06/03/2024 02:29
Hiện nay, thừa cân béo phì đang trở thành mối lo ngại đối với sức khỏe con người, nhất là trẻ em. Hậu quả của thừa cân béo phì sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ khi trưởng thành như dễ mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường…
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một nhóm chuyên gia nghiên cứu quốc tế, tính đến năm 2022, số người béo phì trên thế giới khoảng 1.038 tỷ người, tăng hơn 4 lần kể từ năm 1990. Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu liên quan đến hơn 220 triệu người ở hơn 190 quốc gia. Tỷ lệ béo phì ở người lớn tăng hơn 2 lần kể từ năm 1990 đến 2022, và hơn 4 lần ở trẻ em và thiếu niên. Đối với trẻ em gái, tỷ lệ béo phì tăng từ 1,7% dân số thế giới năm 1990 lên 6,9% vào năm 2022. Đối với trẻ em trai, mức tăng là từ 2,1% lên 9,3% trong cùng khoảng thời gian trên. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Nhìn chung trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh béo phì tại Việt Nam nói chung và tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang có chiều gia tăng. Nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy, tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam là 2,3% vào năm 1993 đã tăng lên là 15% vào năm 2015. Trong đó, tỷ lệ ở thành thị gấp gần 2 lần so với nông thôn (22,1% so với 11,2%). Thống kê tại Việt Nam năm 2021 cho kết quả tương tự, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP. HCM chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc. Đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em trong độ tuổi học đường (từ 5 - 19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Tình trạng gia tăng béo phì ở trẻ được xác định bởi nhiều nguyên nhân như chế độ ăn uống chưa hợp lý, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, dầu mỡ, nhiều đường, nước ngọt… Bên cạnh đó, nhiều trẻ thường dành nhiều thời gian cho hoạt động tĩnh tại như xem tivi, chơi điện tử nhưng ít tập luyện thể dục thể thao, ít vận động. Ngoài ra có một số ít trẻ bị rối loạn chuyển hóa cũng gây nên tình trạng béo phì. Hiện nay, béo phì được WHO và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận là bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài, bởi tình trạng này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là trẻ em. “Khi trẻ béo phì, hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm, trẻ rất dễ bị ốm và mắc các bệnh truyền nhiễm. Béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống còn, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính không lây như: Đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, làm giảm chất lượng sống... Đặc biệt, khi trẻ mắc các bệnh lý khác như sốt xuất huyết, các bệnh lý nhiễm trùng… thì tiên lượng bệnh sẽ nặng hơn so với trẻ bình thường. Tại khoa Nhi Tổng hợp, hằng năm đều có các trường hợp trẻ béo phì mắc các bệnh lý sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng nặng và rất nặng, phác đồ điều trị bệnh cho các trường hợp trẻ béo phì cũng khó khăn hơn. Do đó, khi gia đình có trẻ bị béo phì, các phụ huynh cần lưu ý điều trị béo phì cho trẻ. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cơ sở y tế. Cần có chế độ ăn uống hợp lý, kiểm soát lượng thức ăn mà trẻ ăn vào và khuyến khích trẻ tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao để kiểm soát tốt cân nặng cho trẻ, giúp trẻ phát triển chiều cao, duy trì sức khỏe tốt và hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì”, bác sĩ Minh nhấn mạnh.
|
Nhiều trường hợp trẻ béo phì mắc các bệnh lý sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng nặng và rất nặng. (ảnh: Quang Nhật)
|
Có con bị béo phì và mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị T.T.K.A (trú tại phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), chia sẻ: Con tôi năm nay 9 tuổi, từ nhỏ cháu đã thừa cân béo phì. Tôi biết khi con bị béo phì, sức đề kháng của cháu suy giảm nên cũng ý thức thực hiện các biện pháp phòng các bệnh truyền nhiễm cho con. Tuy nhiên, cách đây 2 ngày cháu đi học về than mệt, sốt nhẹ. Tôi đưa cháu đi phòng khám tư làm xét nghiệm thì được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Lo lắng cho tình trạng của cháu nên tôi đưa cháu nhập viện ngay. Tại Bệnh viện, xác định tình trạng của cháu có thể chuyển nặng bất cứ lúc nào nên các y, bác sĩ luôn theo dõi sát sao các chỉ số của cháu, đồng thời hướng dẫn tôi cách chăm sóc cháu hợp lý.
|
Nên thường xuyên cho trẻ vận động, tập thể dục thể thao hợp lý để phòng bệnh béo phì. (ảnh: Quang Nhật)
|
Các tác hại của béo phì không chỉ dừng lại ở vấn đề sức khỏe mà còn là cản trở lớn cho các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Vì vậy, để phòng ngừa béo phì cho trẻ, tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa béo phì cho trẻ, cụ thể:
-
Kiểm soát chế độ ăn, đảm bảo tính khoa học, hợp lứa tuổi, đủ chất: Trẻ nên được cung cấp đủ 4 nhóm chất (chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất) với lượng vừa đủ. Rau xanh và trái cây sạch là những những thực phẩm lành mạnh được các chuyên gia khuyến khích bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày cho trẻ. Đặc biệt, tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm không lành mạnh, nhiều dầu mỡ, đường.
-
Tránh cho trẻ sử dụng nhiều các thiết bị điện tử (tivi, máy tính bảng, máy tính, điện thoại).
-
Tạo điều kiện, khuyến khích trẻ vận động thường xuyên: Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa béo phì mà còn giúp cơ thể phát triển một cách toàn diện nhất.
-
Thiết lập thời gian giấc ngủ, vận động và học tập học lý.
-
Tạo cho trẻ cảm giác thoải mái, tinh thần tích, tránh tạo áp lực cho trẻ.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác