15/03/2024 04:33
Lao là bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đối với thể chất, tinh thần, kinh tế của người bệnh mà còn là mối nguy hiểm của cộng đồng bởi lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với mức độ lây lan cao. Để thực hiện lộ trình tiến tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng vào năm 2030, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk hiện đang tích cực triển khai nhiều hoạt động, đồng thời đẩy mạnh nâng cao ý thức của người dân.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh đang quản lý, điều trị trên 1.000 bệnh nhân lao các thể. Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân mắc lao đều gia tăng, trong khi đó, số bệnh nhân mắc lao chưa được phát hiện trong cộng đồng còn rất lớn. Với số ca mắc không có dấu hiệu suy giảm, điều này đặt ra một thách thức không nhỏ đối với mục tiêu loại trừ bệnh lao vào năm 2030. Qua đó, đòi hỏi những người làm công tác phòng, chống lao phải không ngừng nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Châu Đương, hiện nay bệnh lao được xếp vào nhóm B, là nhóm bệnh cần được chú trọng để tiến tới thanh toán, chấm dứt vào năm 2030. Vì vậy, Chương trình phòng chống lao Quốc gia cũng như Bệnh viện Phổi trung ương đã chỉ đạo Chương trình phòng chống lao của các tỉnh, trong đó có tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy những thành quả các năm trước đã đạt được, xây dựng kế hoạch để thực hiện công tác phòng chống lao đạt hiệu quả trong năm 2024 cũng như các năm tiếp theo. Trước tình hình đó, Bệnh viện Phổi đã xây dựng và từng bước thực hiện các kế hoạch phòng chống bệnh lao. Theo đó, công tác phòng chống lao sẽ được thực hiện đồng bộ, toàn diện. Hiện tỉnh đang thực hiện 3 chiến lược phòng chống lao. Chiến lược thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát hiện các trường hợp bệnh nhân mắc lao khi tới khám tại cơ sở y tế. Với chiến lược này, tất cả các bệnh nhân tới khám nếu có dấu hiệu ho, ho kéo dài, khó thở, đau ngực đều bắt buộc chụp X-quang phổi và làm các xét nghiệm liên quan nếu bác sĩ có chẩn đoán nghi ngờ mắc lao. Chiến lược thứ 2 là triển khai khám chủ động, các đối tượng đang sống trong cộng đồng nhưng nguy cơ cao mắc bệnh lao như những người sống cùng bệnh nhân lao, những người có biểu hiện mắc bệnh lao và những người già mắc bệnh mạn tính sẽ được tầm soát và đưa vào sàng lọc. Chiến lược thứ 3 là tầm soát, quản lý lao tiền ẩn. Việc tầm soát lao tiềm ẩn rất quan trọng bởi lao tiềm ẩn là những người đang mang vi khuẩn lao trong người nhưng chưa phát ra bệnh. Do đó, việc phát hiện sớm các đối tượng này sẽ mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể, sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như quá trình lao động của người bệnh, cắt đứt nguồn lây ngay từ đầu, tiến tới loại trừ lao ra khỏi cộng đồng. Với việc triển khai đồng thời 3 chiến lược, ngành y tế đang đồng loạt tiến công để rút ngắn thời gian thanh toán bệnh lao.
|
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, đúng phác đồ. (ảnh: Quang Nhật)
|
Hiện mạng lưới chống lao trong toàn tỉnh được phủ kín 184 xã, phường, thị trấn. Các cán bộ trạm y tế tuyến xã đã thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh lao. Đồng thời tham gia quản lý, theo dõi... để bệnh nhân điều trị đúng theo phác đồ. Tại Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, công tác thu dung, điều trị cho các bệnh nhân lao luôn được chú trọng. Để tăng hiệu quả hoạt động, Bệnh viện Phổi tỉnh đã đầu tư trang thiết bị mới, kỹ thuật cao đồng bộ, như: Máy nội soi màng phổi sinh thiết, máy đo chức năng hô hấp chuyên sâu, kháng sinh đồ hạng 2, kháng sinh đồ tạp khuẩn, hệ thống xét nghiệm nhanh phát hiện vi khuẩn lao Genxpert... Cùng với đó là công tác chẩn đoán, điều trị đã có sự đổi mới nên công tác phòng, chống, điều trị lao đã đạt được những kết quả.
Tới khám tại Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, anh H.N.V (trú tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: Vừa rồi trong gia đình có người mắc lao, do sống chung nhà nên các thành viên đều được tầm soát và kết quả tôi có vi khuẩn lao trong cơ thể. Dù chưa phát bệnh, nhưng tôi được các bác sĩ tư vấn và tiến hành điều trị. Quá trình điều trị không vất vả như bệnh nhân phát bệnh, tôi cũng không phải nghỉ làm để lên bệnh viện điều trị nội trú nên cuộc sống không mấy ảnh hưởng. Rất may ngành Y tế đã tiến hành các hoạt động tầm soát kịp thời để tôi phát hiện và điều trị sớm chứ để đến lúc phát bệnh sẽ khó khăn hơn nhiều.
Mặc dù các chiến lược phòng chống lao đã được đồng thời triển khai trên nhiều mặt trận, nhưng theo tiến sĩ Châu Đương, để tiến tới loại trừ bệnh lao là chặng đường khó khăn. Bởi ngành y tế và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng sự hiểu biết cũng như chủ quan của người dân đối với bệnh lao vẫn còn cao. Lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao lây theo đường không khí, nên mọi người, mọi lứa tuổi, thành phần trong xã hội đều có thể mắc lao. Bệnh nhân mắc lao vẫn còn chịu sự kỳ thị lớn của cộng đồng, điều đó khiến nhiều bệnh nhân khi có các triệu chứng mắc lao giấu bệnh, không dám đi khám để điều trị, không thực hiện các biện pháp phòng tránh khi mắc bệnh và tự ý chẩn đoán, tự ý mua thuốc uống khiến bệnh tình ngày càng nặng và sự lây lan ra cộng đồng càng cao. Không ít người bệnh điều trị được 1, 2 tháng, thấy cơ thể khỏe hơn đã bỏ giữa chừng, không tiếp tục uống thuốc, điều trị theo đúng phác đồ... khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn và khi phát tác rất khó điều trị. Để thanh toán được bệnh lao, cần sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, địa phương. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít địa phương chưa phối hợp khiến công tác sàng lọc trong cộng đồng đạt hiệu quả thấp. Ngoài ra, ở một số giai đoạn, việc thiếu thuốc, vật tư y tế cũng gây ảnh hưởng tới hoạt động tầm soát, khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.
Bệnh lao hoàn toàn có thể phòng tránh được, đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin BCG cho trẻ em dưới 1 tháng tuổi. Đồng thời, giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng; rèn luyện nâng cao sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, đúng phác đồ. Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách. Ngành Y tế và chính quyền địa phương đang quyết liệt triển khai các hoạt động nhưng phải có sự chung tay của người dân thì con đường thanh toán, loại trừ bệnh lao hoàn toàn vào năm 2030 của tỉnh Đắk Lắk mới thực hiện được.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác