10/03/2024 03:48
Táo bón là tình trạng gặp khó khăn mỗi lần đi đại tiện. Phân khô cứng tạo thành khối lớn hoặc phân nhỏ, rắn, lổn nhổn thành từng cục như phân dê, trong phân có máu … Đối với trẻ nhỏ, táo bón làm cho trẻ rất mệt mỏi mỗi khi đi đại tiện.
Tình trạng táo bón kéo dài khiến nhiều trẻ sợ đi vệ sinh và thường nhịn. Táo bón kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe với các bệnh lý khác nhau. Bác sĩ CKI Lê Thị Bích Phượng, khoa Nhi tổng hợp, BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết: Táo bón là tình trạng trẻ đi vệ sinh dưới 2-3 lần/ tuần. Thường xuyên có cảm giác phân khó ra khi đi đại tiện hoặc đại tiện không hết, phải rặn mạnh, kèm theo cảm giác đau hậu môn, thời gian đại tiện và rặn phân kéo dài. Đôi khi phải dùng tay hỗ trợ lấy phân ra. Bụng chướng, đầy, đau bụng âm ỉ, căng tức hậu môn. Táo bón kéo dài được chẩn đoán khi người bệnh có từ 2 triệu chứng trở lên và thời gian trên 6 tháng. Táo bón kéo dài là tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý khác như trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng, tắc ruột, viêm ruột, ung thư hậu môn – trực tràng,…
Chăm sóc con đang điều trị tại khoa Nhi tổng hợp, BVĐK vùng Tây Nguyên vì bị táo bón, tắc ruột mẹ cháu B.T.H, 6 tuổi, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Buổi tối sau khi ăn cơm xong con tôi đi vệ sinh nhưng đi không được, đau bụng, trướng bụng khó chịu. Thấy con vừa ôm bụng quằn quại và vừa khóc nên tôi cho cháu đi khám và nhập viện điều trị.
Hay trường hợp của cháu P.Đ.H, 23 tháng tuổi phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, mẹ cháu cho biết mỗi lần cháu đi đại tiện phải rặn rất lâu, đau bụng quấy khóc, sợ không dám ngồi bô và mẹ phải thường xuyên dùng thuốc nhuận tràng để bơm vào hậu môn cho con.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, nguyên nhân dẫn đến táo bón chủ yếu là do chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học: nhiều trẻ thường lười ăn rau xanh, trái cây, không uống đủ nước, lại ít vận động, thường xuyên nhịn đại tiện, lạm dụng thuốc nhuận tràng,…
|
Uống đủ nước giúp phòng ngừa táo bón.
|
Để phòng bệnh táo bón cho trẻ, bác sĩ Phượng đã lưu ý người chăm sóc trẻ cần thay đổi cách chăm sóc chế độ dinh dưỡng, vận động cho trẻ, có thể tập thói quen đi đại tiện vào một thời gian nhất định trong ngày, tốt nhất là vào buổi sáng. Tăng chế độ rau xanh, trái cây vào các bữa ăn cho trẻ. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Đối với trẻ nhỏ nên xoa bóp bụng hàng ngày để giúp cho quá trình co bóp của đại tràng đẩy phân di chuyển trong ruột được dễ dàng. Tăng cường chế độ vận động cho trẻ, hạn chế việc cho trẻ ngồi một chỗ xem ti vi, xem điện thoại. Một số thực phẩm thông thường có tác dụng nhuận trường, rất tốt cho người bị táo bón như rau đay, mồng tơi, rau khoai lang, rau càng cua… trái đu đủ, thanh long, bưởi, chuối, thơm, táo, lê…
Khi thay đổi lối sống không cải thiện được tình trạng táo bón của trẻ, nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách./.
Hồng Vân
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác