các lu khạp chứa nước, dọn dẹp hoặc lật úp các vật dụng phế thải có thể đọng nước mưa như ly, chén bể, miểng dừa, vỏ xe, chậu nước… không để cho muỗi vào đẻ trứng, hoặc nuôi cá bảy màu để ăn lăng quăng./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác