07/03/2024 05:54
Hiện nay, thời tiết nắng nóng tăng dần và đang dần chuyển sang mùa hè, là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá, đường hô hấp, qua muỗi truyền bệnh như: bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do vi rút Rota, sốt xuất huyết, thuỷ đậu…Trong môi trường trường học, nhà trẻ có mật độ tiếp xúc đông đúc, học tập và sinh hoạt chung khiến mầm bệnh càng dễ lây nhiễm, nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh là rất lớn nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt đối với cấp tiểu học và mầm non luôn được ngành giáo dục ưu tiên hàng đầu với mục tiêu không để dịch xảy ra, đảm bảo cho học sinh được học tập trong môi trường an toàn.
Tại trường Tiểu học Tô Hiệu, thành phố Buôn Ma Thuột, trong giờ sinh hoạt lớp, các em học sinh được cô giáo hướng dẫn các bước rửa tay, rửa mặt cho đúng cách, từ đó giúp các em hình thành thói quen tốt để bảo vệ sức khoẻ bản thân. Cùng với việc thường xuyên hướng dẫn cho trẻ có thói quen vệ sinh cá nhân thông qua các bài học kỹ năng mềm, công tác vệ sinh môi trường phòng học, phòng ngủ, nhà bếp, khâu chế biến thức ăn cho trẻ luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm.
|
Giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách tại Trường Mầm non Hoa Pơ Lang, thành phố Buôn Ma Thuột. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Bà Đoàn Thị Tuyết Yến, Trường Tiểu học Tô Hiệu, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: Thông thường trước khi bước vào năm học mới hoặc vào những thời điểm các loại dịch bệnh dễ bùng phát, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh một cách cụ thể, như tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nâng cao nhận thức trong công tác phòng chống dịch, tuyên truyền cho các bậc phụ huynh về triệu chứng cũng như những biểu hiện của một số dịch bệnh phổ biến đang xảy ra…nhà trường còn chú trọng bổ sung dinh dưỡng trong các khẩu phần ăn cho các con để tăng sức đề kháng phòng bệnh. Ngoài ra, khi các em đến lớp, các cô sẽ chú ý, quan sát các dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh khi đón trẻ mỗi ngày. “Khi phát hiện một trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, ví dụ như thuỷ đậu, tay chân miệng, viêm kết mạc…giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo và phối hợp với trạm y tế để khoanh vùng, xử lý ca bệnh, khử khuẩn lớp học, không để bệnh lây lan rộng, đồng thời liên hệ với phụ huynh để chăm sóc và cách ly học sinh tại nhà, hạn chế thấp nhất lây lan cho học sinh khác”, bà Đoàn Thị Tuyết Yến cho biết thêm.
Còn tại Trường mầm non Hoa Pơ Lang, thành phố Buôn Ma Thuột, công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ được trường đặt lên hàng đầu. Theo đó, việc khử khuẩn, vệ sinh lớp học, vệ sinh đồ chơi cho trẻ được Nhà trường thực hiện liên tục mỗi ngày. Đồng thời, nhà trường quán triệt đến toàn bộ giáo viên, nhân viên theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ hàng ngày, kịp thời phát hiện những trường hợp có trẻ mắc bệnh để thông báo ngay cho các đơn vị y tế phối hợp xử lý kịp thời. Bà Đinh Thị Huệ, Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Pơ Lang, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: Nhà trường thường xuyên tổng dọn vệ sinh xung quanh trường, lớp, lên phương án ứng phó với dịch bệnh. Chẳng hạn khi có dịch bệnh bùng phát trường phối hợp với trạm y tế để xử lý sớm, hạn chế thấp nhất lan rộng. Trường cũng đã bố trí các dụng cụ rửa tay xà phòng ở các lớp, giáo dục cho trẻ việc rửa tay bằng xà phòng đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, nơi công cộng… Ngoài ra, công tác kiểm tra sức khỏe, tiêm vắcxin định kỳ cho trẻ cũng được nhà trường phối hợp với phụ huynh và các Trạm y tế triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhà trường đặc biệt chú trọng tới vệ sinh an toàn thực phẩm, thay đổi thực đơn theo mùa, đảm bảo dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng, góp phần giúp trẻ phòng tránh được dịch bệnh. Nhà trường cũng đã quán triệt đến toàn bộ giáo viên, nhân viên theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ hàng ngày, kịp thời phát hiện những trường hợp có trẻ, học sinh mắc bệnh để thông báo ngay cho các đơn vị y tế phối hợp xử lý kịp thời. Song song đó, nhà trường cũng thường xuyên thông báo phụ huynh phối hợp cùng nhà trường theo dõi sức khỏe của trẻ, khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh nên được cách ly kịp thời không để lây lan thành dịch….
Theo ông Đỗ Tường Hiệp, Phó giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk: Tình hình dịch bệnh năm nay thuận lợi hơn các năm trước do bệnh COVID-19 đã được kiểm soát. Song, công tác phòng chống dịch bệnh không vì thế mà trường chủ quan, lơ là, nhất là các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học phải đối diện với nguy cơ dịch bệnh xảy ra và lây lan cao hơn. Do đó, Nhà trường luôn chủ động chỉ đạo tăng cường triển khai các hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Ngoài ra, việc phổ biến kiến thức các loại dịch bệnh, diễn biến dịch bệnh tại địa phương được được lồng ghép trong các cuộc họp giao ban trường; các bài dạy về dịch bệnh được lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, ngoại khoá …để học sinh nắm bắt kịp thời và phối hợp tốt với nhà trường để xử lý một cách an toàn, có hiệu quả.
|
Trường Tiểu học Tô Hiệu bố trí các dụng cụ rửa tay xà phòng ở các lớp, giáo dục cho trẻ việc rửa tay bằng xà phòng đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, hiện tại đang là mùa cao điểm một số dịch bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, thuỷ đậu, tay chân miệng và các bệnh về hô hấp, tiêu hoá như: viêm phổi, cúm A, tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột...Trong khi đó, trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trước sự thay đổi của thời tiết, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Hiện sốt xuất huyết và tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy công tác phòng bệnh đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, phụ huynh và nhà trường cần quan tâm đến chế độ ăn uống cung cấp đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường cho trẻ nhằm giảm thiểu tối đa các tác nhân gây bệnh. Các trường tăng cường phối hợp với phụ huynh trong việc hướng dẫn trẻ tự vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chủ động theo dõi sức khoẻ của trẻ hàng ngày để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời không để lây lan thành dịch; thường xuyên cập nhật thông tin bệnh truyền nhiễm từ ngành y tế và kiến thức kỹ năng xử lý dịch bệnh, từ đó xây dựng trường học an toàn, giúp trẻ khỏe mạnh, học tập và phát triển tốt./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác