05/03/2024 05:01
Nước sạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Những năm qua, việc đưa nước sạch đến với người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã và đang được chính quyền địa phương cũng như ngành y tế tỉnh Đắk Lắk quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp, nhằm đảm bảo người dân được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân, góp phần hoàn thiện tiêu chí về nước sạch trong xây dựng nông thôn mới.
Theo bác sĩ Bế Thụy Thùy Nhiên – Trưởng khoa Sức khoẻ môi trường – Y tế trường học Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, nước sạch là nước hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nước trong, không màu, không mùi, không vị, không chứa vi sinh vật gây bệnh và các chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Nước giữ một vai trò đặc biệt trong đời sống sinh tồn và phát triển, con người, động, thực vật sẽ không thể tồn tại nếu thiếu nước. Đối với cơ thể người, nước được coi là dung môi sống của các phản ứng hóa học trong cơ thể, tham gia quá trình chuyển hóa và các phản ứng trao đổi chất nhằm xây dựng và duy trì tế bào. Bên cạnh đó, nước có khả năng đào thải các độc tố, các chất cặn bã mà các cơ quan, tế bào không thể hấp thu và được đưa ra ngoài thông qua đường nước tiểu và phân, đồng thời nước còn có khả năng ổn định nhiệt độ cơ thể. Nước cũng giúp duy trì cân bằng của bầu khí quyển đem lại cho con người bầu không khí trong lành và là một nguồn cung cấp đến những hoạt động sống thường ngày, cung cấp cho những vấn đề tạo ra năng lượng điện, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp… Vì vậy, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của con người là yếu tố quyết định đến sức khỏe của mỗi người và cả cộng đồng. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước sạch không phải là vô tận. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường làm cho môi trường nước sạch bị cạn kiệt và ô nhiễm, gây ra những hiểm họa ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, da liễu, mắt, bệnh phụ khoa... Đặc biệt có thể gây ngộ độc và mắc các bệnh lý gây ảnh hưởng và nguy hiểm đến sức khỏe như các bệnh hoặc các vụ dịch đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Nhiều người dùng chung một nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể gây bùng phát các vụ dịch trong cộng đồng và nếu phân hoặc chất thải của những người này không được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường thì dịch bệnh lại càng có nguy cơ lan rộng hơn.
|
Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của con người là yếu tố quyết định đến sức khỏe của mỗi người và cả cộng đồng. (ảnh: Quang Nhật)
|
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có gần 180 công trình cấp nước tập trung. Trong đó, 44% công trình cấp nước hoạt động bền vững, cấp nước cho hơn 165.000 hộ gia đình với khoảng 35,6% số hộ gia đình trên toàn tỉnh. Để đảm bảo chất lượng nước, các trạm cấp nước thường xuyên được test hàm lượng Clo dư hàng ngày cũng như đánh giá chất lượng nước định kỳ theo quy định. Bác sĩ Bế Thụy Thùy Nhiên – Trưởng khoa Sức khoẻ môi trường – Y tế trường học Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Để giám sát chất lượng nước sạch, CDC đã tham mưu Sở Y tế về phân cấp quản lý các cơ sở cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh; thực hiện kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt và hướng dẫn các đơn vị Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiểm tra giám sát chất lượng nước sinh hoạt theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, truyền thông tại cộng đồng, cấp phát tờ rơi, in pa nô, áp phích để truyền thông nhằm nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của nước sạch trong đời sống, nâng cao nhu cầu sử dụng nước sạch đồng thời góp phần bảo vệ, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, suy thoái môi trường. Kết quả, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nguồn nước sạch là 35,61%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh là 91,39%.
Sử dụng nước giếng hàng chục năm nay, thậm chí có khi đến mùa khô, giếng khô cạn nước phải đi mua nước bình hoặc xin nước hàng xóm sử dụng nhưng những năm gần đây, do dân cư ngày một đông đúc, nguồn nước giếng theo đó cũng ô nhiễm dần khiến gia đình bà N.T.L (trú tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, vừa qua, tại nơi bà sống nước máy đã được đưa về tận từng hộ gia đình, điều này giúp bà và mọi người trong thôn xóm ai cũng vui mừng. Bà N.T.L chia sẻ: Từ ngày được tiếp cận với nguồn nước máy đảm bảo vệ sinh, tôi yên tâm hẳn. Tôi biết việc sử dụng nguồn nước sạch rất quan trọng, do đó, khi có hệ thống nước máy, hầu hết sinh hoạt tôi đều dùng nước máy, còn nước giếng phục vụ cho việc tưới tiêu. Để không lãng phí nước, tôi luôn nhắc nhở người thân trong gia đình sử dụng nước một cách khoa học, tiết kiệm, không xả nước một cách lãng phí.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 16.722 được đấu nối nước sạch; Số xã đạt vệ sinh toàn là 33; Số hộ dân có hệ thống cấp nước bền vững sau hai năm sử dụng là 7.253 đấu nối. Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho biết: Những năm qua, nhờ việc tham gia và triển khai các dự án ODA (Là các dự án do Bộ NN-PTNT chủ trì cùng một số tỉnh tham gia) đã góp phần tăng 16.722 hộ trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch (tương đương 4,2% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch); 154 công trình cấp nước và vệ sinh trường học và 67 trạm y tế được cải thiện chất lượng. Người dân nông thôn được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh giúp điều kiện vệ sinh được cải thiện, góp phần làm giảm tình trạng bệnh tật, tăng cường sức khỏe người dân. Về mặt xã hội, nhận thức của người dân về nước sạch đã được thay đổi, nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh, ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
|
Người dân được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh. (ảnh: Quang Nhật)
|
Nước sạch đóng vai trò quan trọng nhưng nguồn nước sạch không phải là vô tận. Biến đổi khí hậu, nạn chặt phá rừng, gia tăng rác thải, những tác động tiêu cực đến môi trường do sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, trong đó có việc sử dụng lãng phí nguồn nước đang khiến nguồn nước bị ảnh hưởng. Do đó, để đảm bảo nguồn nước sạch, bác sĩ Bế Thụy Thùy Nhiên – Trưởng khoa Sức khoẻ môi trường – Y tế trường học Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ nguồn nước và môi trường sống xung quanh mình, vứt rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi ni lông, sử dụng các sản phẩm sinh học, hữu cơ để cùng nhau bảo vệ môi trường; Xử lý phân người, phân gia súc. Ngoài ra, mỗi người dân cũng cần thực hành các biện pháp tiết kiệm khi sử dụng nước; kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây…
Ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống con người và hệ sinh thái tự nhiên, nhất là khi dân số ngày càng tăng nhanh, kéo theo tài nguyên nước càng cạn kiệt và ô nhiễm với tốc độ nhanh hơn. Do đó, để bảo vệ nguồn nước sạch, mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ nguồn nước để đảm bảo nguồn nước đủ chất lượng để phục vụ cho đời sống thiết yếu hằng ngày của chúng ta.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác