07/03/2024 04:14
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dại trên địa bàn tỉnh vào những tháng đầu năm, ngày 5/3, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND về việc thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên động vật tại các địa phương trên toàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn cả nước tình hình bệnh Dại đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, cụ thể: Năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố (tăng 12 trường hợp so với năm 2022), nhiều nhất là tại các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên. Tính riêng từ ngày 01/01 đến ngày 20/02/2024, cả nước đã xảy ra 17 ổ bệnh dại trên động vật tại 12 tỉnh, thành phố và 18 ca tử vong trên người do bệnh Dại ở 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại đã lên tới gần 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).
Tại tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 01/01/2024 đến ngày 26/02, dịch bệnh dại trên chó đã phát sinh và các ngành chức năng đã tiêu huỷ 6 con chó mắc bệnh và nghi mắc bệnh dại tại 02 xã Ea Ktur và Ea Hu thuộc huyện Cư Kuin. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, có 04 trường hợp tử vong nghi do mắc bệnh dại (tại huyện Krông Pắk: 03 người, huyện Krông Búk: 01 người), các trường hợp tử vong đều do chủ quan không đi tiêm phòng vắc xin dại sau khi bị chó cắn. Nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người trong thời gian tới là rất cao.
|
Việc để chó thả rông, không rọ mõm gây nguy hiểm cho mọi người, nhất là trẻ em. (ảnh: Hồng Vân)
|
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, một số nguyên nhân chủ yếu của dịch bệnh dại gia tăng là do một số địa phương chưa quản lý được đàn chó, mèo như chưa thống kê chính xác số lượng đàn chó, mèo; chó thả rông còn phổ biến, đặc biệt là các tại các vùng nông thôn. Công tác tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo chưa đạt hiệu quả, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại còn thấp, năm 2023 chỉ đạt trung bình hơn 37% tổng đàn chó, mèo toàn tỉnh. Công tác thông tin, tuyên truyền về bệnh dại chưa thường xuyên, liên tục, chưa hiệu quả trong khi đó vi rút dại còn lưu hành trên động vật. Bên cạnh đó, chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo theo quy định. Việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại còn hạn chế và hệ thống thú y cơ sở còn thiếu về số lượng, công việc vất vả, phụ cấp thấp, trong khi đó địa bàn quản lý rộng. Đặc biệt, nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế. Ngoài ra, sự phối hợp liên ngành, nhất là ngành Thú y, ngành Y tế và chính quyền ở một số địa phương còn rất hạn chế khiến bệnh dại còn diễn biến phức tạp.
Để khẩn trương kiểm soát các ổ dịch bệnh dại trên động vật đang xảy ra, phòng ngừa các ổ dịch mới phát sinh và lây lan, từ đó giảm thiểu các ca tử vong và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định. Đặc biệt, tổ chức triển khai có hiệu quả, đạt được các mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 và Quyết định số 605/QĐ-UBND ngày 11/3/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Đối với ngành Y tế, để hoạt động phòng chống bệnh dại đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm 2024, nhiều hoạt động phòng, chống bệnh dại đã được triển khai. Bác sĩ Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Do liên tiếp ghi nhận 4 trường hợp tử vong nghi do dại, xác định nguy cơ cao của bệnh dại trên địa bàn, CDC đã chủ động tham mưu cho Sở Y tế kế hoạch phòng chống bệnh dại, lưu ý bệnh dại cũng như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo khẩn công tác phòng chống bệnh dại. Trong đó, tập trung các hoạt động như truyền thông, tập huấn, đánh giá dịch tễ, kinh phí mua vắc xin phòng dại tiêm cho đối tượng là dân tộc thiểu số, chính sách, người nghèo. Để công tác phòng, chống bệnh dại đạt hiệu quả hơn, CDC cũng đã chủ động phối hợp cùng Chi cục Thú y giám sát các ca bệnh dương tính trên địa bàn, tiến hành kiểm tra các địa bàn có nguy cơ. Đồng thời phối hợp cùng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên làm việc tại một số địa bàn có động vật dương tính với dại để kịp thời đưa ra các giải pháp nhằm phòng, chống bệnh dại lây lan trong cộng đồng. Hiện CDC cũng đang tham gia làm việc cùng UBND huyện Krông Pắk để triển khai các giải pháp phòng chống bệnh dại nói riêng, bệnh truyền nhiễm nói chung trên địa bàn huyện này. “Với tình hình diễn biến phức tạp, bên cạnh các nỗ lực của cơ quan chức năng, để bệnh dại không bùng phát, rất cần sự chung tay, nâng cao ý thức của tất cả người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Đặc biệt, khi bị chó cắn, mèo cào, người dân nên đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn tiêm vắc xin hoặc huyết thanh phòng bệnh, đồng thời nên tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo hằng năm để công tác phòng, chống bệnh dại đạt hiệu quả cao hơn”, bác sĩ Lê Phúc nhấn mạnh.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác